Nhiều bất lợi vì thiếu liên kết
Vốn sống dựa chủ yếu vào rừng trồng, nhưng người dân và các chủ rừng ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) luôn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh cả về đầu vào lẫn đầu ra. Về đầu vào, người dân phải mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Giá cả cũng vậy, lúc thì 500 đồng/cây, lúc tăng lên 1.500-2.000 đồng/cây, thậm chí đến mùa trồng rừng lại không có cây giống.
Trong khâu đầu ra, người dân lệ thuộc vào vài "đầu lậu", giá thị trường 1ha gỗ rừng trồng khoảng 100 triệu đồng nhưng họ chỉ trả 60-70 triệu đồng, vì không có ai khác mua nên người dân vẫn phải bấm bụng để bán.
Đó chính là những lý do để 128 thành viên, gồm các hộ dân và chủ rừng tập hợp lại, thành lập HTX Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy do ông Nguyễn Sỹ Bình làm Giám đốc. “HTX liên kết tạo đầu ra ổn định. HTX cũng tự sản xuất giống tốt, phục vụ người dân bất cứ lúc nào cần. HTX cũng có trạm vật tư, thậm chí còn hỗ trợ giá mua cho các thành viên”, ông Bình cho biết.
Rau má trồng theo mô hình VietGAP của HTX sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Ảnh: TL) |
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, với 60 ha thì sản lượng rau má tại địa phương đạt 6 tấn/ngày, chủ yếu được HTX thu mua để sấy khô làm trà, số còn lại được các thương lái bán ra thị trường Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, doanh thu giai đoạn hoàng kim khoảng 20 tỷ đồng/năm.Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đã gần 20 năm nay, nguồn sống và thu nhập của gần 600 hộ dân là thành viên của 2 HTX Quảng Thọ 1 và Quảng Thọ 2 (huyện Quảng Điền) dựa vào hơn 60 ha rau má trồng theo mô hình VietGAP và hàng trăm lồng cá nuôi trên sông Bồ. Dù giá bán rau má và cá khá bấp bênh lúc lên lúc xuống, nhưng sản phẩm thường rất dễ tiêu thụ, bởi thị trường không dừng lại ở Thừa Thiên - Huế mà còn được thương lái đưa đi tiêu thụ nhiều nơi như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, hàng chục ha rau má đang đến kỳ thu hoạch phải “đứng đồng” do không có người mua vì ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, khiến người dân thất thu cả trăm triệu đồng.
Từ khi ảnh hưởng dịch Covid - 19 đến nay mỗi ngày các HTX chỉ xuất đi khoảng 1 tấn nên không thể giải quyết được số hàng tồn đọng cho người dân. Khó khăn nhất là các ruộng rau đã đến lứa thu hoạch không thể để mãi trên ruộng là do thiếu liên kết. Hiện nay, ngoài số lượng nhỏ diện tích HTX thu mua để sấy khô; người dân bán lẻ trên ruộng thì đầu ra của rau má gần như không có do cước vận tải tăng cao, mặt hàng chỉ bán trong tỉnh.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, nông sản của các nông dân, HTX hiện nay đang có 4 bất cập lớn: Tình trạng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra. Hai là thiếu vốn thường xuyên xảy ra với hầu hết các hộ nông dân, HTX. Ba là, thu nhập của nông dân, lao động trong khu vực kinh tế tập thể, HTX thấp hơn đáng kể so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ (thu nhập bình quân của một thành viên HTX chưa bằng 1/3 của người lao động trong công nghiệp và dịch vụ). Bốn là, xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ.
“Có nhiều nguyên nhân của 4 bất cập kéo dài nói trên. Song, lý do cơ bản nhất là sản xuất đơn lẻ, thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Phát triển HTX kiểu mới làm đầu kéo
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, trong năm 2019, cả nước đã thành lập mới được 6 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.800 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.300 HTX nông nghiệp, trong đó có gần 73% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%). Tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%. Cả nước hiện có 1.580 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài. Hầu hết các HTX này đã áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đang ngày càng được nhân rộng. Điển hình như HTX Bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng) đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa; HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng) tổ chức sản xuất, liên kết với các siêu thị tiêu thụ rau an toàn trên 52 tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc…
HTX Bò sữa Evergrowth kiểm tra sữa trước khi nhập vào chế biến (Ảnh: TL) |
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, ngay từ đầu năm 2020, hệ thống Liên minh HTX đã xác định đẩy mạnh phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững các HTX. Mục tiêu là xây dựng mới 200 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trong năm nay.
Để thực hiện được mục tiêu trên, các địa phương tiếp tục định hướng phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ hàng hóa. Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các liên hiệp HTX làm đầu kéo cho HTX thành viên tăng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
“Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đặc biệt là Đề án xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; coi đây là khâu đột phá phát triển sản xuất và củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Phạm Duy