Dự án phát triển các cánh đồng “không dấu chân người” là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp huyện Yên Thành những năm gần đây. Xã Văn Thành đang là một trong những lá cờ đầu thực hiện dự án, với tiến độ cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại, hiệu quả cao.
Những cánh đồng không dấu chân
Trong vụ lúa Xuân năm 2024, xã Văn Thành đã triển khai máy cấy không người lái, tiến hành cấy trên diện tích 1 ha, cùng với đó là thiết bị bay điều khiển tự động cũng được ứng dụng để bón phân. Do được cơ giới hoá, nên trên cả cánh đồng không có dấu chân, tiến độ gieo cấy nhanh gọn.
Khác biệt của việc triển khai thiết bị không người lái, theo người dân địa phương, có nhiều khác biệt so với máy móc có người lái. Trước hết, việc điều khiển máy giảm từ 3 người xuống chỉ còn 1-2 người. Mô hình cũng đang được đồng bộ từ khâu làm đất, cấy đến chăm sóc.
Thiết bị bay phục vụ sản xuất trên cánh đồng lớn ở Yên Thành (Ảnh: BNA). |
“Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân không phải ra đồng vất vả lao động như trước, chi phí đầu vào giảm đáng kể. Chỉ riêng khâu gieo cấy, 1 ha đất, nếu cấy lúa lai bằng máy thì chi phí gần 8 triệu đồng, gồm công cấy và giống, trong khi đó gieo cấy bằng sức người có thể hết hơn 11 triệu đồng”, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện cho hay.
Không chỉ với cây lúa truyền thống, làn sóng công nghệ cao cũng đang tràn vào các nông trại, trang trại trồng các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện Yên Thành.
Điển hình như khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Nam Phương Sơn, xã Xuân Thành, đang triển khai 10 nhà màng để trồng các loại hoa cúc, hoa ly và các giàn nho Mỹ…
Anh Lê Xuân Hải, chủ trang trại nằm trong khu công nghệ cao thôn Nam Phương Sơn, cho biết nhờ có nhà lưới mà gia đình đã có thu nhập cao hơn nhiều lần so trồng các loại cây trồng cũ.
Theo tính toán, một nhà lưới có diện tích bình quân 500m2, đầu tư ban đầu là khá lớn, khoảng 200 triệu đồng. Bù lại, mỗi năm trồng được từ 2 đến 3 vụ dưa lưới, một vụ hoa dịp Tết và xen canh rau, củ các loại… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Tôi đang dự kiến phủ kín nhà lưới trên diện tích 0,5 ha đất còn lại của gia đình. Trong đó, có nhà lưới trồng nho để làm du lịch canh nông, phục vụ khách du lịch…”, anh Hải chia sẻ.
Dấu ấn từ các HTX
Một điểm đáng chú ý trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Yên Thành là các HTX, tổ hợp tác đang thể hiện dấu ấn khá đậm nét.
Nhờ hoạt động hiệu quả, các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp đang có những đóng góp thiết thực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Điển hình, phát huy tốt vai trò bệ đỡ kinh tế hộ, HTX nông nghiệp Quyết Tiến (xã Công Thành) đang là điểm tựa sản xuất sạch của hơn 90 thành viên, tổng diện tích canh tác trên 100ha lúa giống.
Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX đã tổ chức liên kết hàng trăm hộ canh tác lúa trên địa bàn 6 xã ở trong và ngoài huyện để sản xuất 7.000 - 8.000 tấn thóc thương phẩm/năm, phục vụ chế biến, đóng gói, liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị sản xuất cao hơn cho nông dân Yên Thành (Ảnh: BNA). |
Sở hữu hơn 8 sào ruộng, ông Luân, hộ liên kết của HTX Quyết Tiến, cho hay vào HTX, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đạt chuẩn, cung cấp máy bơm để bơm nước từ nguồn về cung cấp cho lúa.
Đặc biệt, vào HTX, các hộ liên kết sẽ được tập huấn, cập nhật kỹ thuật mới, ứng dụng các loại máy móc hiện đại, nắm vững quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Nếu trước đây làm công việc đồng áng rất nặng nhọc, quanh năm chân lấm tay bùn, thì nay hầu hết các khâu đã có máy móc lo, chúng tôi chỉ cần giám sát nên khỏe lắm. Cùng với cơ giới hóa, phương thức sản xuất an toàn sinh thái cũng giúp chúng tôi tạo ra những sản phẩm sạch, giá trị canh tác cũng tăng 25 – 35%”, ông Luân hồ hởi nói.
Nếu HTX Quyết Tiến thành công với trồng trọt thì HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Thành lại “phất lên” trong lĩnh vực chăn nuôi. Đến nay, HTX đang là cầu nối liên kết gần 400 hộ thành viên.
Để phát triển bền vững, từ năm 2015 đến nay, HTX đã hoàn thiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh thái. Khu chuồng trại của HTX được xây dựng khép kín, với đầy đủ phương tiện phục vụ chăn nuôi, như quạt thông gió, máng thức ăn tự động, máy khử mùi hôi…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Quyết Tiến và Thọ Thành chỉ là hai trong số nhiều HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Yên Thành, nhờ tích cực đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật mới.
Đại diện UBND huyện Yên Thành cho hay, để có được những kết quả khả quan trong thời gian qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ phát triển HTX.
Địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX nông nghiệp mở rộng các loại hình dịch vụ, chuyển giao khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết theo chuỗi sản phẩm, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế của địa phương như gạo Yên Thành, cam Vinh, mật ong Tràng Kè...
Về quy mô toàn ngành nông nghiệp, huyện Yên Thành đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70-75%. Quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Để hoàn thành mục tiêu, Yên Thành dự kiến tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, từng bước tạo ra các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị lớn, các chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chủ lực bền vững, khai thác tốt lợi thế vùng miền, tạo khả năng cạnh tranh cao của nông sản hàng hoá địa phương. Mới đây, Yên Thành đã thu hút được Tập đoàn TH đầu tư nhà máy chế biến gạo, tạo thương hiệu gạo Yên Thành.
Đáng chú ý, ngoài sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo đề án của tỉnh, Yên Thành dự kiến đưa nhanh công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, thay vì xuất thô, và đặc biệt là huyện sẽ đẩy mạnh giới thiệu quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mỹ Chí