Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam có hai cấp: Trung ương và ở 63 tỉnh/ thành phố, hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Với bề dày 26 năm thành lập và đi vào hoạt động, hệ thống Liên minh HTX có uy tín đối với Đảng, Nhà nước, các HTX, các tổ hợp tác và với nhân dân.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, nguồn lực lớn nhất là hơn 23.000 HTX; 1.200 quỹ TDND; 80 Liên hiệp HTX; 20 tập đoàn, doanh nghiệp cấp quốc gia có liên kết với Liên minh HTX Việt Nam. Tổng tài sản khu vực kinh tế hợp tác (KTHT) đến cuối năm 2018 chiếm khoảng 90.000 tỷ đồng, tương đương hơn 30 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và ông Hồ Tỏa Cẩm chụp ảnh lưu niệm |
Tăng cường hợp tác
Theo đánh giá, xu hướng hiện nay các HTX Việt Nam phát triển theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn và chủ yếu huy động từ các nguồn lực xã hội, gắn với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất nhập khẩu. Thống kê mới nhất cho thấy, đóng góp của HTX chiếm gần 10% GDP quốc gia.
Mô hình HTX đang là phương thức tổ chức mang tính đột phá, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến cuối năm 2020, có đến 50% số xã hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí các xã đều phải có HTX, qua đó tạo việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao đời sống cho thành viên HTX.
Để làm tốt hơn nữa vai trò của Liên minh HTX Việt Nam, phát huy hơn nữa kết quả đạt được của các HTX, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng trên cơ sở đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước, Liên minh HTX Việt Nam mong muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên.
“Tạo điều kiện cho Liên minh HTX Việt Nam và các HTX ở Việt Nam tham quan, học hỏi kinh nghiệm, giúp đào tạo cán bộ, tổ chức diễn đàn về thương mại, KTHT, HTX; xây dựng thương mại điện tử ở các vùng nông thôn để nâng cao kỹ năng, hiểu biết thị trường và nhu cầu thực tế cho 66% lao động nông thôn hiện nay. Việt Nam cũng mong muốn xuất khẩu nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các HTX Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, đúng luật pháp của hai nước và thông lệ quốc tế. Liên minh HTX Việt Nam phấn đấu quý IV/2019 sẽ chính thức xuất khẩu lô hàng nông sản thanh long đầu tiên sang Trung Quốc. Về phía mình, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, thu mua sản phẩm nông nghiệp của các HTX ở Việt Nam”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Lãnh đạo hai cơ quan chụp ảnh chung sau buổi làm việc |
Đẩy mạnh phát triển tam nông
Tại cuộc làm việc với Liên minh HTX Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định những năm gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc đã tham gia nhiều chương trình vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), xóa đói giảm nghèo.
Mỗi năm, Đại sứ quán tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại; phối hợp với các cơ quan như Bộ NN&PTNT; Bộ KH&ĐT; Bộ Công Thương; Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các hội chợ thương mại, nhất là ngành nông nghiệp; kết nối cho các doanh nghiệp Trung Quốc đến nhiều tỉnh, thành phố ký kết thu mua nông sản mang về nước tiêu thụ, như: Xoài, nhãn, vải, mận, dưa hấu, lợn hơi...
“Chúng tôi xác định, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hoa quả, thực phẩm sang Trung Quốc nhiều nhất. Tới đây Đại sứ quán sẽ làm việc và đề nghị với các cơ quan chức năng của Trung Quốc chỉ đạo chặt chẽ để nhập khẩu nông sản của Việt Nam qua đường chính ngạch. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về hoa quả, nông sản, thịt lợn, tôm, cá, trong khi đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rất lớn. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa, đời sống nên rất cần có sự học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Hai bên cần tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu nông sản, tạo cơ hộ cho tam nông từng bước phát triển bền vững”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.
Ông Hồ Tỏa Cẩm cũng cho rằng phải lấy nâng cao đời sống của người dân là mục tiêu quan trọng. Muốn vậy, phải tạo thuận lợi cho người dân. Mối quan hệ thường xuyên đã có rồi, thời gian tới cần hợp tác chặt chẽ hơn, tăng cường giao lưu, xây dựng kế hoạch hàng năm. Trung Quốc là thị trường rất lớn, do vậy hai bên nên kết nối với nhau để phát triển chính ngạch. Phải ngăn chặn, quản lý đường tiểu ngạch để hạn chế những rủi ro cho nông sản Việt Nam.
Toàn cảnh buổi làm việc |
“Trung Quốc hiện có 4.000 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp thương mại, hơn 2.000 doanh nghiệp xây dựng. Do vậy, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện là cầu nối để phát huy vai trò xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa nông sản”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.
Về công tác đào tạo cán bộ, hàng năm Viện Đào tạo cán bộ của Đại sứ quán Trung Quốc đào tạo 600 học viên là cán bộ. Riêng năm nay tổ chức 13 lớp với 800 học viên. Viện sẵn sàng tiếp nhận cán bộ, chuyên viên của Liên minh HTX các cấp và cán bộ các HTX của Việt Nam.
Phạm Duy