Liên kết là hướng đi đúng
Vụ xuân 2020, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Đông (xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) liên kết với Công ty cổ phần Giống cây lương thực và thực phẩm (Gia Lộc – Hải Dương) tổ chức sản xuất 50 ha giống lúa PC26. Đây là giống lúa dòng Japonica (Nhật Bản) mới được đưa vào sản xuất trên địa bàn. Theo hợp đồng ký kết, doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung ứng giống bảo đảm số lượng và chất lượng. Đồng thời, thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân với giá 6.100 đồng/kg thóc tươi. Tham gia sản xuất tại vùng liên kết cấy giống lúa PC26 ở HTX Hưng Đông có khoảng 400 hộ dân, cũng là thành viên HTX.
Anh Đoàn Văn Tuyền, thành viên liên kết sản xuất hơn 10 ha lúa PC26 với HTX Hưng Đông cho biết, liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng là giải pháp an toàn đối với nông dân. Bởi, nông dân được cung ứng giống, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và được thu mua sản phẩm tươi nên giá trị hạt thóc được nâng lên và ổn định rất nhiều so với không liên kết.
Người dân HTX Hưng Đông chăm sóc lúa (Ảnh: TL) |
Theo ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam), ngành nông nghiệp địa phương luôn khuyến khích các xã, huyện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp cho người dân để tránh tình trạng bỏ hoang đồng ruộng, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích.
“Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đối với bộ giống mới không có trong cơ cấu của tỉnh, các địa phương cần báo cáo với cơ quan chuyên môn để theo dõi và có biện pháp hướng dẫn kỹ thuật, xử lý các tình huống phát sinh bất thường. Thực hiện được như vậy sẽ hạn chế được tình trạng bộ giống chưa có quy trình thâm canh thích ứng với đồng đất của tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi sâu, bệnh”, ông Huy nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam Lê Quang Vọng, Hà Nam hiện có 33.405 ha chuyên trồng lúa. Đến thời điểm này, lúa là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Năm 2019, tổng sản lượng lúa đạt 385.797 tấn và sẽ tạo ra được giá trị lớn hơn nếu hạt thóc được đưa vào chuỗi giá trị. Tỉnh Hà Nam hiện có hơn 160 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả và dược liệu tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch; trong đó 33 mô hình có quy mô từ 3 ha/mô hình trở lên.
“Hà Nam cũng đã thành lập mới 15 HTX nông nghiệp kiểu mới ít thành viên chuyên sản xuất rau, củ, quả an toàn. Toàn tỉnh có 24 cửa hàng giới thiệu, bán nông sản sạch. Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm thu nhập ổn định cho người sản xuất; tạo sự chủ động liên kết đối tác giữa doanh nghiệp và nông dân, thống nhất cơ chế quản lý, chuyển giao kỹ thuật, cung ứng vật tư và giá cả”, ông Lê Quang Vọng cho biết thêm.
Liên kết trong sản xuất lúa gạo giúp người dân hạn chế được rủi ro vì dịch bệnh và thiên tai (Ảnh: TL) |
Phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh
Theo ông Trần Mạnh Dân, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Đông, thực tế kiểm tra trên đồng ruộng cho thấy, 100% diện tích cấy giống lúa PC26 được sản xuất theo hợp đồng liên kết bị nhiễm đạo ôn lá, nặng hơn nhiều so với các giống lúa khác được gieo cấy trên địa bàn. Khi phát hiện lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, HTX đã kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp liên kết. Ngay sau đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bình Lục và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Đông hướng dẫn người dân phun trừ từ ngày 18 – 20/3. Tuy nhiên, bệnh không dứt, tiếp tục phát sinh, phát triển mạnh trên lúa, có đến 20% số lá có vết bệnh, hiện tượng lùn chòm ổ được tiếp tục phun trừ. Trước diễn biến phức tạp của bệnh đạo ôn lá, phía doanh nghiệp liên kết đã cử cán bộ kỹ thuật về kiểm tra, hỗ trợ thuốc đặc hiệu phòng trừ bệnh đạo ôn lá và phân bón cho người dân. Sau 3 lần phun, bệnh đạo ôn lá trên diện tích lúa PC26 được xử lý, không còn vết bệnh cấp tính trên lá.
Ban quản trị HTX Hưng Đông cho rằng, việc lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá nặng có khả năng ảnh hưởng đến năng suất nên HTX đã chủ động bố trí lịch làm việc với công ty và đại diện hộ sản xuất đề ra các biện pháp xử lý khắc phục. Theo đó, người dân cần thực hiện đầy đủ, đúng kỹ thuật được hướng dẫn trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là phun phòng đạo ôn cổ bông cho 100% diện tích trước khi lúa trỗ đồng. Về phía doanh nghiệp, cử cán bộ kỹ thuật về HTX trực tiếp hướng dẫn người dân việc chăm sóc, phun trừ sâu, bệnh đúng thời điểm. Cùng với đó, doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân toàn bộ thuốc đặc hiệu phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông.
Ông Trương Công Tuyện, Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây lương thực và thực phẩm cho biết, doanh nghiệp cam kết hỗ trợ bù sản lượng cho người dân tương đương với lúa Bắc thơm số 7 trên cùng cánh đồng tại thời điểm thu hoạch nếu năng suất lúa PC26 đạt thấp. Thời gian trả tiền đền bù từ 25 – 30 ngày kể từ khi thu hoạch.
Các doanh nghiệp luôn mong muốn liên kết để nông dân sản xuất lúa gạo an toàn (Ảnh: TL) |
“Doanh nghiệp vẫn tiếp tục thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân theo hợp đồng đã ký kết. Trước khi thu hoạch 3 – 5 ngày, doanh nghiệp cùng HTX và người dân tiến hành gặt thí điểm để đánh giá năng suất giữa lúa PC26 và lúa Bắc thơm số 7. Trước đó, các bên có liên quan sẽ nghiệm thu cụ thể diện tích gieo cấy lúa PC26 của người dân tại HTX Hưng Đông. Doanh nghiệp cam kết cùng đồng hành với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Đông trong việc xử lý, khắc phục bệnh đạo ôn trên lúa PC26, đồng thời bảo đảm năng suất của giống lúa liên kết theo thỏa thuận”.
Có thể thấy, việc liên kết trong sản xuất lúa gạo giữa các hộ dân, HTX và doanh nghiệp là hướng đi đúng đắn, tích cực. Đặc biệt, giữa người dân, doanh nghiệp và HTX có sự phối hợp chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ những vấn đề phát sinh như thiên tai, dịch bệnh sẽ giảm tối đa thiệt hại. Quan trọng hơn nữa là người dân, người được coi là yếu thế có được niềm tin trong quá trình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Hà Nam