Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam (VCA) Nguyễn Văn Thịnh cho biết nông sản Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng với nhiều mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Một thực tế đặt ra là có tới 60 – 70% nông sản Việt Nam XK sang Trung Quốc qua tiểu ngạch khiến giá trị XK bị giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Hiện nay, do yêu cầu từ phía Trung Quốc, XK nông sản Việt Nam phải bằng con đường chính ngạch là cơ hội cho XK nông sản ổn định, bền vững, hiệu quả”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nói.
Yêu cầu mới của thị trường
Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu rất cao đối với nông sản các HTX trong việc sản xuất, chế biến nông sản sạch, bền vững theo yêu cầu của đối tác.
Theo đánh giá của VCA, sản lượng hàng hóa của các HTX, liên hiệp HTX tăng cao, chất lượng hàng hóa ngày càng tốt, đáp ứng điều kiện nhập khẩu của các nước khác nhau, kể cả nước khó tính, dẫn đến nhu cầu XK hàng hóa của các HTX, liên hiệp HTX đang rất cao. Trong khi đó, khả năng tự tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các HTX còn hạn chế, không có lợi thế như các doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, VCA đang tích cực triển khai xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, góp phần tạo ra nhiều sản lượng hàng hóa có chất lượng, thúc đẩy XK tăng cao.
Cũng theo đánh giá của Phó Chủ tịch VCA Nguyễn Văn Thịnh, việc VCA hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản của các HTX đang có nhiều thuận lợi cả về mặt pháp lý cũng như về cơ chế, chính sách.
Về pháp lý, Điều lệ VCA được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 105/QĐ- TTg ngày 24/01/2017, cho phép VCA tổ chức các hoạt động kinh tế phục vụ phát triển kinh tế hợp tác, HTX… Quyết định 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, đặt ra yêu cầu sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.
Tiếp đó là Thông báo số 276/TB - VPCP ngày 3/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với VCA, trong đó giao VCA tập trung lo xúc tiến thương mại, đầu ra cho HTX.
Đặc biệt là kết quả khảo sát sâu thị trường Trung Quốc của đoàn công tác do Chủ tịch VCA Nguyễn Ngọc Bảo dẫn đầu làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Tham tán thương mại và các đối tác tại tỉnh Vân Nam, Nam Ninh, Vũ Hán, Sơn Đông đã khẳng định tiềm năng, nhu cầu và cơ hội cho nông sản Việt ở thị trường Trung Quốc là rất lớn.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh (thứ hai từ trái qua) và cán bộ của VCA thăm gian hàng nông sản chất lượng cao của các HTX ở Sơn La |
Nhiều chính sách thuận lợi
Về mặt chính sách, đến nay, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) và đang đàm phán 3 FTA…
Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan của FTA Trung Quốc – ASEAN (ACFTA) cũng như cam kết khác của Trung Quốc đã tạo thuận lợi cho hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này.
Để triển khai việc xúc tiến thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các FTA đã được ký kết, VCA đã có nhiều động thái và việc làm tích cực như: Triển khai Đề án kinh doanh thương mại và đầu tư; xác định Trung Quốc là thị trường lớn, nhu cầu tiêu thụ nông sản rất cao, vị trí địa lý thuận lợi, sát Việt Nam, có cửa khẩu đường bộ, thuận lợi cho thời gian vận chuyển hàng hóa và công tác bảo quản.
Đồng thời tìm hiểu các quy định về XK hàng hóa của HTX, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận vùng trồng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc; làm việc với đối tác về quy định, kinh nghiệm, nhu cầu thị trường và đã xác định được hàng hóa XK sang Trung Quốc là quả thanh long.
Song song đó, làm việc với đối tác của Singapore về nhu cầu, điều kiện và thủ tục liên quan đến XK tôm; xác định được vùng sản xuất thanh long có chất lượng cao là Long An, Bình Thuận và vùng nuôi trồng, chế biến tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…
VCA cũng xác định các công việc phải làm trong thời gian tới như: Làm việc trực tiếp với hơn 20 HTX XK thanh long tại Long An, Bình Thuận; làm việc với vùng tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long để năm 2019 XK được những lô hàng đầu tiên; lập kế hoạch khảo sát, làm việc, đàm phán, ký kết hợp đồng đối với các đối tác Trung Quốc; lập phương án XK thanh long, tôm trình Thường trực phê duyệt.
Bên cạnh đó, triển khai thương mại điện tử của VCA để đào tạo, tập huấn chuyên đề, thông tin, kết nối cung cầu để giới thiệu nhằm XK hàng hóa; hoàn thành Đề án kinh doanh thương mại và đầu tư để phê duyệt, đồng thời yêu cầu Liên minh HTX các tỉnh, thành phố và các liên hiệp HTX, HTX phối hợp chặt chẽ với VCA trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai có lợi ích cho Liên minh HTX tỉnh, thành phố đối với từng lô hàng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Hà Nam