Sau đợt điều chỉnh ngày 21/7, giá xăng đang dao động trong khoảng 25.070- 26.070 đồng/lít, giá dầu diesel hiện là 24.850 đồng/lít, dầu hỏa 25.240 đồng/lít... Nhìn vào mức giá xăng dầu hiện tại, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX vận tải Tân Tiến (Bình Dương) cho biết giá xăng giảm liên tiếp giúp các thành viên có thêm động lực để làm việc, gắn bó với nghề.
Chưa thở phào
Tuy nhiên, ông Thái cho rằng mức giá xăng, dầu hiện nay tuy có giảm nhưng so với cùng thời điểm này năm ngoái thì vẫn đang ở mức cao. “Chúng tôi chủ yếu tiêu thụ dầu trong quá trình chạy xe. Nếu tầm này năm ngoái, giá dầu ở mức khoảng 16.000-17.000 đồng/lít thì nay sau khi giảm vẫn còn ở mức khoảng 24.000-26.000 đồng lít, như vậy là vẫn cao”, ông Thái phân tích.
Còn ông Nguyễn Hữu Đỗi, Giám đốc HTX Vận tải Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết HTX có 3 xe chạy theo tuyến cố định từ Vĩnh Phúc đi các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn và thành phố Hồ Chí Minh, 5 xe chạy hợp đồng.
Với mỗi chuyến xe Vĩnh Phúc-thành phố Hồ Chí Minh, chi phí HTX phải bỏ ra là khoảng 58 triệu đồng, trong đó tiền dầu hết khoảng 26-27 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn phải chi tiền bến bãi hai đầu, cầu đường, ăn uống, lương tài xế, phụ xe... Nên hôm nào khách đông, hàng nhiều thì may ra mới có lãi một ít. Còn hôm nào khách ít, hàng ít, xe hư hỏng thì HTX xác định lỗ.
Có thể thấy, việc xăng, dầu điều chỉnh giảm 3 lần sau hơn chục lần điều chỉnh tăng giá từ đầu năm đến nay là chưa đáng bao nhiêu và chưa thể giúp các HTX vận tải trút bỏ hoàn toàn gánh nặng chi phí mà họ đang phải chịu.
Theo các chuyên gia, giá xăng dầu tác động khoảng 30-45% giá thành vận chuyển, trong khi HTX, doanh nghiệp vận tải chỉ được điều chỉnh 5 - 10% giá cước mỗi khi giá xăng dầu tăng. Thậm chí có những HTX, doanh nghiệp không dám điều chỉnh tăng cước vì sợ mất khách, thủ tục rườm rà.
Vận tải được đánh giá là ngành đang hoạt động cầm chừng và gặp nhiều khó khăn. |
Với giá xăng dầu hiện nay, nếu tính toán vào giá thành vận tải thì các HTX, doanh nghiệp vận tải chỉ mới giảm được khoảng 160.000-170.000 đồng chi phí cho 100km đường. Mà hiện nay, các đơn vị này vẫn đang phải hoạt động cầm chừng và có thể vẫn chịu lỗ, đặc biệt là với các HTX chưa tăng giá cước.
Theo thống kê, đa số các HTX, doanh nghiệp vận tải vẫn chưa tăng giá cước. Chẳng hạn như theo thống kế của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến thời điểm hiện nay mới có 9/50 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định tăng giá, dao động từ 10-20% và 8/73 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi đăng ký tăng giá, và tăng dao động từ 5-12%.
Còn theo thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 6 đến nay cũng mới chỉ có thêm 7 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh cố định kê khai tăng giá cước từ 1,3- 21%.
Các chuyên gia cho rằng, việc ít HTX, doanh nghiệp chưa tăng giá cước là nhằm cạnh tranh với đơn vị cùng khai thác trên tuyến, cạnh tranh giữa các loại hình vận tải và do lượng hành khách đi lại chưa hồi phục hoàn toàn so với trước thời gian dịch Covid-19.
Mong muốn giá xăng tiếp tục giảm
Có thể thấy, nếu giá xăng giảm và ở mức thấp như hơn một năm trước thì sẽ giúp HTX nói chung và ngành vận tải nói riêng giảm chi phí vận hành. Tuy vậy, so với mặt bằng chung thì chi phí của các HTX vận tải hiện tại vẫn phải chịu lỗ. Bởi chi phí nhiên liệu chiếm tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu giá thành của vận tải đường bộ. Đi liền với đó, HTX vận tải còn phải chịu những chi phí khác bao gồm: phí xuất bến, phí đường cao tốc, phí bảo trì đường bộ và tiền trả lãi ngân hàng.
Khó khăn là như vậy nhưng khi nhìn trên thị trường cũng có thể thấy, diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn hết sức khó dự đoán. Trong khi đó, ở trong nước dù giá xăng dầu đã giảm nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Và với chu kỳ điều chỉnh giá xăng rút xuống còn 10 ngày/đợt như hiện nay, các HTX cho rằng có thể giá xăng dầu giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào chu kỳ điều hành sắp tới.
Trước những khó khăn trên, các HTX mong rằng, các cơ quan hữu quan có thể xem xét tiếp tục giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng dầu giảm xuống nữa, giúp chi phí giảm, HTX tăng sức cạnh tranh.
“Tôi mong Nhà nước xem xét tiếp tục giảm giá xăng dầu để cho dân, HTX đỡ tổn hại nhiều hơn”, Nguyễn Hữu Đỗi chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều HTX cũng lo lắng rằng, từ tháng 8 trở đi khi cao điểm mùa du lịch kết thúc cũng là lúc giá vé máy bay bắt đầu hạ xuống, khi đó người dân sẽ chủ yếu lựa chọn đi lại máy bay. Chính vì vậy, nếu giá xăng thời gian tới không tiếp tục giảm, dịch vụ vận tải ế khách thì khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết những diễn biến về nguồn cung xăng dầu vẫn rất khó dự báo, xung đột Nga - Ukraine vẫn rất căng thẳng. Do vậy, các bộ ngành cần tiếp tục giảm thuế trên xăng dầu như thuế VAT…, từ đó giảm thêm giá xăng dầu, góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến HTX, doanh nghiệp.
Còn theo ông Bùi Văn Quảng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng hóa TPHCM, hiện vận tải hành khách có thể tươi sáng hơn một chút so với năm ngoái nhưng dịch vụ vận tải hàng hóa thì không có nhiều khởi sắc, thậm chí lỗ triền miên. Chưa kể nhiều HTX, doanh nghiệp thiếu lái xe hoặc phải bán bớt xe để gồng gánh lãi ngân hàng .
Bởi vậy, ngoài tiếp tục cắt giảm các loại thuế đối với các mặt hàng xăng dầu, các cấp có thẩm quyền cũng cần nhanh chóng thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần xem xét điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực đường bộ đó là giảm mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành tại Thông tư số 7Q/221/TT- BTC ngày 12/8/221 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để giúp các đơn vị vận tải giảm bớt khó khăn.
Có thể thấy dù giá xăng dầu đã giảm nhưng các HTX, doanh nghiệp vận tải vẫn canh cánh nhiều nỗi lo. Và thực tế cho thấy giá xăng dầu vẫn đang có nhiều biến động nên sự ổn định về giá xăng dầu như thế nào sau đợt giảm hôm qua mới là điều quan trọng và đang được các HTX, người dân quan tâm.
Huyền Trang