Các kiến nghị này xuất phát từ thực tế 15 năm triển khai thi hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về HTX đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Chính phủ đã quy định 9 nhóm giải pháp chính sách hỗ trợ HTX. Ngoài ra, Nhà nước còn bảo đảm cơ sở vật chất và cấp kinh phí hoạt động cho Liên minh HTX Việt Nam và 63 Liên minh HTX cấp tỉnh.
Bà Chu Thị Linh – Trưởng phòng Quản lý HTX, Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT) |
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về KTTT còn yếu. Luật HTX năm 2003, năm 2012 và các văn bản hướng dẫn quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều.
Công tác phối hợp trong việc thực hiện chính sách giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt nên còn chồng chéo trong việc triển khai thực hiện các chính sách. Quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều hạn chế, một số nơi bị buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ và tốt các nội dung quản lý nhà nước về KTTT, HTX đã được pháp luật quy định.
Bà Chu Thị Linh – Trưởng phòng Quản lý HTX, Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT) khẳng định: “KTTT phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt. Một trong những yếu tố quan trọng giúp KTTT, HTX phát triển là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX của Nhà nước”.
Vì vậy, cần tiếp tục bố trí kinh phí và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTX. Hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải trong bố trí kinh phí. Trong đó, đặc biệt chú ý sự phối hợp tốt giữa các ngành liên quan và các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã/phường trong triển khai thực hiện.
Hà Xuyên