Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, diện tích sầu riêng năm 2021 của cả nước là 84.400ha, sản lượng khoảng 700.000 tấn, tập trung ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng...
Chưa đa dạng giống
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam vừa được tổ chức, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Krông Búk (Đắk Lắk) bày tỏ băn khoăn: vườn sầu riêng trồng xen cao su (hàng cách hàng 15m) thì có đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc hay không?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết điều kiện để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc là vùng trồng, cơ sở đóng gói phải đăng ký với cơ quan chủ quản Việt Nam, sau đó chuyển sang Hải quan Trung Quốc, nếu đảm bảo yêu cầu của phía Trung Quốc mới được xuất khẩu.
Nếu tìm hiểu kỹ về quy định chung, quy định cụ thể về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, có thể thấy một trong những điều kiện để vùng trồng được cấp mã số đó là không được trồng xen với loại cây trồng khác.
Điều này có thể thấy, việc chuẩn hóa vùng trồng là bước đầu tiên nếu như muốn khẩu sầu riêng. Và để chuẩn hóa vùng trồng, không chỉ đơn thuần là việc không được trồng xen sầu riêng trong vườn tạp khiến “vàng thau lẫn lộn”, mà ngay từ nguồn giống cũng cần chú trọng thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Theo các chuyên gia, hiện nay nếu như Việt Nam mới có một giống Ri6 được thị trường các nước nhập khẩu chấp nhận thì Thái Lan, Malaysia có rất nhiều loại giống khác nhau, đáp ứng đầy đủ nhu cầu, phân khúc khách hàng.
Đa dạng và độc quyền nguồn giống sẽ giúp khẳng định thương hiệu sầu riêng quốc gia. |
Chẳng hạn như trong tháng 6 vừa qua, Thái Lan đã cho ra thị trường giống sầu Pakchong-Khao với đặc điểm không mùi. Đây là giống sầu riêng được phát triển từ giống sầu riêng Monthong đã được cấp chỉ dẫn địa lý (GI) bởi Thái Lan. Pakchong-Khao cũng là một dòng sầu riêng cao cấp và được kỳ vọng sẽ giúp Thái lan tiếp tục đưa loại nông sản này đến gần hơn với người tiêu dùng không quen với mùi hương đậm đà như các giống sầu trước đó.
Ngoài giống sầu riêng không mùi, Thái Lan còn có các giống danh tiếng khác như Mon Thong, Chanee-Gibbon, Kanyao-Long stem với các giá bán khác nhau. Ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, chất lượng nông sản phải đặt lên hàng đầu. Muốn bảo đảm chất lượng thì nguồn giống phải chất lượng, độc quyền. Điều này giúp Thái Lan đa dạng được thị trường xuất khẩu và khẳng định vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng.
Cũng nhìn thấy vai trò quan trọng của nguồn giống, bà Ngô Tường Vi, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh, với diện tích mà Việt Nam đang phát triển hiện nay, điều đầu tiên cần quan tâm đến là nguồn giống để có thể cạnh tranh với các nước.
Hiện nay, giống sầu riêng ở Việt Nam không chỉ chưa đa dạng mà còn chủ yếu là mượn giống từ các nước khác. Còn Thái Lan, Malaysia tích cực đầu tư cho nghiên cứu giống mới hàng năm và mỗi giống lại đáp đáp ứng được từng thị trường, từng phân khúc xuất khẩu.
Điều này cũng được các doanh nghiệp nhập khẩu rất quan tâm. Vì khi phân cấp được trái sầu riêng theo từng thị trường, thì doanh nghiệp, HTX dễ định hình và tìm kiếm được thị trường mục tiêu.
Đặc biệt, tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ, người bản địa chưa quen với mùi sầu riêng. Việc xuất khẩu sầu sang thị trường này chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của người Việt định cư. Chính vì vậy, khi Thái Lan tạo được giống mới, và cụ thể là giống sầu không mùi sẽ giúp nước này thành công trong chiến lược phát triển kênh xuất khẩu sầu sang châu Âu, châu Mỹ hay nhóm tiêu dùng “kỵ” mùi sầu riêng nào đó trong nhiều năm tới. Và đó là điều Việt Nam cần học hỏi.
Lo lắng thiếu nguồn cung nitơ cấp đông
Hiện nay, ngoài xuất khẩu sầu riêng tươi, thì sầu riêng cấp đông được nhiều thị trường ưa chuộng và giải quyết được bài toán "dội chợ" khi vào chính vụ thu hoạch.
Chẳng hạn như năm 2021, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào Australia đạt 4 triệu USD nhưng chủ yếu là sầu riêng đông lạnh. Hiện mới chỉ có 4 loại quả tươi của Việt Nam được nước này nhập khẩu là nhãn, vải, xoài và thanh long.
Theo ông Phạm Phú Hòa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, năm 2020 đã có doanh nghiệp đưa sầu riêng tươi nguyên quả đến tiếp cận thị trường Australia và được nhiều người mua. Vấn đề xảy ra là các nhà xuất khẩu khi thấy thị trường này tiêu thụ nhiều thì lại đưa sản phẩm sầu loại 2 sang bán. Nhưng Australia lại là thị trường khó tính, quen tiêu thụ những sản phẩm có chất lượng cao nên điều này vô hình trung đã tạo ra rào cản trong xuất khẩu
Chính vì vậy, để tiếp cận thị trường khó tính Australia, các HTX, doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng, quan tâm đến mẫu mã. Bởi, sầu riêng Thái và Malaysia đang tràn ngập ở Australia từ hàng tươi, đông lạnh đến chế biến sẵn với giá cả phù hợp.
Các đơn vị xuất khẩu Việt Nam rất khó cạnh tranh được về giá với các nước này, thay vào đó là phải nâng cao chất lượng, đáp ứng thói quen sử dụng sản phẩm hữu cơ của người Australia. Đồng thời, cần làm mới bằng việc thiết kế bao bì. “Sầu riêng chế biến và đông lạnh của Malaysia tại thị trường này được chứa trong các hộp với màu sắc sang trọng, hoặc bằng hộp thiếc trắng để giảm bay mùi và thuận tiện khi sử dụng”, ông Hòa dẫn chứng.
Đảm bảo chất lượng vẫn là điều kiện tiên quyết để giúp các đơn vị xuất khẩu sầu riêng mở rộng và thâm nhập các thị trường trên thế giới. |
Theo các chuyên gia, sầu riêng đông lạnh cả quả, đông lạnh nguyên múi, hoặc đông lạnh múi tách hạt đang là mặt hàng được người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng. Và nếu bán trong các siêu thị, nhà hàng, khách sạn bằng quả tươi, mùi nồng của loại nông sản này ảnh hưởng đến khách hàng, nên cấp đông sẽ giải quyết được nhược điểm và thuận tiện cho việc bảo quản, vận chuyển
Trước đây, phương pháp cấp đông sầu riêng ở Việt Nam chủ yếu bằng máy nén nên phải 6 - 8 giờ mới cấp đông được 1 container 40 feet. Tuy nhiên, hiện nay, khoa học công nghệ thay đổi, việc cấp đông bằng nitơ đã phổ biến nên chỉ mất 1 giờ là đã có thể cấp động được 1 container. Đáng chú ý, mùi vị sầu riêng từ phương pháp cấp đông này được các nhà nhập khẩu đánh giá là gần giống với mùi vị sầu riêng tươi.
Hiện, không chỉ Việt Nam mà các nước xuất khẩu sầu riêng khác cũng đang thực hiện cấp đông theo phương pháp dùng nitơ. Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, nguồn cung nitơ trước mắt có thể chưa khó khăn đối với Việt Nam nhưng nếu sau này xuất khẩu nhiều, nhu cầu thị trường lớn thì các doanh nghiệp, HTX sẽ đứng trước khó khăn về thiếu nguồn cung nitơ.
Thực tế, Malaysia cũng đang gặp khó khăn trong tìm nguồn cung nitơ và buộc phải tìm cách chế biến sầu riêng thay vì cấp đông. Điều này khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí đầu tư và ảnh hưởng đến nguồn thu, vì sầu riêng chế biến hiện có giá bán thấp hơn so với cấp đông nguyên trái, cấp đông nguyên múi.
Không chỉ chú trọng đến nguồn cung nitơ để đông lạnh, để xuất khẩu lâu dài sang các thị trường bắt buộc sầu riêng phải hướng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật, kiểm dịch Covid-19. Nếu không tuân thủ theo hướng trồng trọt an toàn thì khi xuất khẩu, HTX, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là khi tới cảng của các nước xuất khẩu. Cụ thể là năm 2021, Việt Nam đã có 5 vụ vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu sang Nhật Bản nên buộc phải tiêu hủy lô hàng hoặc bị trả về.
Huyền Trang