Để KTTT, HTX phát triển theo đúng định hướng, ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các HTX cần chủ động thay đổi nhằm thích ứng với sự phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.
Đẩy mạnh ứng dụng KHCN
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh hiện nay, KTTT, HTX muốn phát triển bền vững cần tích cực triển khai ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN). Những năm gần đây, các bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ KTTT ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thông qua hoạt động của các hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công.
Các hỗ trợ này góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm và giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn. Bộ KH&CN hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp.
Trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay đã có hàng trăm dự án do HTX là tổ chức chủ trì hoặc tham gia thực hiện, thông qua đó đã có hàng nghìn công nghệ mới được chuyển giao và ứng dụng vào và xây dựng được các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các HTX.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2018 đã có 11 dự án được phê duyệt và triển khai do HTX là tổ chức chủ trì hoặc tham gia với tổng kinh phí thực hiện hơn 79 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhiều công nghệ mới, công nghệ cao đã được chuyển giao vào sản xuất cho các HTX. Tính đến năm 2018, Bộ KH&CN đã cấp 1 văn bằng sáng chế, 33 kiểu dáng công nghiệp, 489 nhãn hiệu và 389 nhãn hiệu tập thể có liên quan đến HTX, đã tổ chức 105 khóa đào tạo/tập huấn có sự tham gia của HTX; 116 HTX được hỗ trợ về các nội dung như: phổ biến các văn bản pháp quy, pháp lệnh về chất lượng hàng hoá, đo lường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ môi trường của Nhà nước; hỗ trợ áp dụng TCVN, QCVN, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng, giới thiệu các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vào các nước EU, Mỹ, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ chính sách này, các HTX, Liên hiệp HTX đã được thụ hưởng ưu đãi thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với đầu mối triển khai là Liên minh HTX Việt Nam. Thông qua các chương trình, dự án lớn như Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, Chương trình tư vấn phát triển thiết kế, phát triển sản phẩm… đã tạo điều kiện cho HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đến cộng đồng trong và ngoài nước, tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chủ động thích ứng trị trường
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, từ năm 2011 đến nay, Liên minh HTX Việt Nam đã chủ trì thực hiện 9 đề án trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí được phê duyệt khoảng 16,29 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 500 lượt HTX, doanh nghiệp trên cả nước tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong nước và một số thị trường mục tiêu tại nước ngoài như Italia, Đức…, tham gia các khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các HTX.
Trong giai đoạn 2003 – 2018, các địa phương hỗ trợ cho hơn 4.500 lượt HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với tổng kinh phí là 469 tỷ đồng. Năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam được phê duyệt thực hiện 2 đề án Tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX và 5 khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các HTX trên địa bàn cả nước với tổng kinh phí thực hiện là hơn 2,32 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế hoạt động cho thấy, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu và thiếu nguồn lực từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vốn hoạt động; trình độ nhận thức, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu, chưa được đào tạo bài bản; chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên với thị trường, sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên còn mờ nhạt, chưa mang tinh thần hợp tác; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống nhấn mạnh: “Để KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ tích cực về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, các HTX, thành viên HTX, cũng như nông dân cần chủ động quyết tâm áp dụng các quy trình sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn, chứng nhận trong nước, khu vực và quốc tế. Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh, thu hút nguồn vốn từ thành viên. Triển khai học tập các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ các HTX trong nước và quốc tế để áp dụng phù hợp với thực tiễn tại địa phương, khu vực”.
Phạm Duy