HTX nông sản sạch Tràng Định (Lạng Sơn) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản có tiếng của địa phương như: gạo, thạch đen, quýt…Tuy nhiên, do “tự sản tự tiêu” nên thị trường tiêu thụ của HTX nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm cũng đến được gần hơn với khách hàng.
Thiếu nguồn lực
“Tham gia vào các hội chợ xúc tiến thương mại, HTX đã trực tiếp được trao đổi và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương tới người tiêu dùng, tạo uy tín và sự tin cậy với khách hàng. Qua đó, HTX cũng nhận được nhiều góp ý để nâng cao chất lượng sản phẩm, hay có phương pháp tiếp thị nông sản đến người tiêu dùng được thuận tiện hơn”, ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX chia sẻ.
Thực tế cho thấy, xúc tiến thương mại là hoạt động mà HTX nào cũng quan tâm và mong muốn được thực hiện hoặc tham gia. Đây cũng là yêu cầu quan trọng đối với HTX nếu muốn xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông sản. Nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế nhanh chóng với khu vực và thế giới.
Nhưng các HTX vì nhiều lý do khác nhau, trong đó đáng kể đến là lý do về khả năng tài chính và cơ chế quản lý chưa năng động nên ít “đi ra ngoài” tiếp xúc với khách hàng, nhất là khách hàng quốc tế. Điều này khiến HTX chưa thiết lập được một hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa ổn định cho riêng mình.
Ngoài yếu tố chủ quan thì còn có yếu tố khách quan khiến hoạt động xúc tiến thương mại của các HTX vẫn còn những trở ngại. Theo các chuyên gia, phần lớn HTX hiện nay là các mô hình sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, trong khi công tác hỗ trợ tổ chức xúc tiến thương mại đối với khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX đều thiếu cả về nguồn nhân lực và tài chính.
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2013 đến nay, mới có 2.617 HTX nông nghiệp được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ với số tiền 225 tỷ đồng. Ngoài ra, việc triển khai chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đến với các HTX vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, kinh phí hỗ trợ vẫn còn rất nhỏ trong số tổng kinh phí Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (chỉ khoảng 2%). Nhiều nội dung, chương trình xúc tiến thương mại chưa đến được gần với các HTX như: tuyên truyền xuất khẩu, phát triển sản phẩm, thâm nhập thị trường, thông tin thị trường, kết nối cung cầu.
Xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm giúp HTX tiếp cận trực tiếp với khách hàng. |
Chính vì lý do trên mà các hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX hiện nay mới chỉ tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những hàng hóa mà HTX có sẵn, chưa gắn liền với hoạt động phát triển sản phẩm để có thể bán những sản phẩm hàng hóa mà thị trường có yêu cầu, nhất là những sản phẩm độc đáo, có chất lượng cao.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Làm nông minh bạch, ông Ưng Thế Lãm, cho biết bên cạnh việc thiếu kinh phí, các Bộ ngành vẫn còn thiếu chiến lược và kế hoạch Xúc tiến thương mại cho các HTX.
Cụ thể là hiện nay, công tác xúc tiến xuất khẩu chủ yếu là các hoạt động tình thế, chưa tập trung vào xúc tiến thương mại quy mô cấp quốc gia, chưa tổ chức các đoàn khảo sát thị trường nước ngoài. Hay có những hoạt động xúc tiến thương mại nhưng lại có nhiều tổ chức cùng thực hiện gây ra sự cạnh tranh quyết liệt, từ đó không bảo đảm sự lành mạnh trong tiếp cận khách hàng cho các HTX mà còn gây lãng phí nguồn lực.
Theo ông Lãm, cái HTX cần là thông tin thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu nhưng hiện nay các ngành chức năng vẫn thực hiện theo kiểu vừa thừa vừa thiếu, đó là thừa thông tin chung, thiếu những thông tin cụ thể phục vụ trực tiếp cho các hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của các HTX.
Trong khi gần đây còn xảy ra tình trạng lạm phát hội chợ. Nhiều hội chợ tương tự như nhau được tổ chức nối tiếp trên cùng một địa bàn, trong khi ít đề án hội chợ triển lãm nước ngoài… nên không nâng cao được năng lực của các HTX.
Sự trợ lực cần thiết
Khi tham các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp các HTX thực hiện chiến lược marketing của mình như: tiếp cận khách hàng mục tiêu, trình bày giới thiệu sản phẩm, củng cố danh tiếng và hình ảnh... Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, HTX có cơ hội để thu thập thông tin cần thiết về nhu cầu của khách hàng, về đối thủ cạnh tranh, tạo cơ hội để HTX mở rộng thị trường, có cơ hội nhận được sự tài trợ và ủng hộ của tổ chức trong nước và quốc tế,...
Tuy nhiên năm 2020-2021, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp vì đây là mặt hàng thiết yếu, dễ bị tổn thương ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng. Đi cùng với đó là một số chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại của Nhà nước cũng không thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các Hội chợ, Tuần hàng nông sản,…
Hội chợ Xúc tiến thương mại và Đầu tư cho các HTX Coop-Expo 2022 sẽ diễn ra từ ngày 08-13/6/2022 tại Vinhomes Royal City (Hà Nội) với quy mô từ 167 gian hàng nhằm hỗ trợ HTX tăng tốc xúc tiến thương mại theo các phương pháp phù hợp với yêu cầu thị trường. Đây cũng là sự kiện quan trọng nằm trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì.
Để tạo điều kiện và hỗ trợ các HTX tìm kiếm đầu ra, hạn chế khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các Bộ ngành, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam đã nỗ lực tìm các giải pháp, hỗ trợ các HTX chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với các thị trường xuất khẩu. Hay tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại qua các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki…
Tuy nhiên việc tổ chức xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông sản cho các HTX không phải địa phương nào cũng làm được. Nơi nào chính quyền ít quan tâm, nơi ấy nông sản của HTX muốn xuất ra thị trường phần lớn đều phải qua thương lái thu mua với giá rẻ.
Một số địa phương, chính quyền không hỗ trợ xúc tiến thương mại, thị trường bị thương lái thâu tóm, gây bất ổn trong tiêu thụ nông sản. Song, cũng có một số địa phương tuy đã quan tâm tổ chức xúc tiến thương mại, nhưng cách làm chưa hiệu quả nên chưa giúp HTX mở rộng được đầu ra.
Theo các chuyên gia, các HTX đều có những sản phẩm OCOP. Các sản phẩm này mang tính đặc trưng của địa phương nên ít khách hàng biết đến. Muốn tiếp cận với khách hàng, muốn xuất khẩu hiệu quả và bền vững, cần có chiến lược xúc tiến thương mại một cách bài bản, cần có sự kết hợp hài hòa giữa xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến.
Để hỗ trợ và tháo gỡ phần nào khó khăn cho các HTX, Hội chợ Xúc tiến thương mại và Đầu tư cho các HTX Coop-Expo 2022 sẽ diễn ra từ ngày 08-13/6/2022 tại Vinhomes Royal City (Hà Nội) với quy mô từ 167 gian hàng nhằm hỗ trợ HTX tăng tốc xúc tiến thương mại theo các phương pháp phù hợp với yêu cầu thị trường. Đây cũng là sự kiện quan trọng nằm trong Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022 do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì.
Là một HTX tham gia hội chợ, bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm (Cà Mau) cho biết, hội chợ sẽ giúp HTX chia sẻ những cơ hội hợp tác kinh doanh, có điều kiện tiếp cận trực tiếp các đơn vị xuất nhập khẩu, nhà phân phối hàng hóa trong và ngoài nước, từ đó tạo ra mạng lưới kết nối giữa các đối tác trong và ngoài nước.
Ngoài sự hỗ trợ trên, các chuyên gia cho rằng xúc tiến thương mại luôn giữ một vị trí quan trong trong hoạt động tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX. Đây cũng là đòn bẩy hữu hiệu giúp các HTX tìm được đầu ra cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và mở rộng thị trường.
Muốn làm tốt được điều này, cần tiếp tục có sự quan tâm của Nhà nước, của các cấp chính quyền và sự nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo trong hoạt động xúc tiến thương mại của các HTX và các tổ chức xúc tiến thương mại.
Huyền Trang