Bước ngoặt trong đánh giá thực chất hoạt động của các HTX |
Để có nhận thức đúng và chính xác hơn về hiện trạng khu vực kinh tế hợ ptasc (KTHT) trên địa bàn tỉnh, nhằm đưa ra những chính sách và giải pháp phù hợp nhất đối với khu vực kinh tế này trong giai đoạn hiện nay, tháng 3 năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về khảo sát, điều tra số liệu các HTX trên địa bàn tỉnh năm 2019.
Theo đó, Liên minh HTX được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện khảo sát, điều tra 100% các HTX và UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Thể hiện tốt vai trò quản lý
Theo kết quả điều tra thu được, toàn tỉnh hiện có 11 Tổ hợp tác (THT) và 710 HTX, trong đó có 400 HTX đang hoạt động với tổng số trên 104 nghìn thành viên và hơn 42,4 nghìn lao động. Qua điều tra, khảo sát các HTX cho thấy rõ quy mô, trụ sở, trang thiết bị làm việc, trình độ cán bộ và chế độ bảo hiểm, vốn hoạt động, doanh thu, lợi nhuận, tình hình công nợ, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, công tác liên doanh liên kết, tình hình tiêu thụ sản phẩm... của từng HTX trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, để đánh giá sát thực hơn tình hình hoạt động và những khó khăn, thử thách trong hoạt động của các HTX, việc điều tra, khảo sát được tiến hành đối với các cán bộ xã, phường, thị trấn với nhiều nội dung liên quan đến các vấn đề phát triển HTX, THT và Liên hiệp HTX tại địa phương.
Kết quả phỏng vấn cán bộ cấp xã cho thấy, UBND cấp xã đã thể hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với HTX, tạo mọi điều kiện cho khu vực HTX hoạt động được thuận lợi, đặc biệt có 87 địa phương tạo điều kiện cho các HTX được tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, với các nội dung chủ yếu về chuyển giao KH-KT, các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp, môi trường, điện...
Kết quả điều tra, khảo sát đã phản ánh một cách khách quan, trung thực, đúng thực trạng HTX hiện nay, 87,6% cán bộ cấp xã được biết, được tuyên truyền và tìm hiểu Luật HTX 2012; tổ chức bộ máy quản lý HTX đã được tinh giản gọn nhẹ, thường được bố trí 3 - 5 người; cán bộ quản lý HTX được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ trách nhiệm. Các HTX hoạt động với nhiều loại hình sản xuất kinh doanh đa dạng, phong phú, một số HTX đã dần thích nghi với cơ chế thị trường góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên...
Ngoài ra, khu vực HTX cũng đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 11 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 219 HTX hoạt động khá, tốt (chiếm 54,8%); 151 HTX hoạt động trung bình (chiếm 37,8%), 15 HTX hoạt động yếu, kém (chiếm 3,7%), còn lại là chưa phân loại do HTX mới thành lập hoặc mới hoạt động.
Cần điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời
Bên cạnh những thuận lợi, khu vực KTHT, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số khó khăn, như: Công tác chuyển tiếp, đăng ký lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX 2012 còn diễn ra rất chậm; nhận thức về bản chất HTX của một số cán bộ làm trong lĩnh vực HTX còn hạn chế; trình độ cán bộ quản lý của nhiều HTX chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Việc thu hút cán bộ trẻ có năng lực về làm việc tại khu vực này rất khó khăn. Phần lớn các HTX quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, hiệu quả kinh doanh thấp, thu nhập của cán bộ, thành viên chưa cao. Một số HTX chưa phát huy tốt nội lực, phương án SX-KD hoạt động của HTX chưa gắn với thị trường, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh. Một số HTX đã tự giải thể hoặc ngừng hoạt động trong thời gian dài mà không thể giải thể được...
Số lượng HTX nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước còn thấp, các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể tỉnh triển khai còn chậm và thiếu đồng bộ, số lượng HTX xây dựng được chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho sản phẩm của mình còn ít so với tổng số HTX trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân chính là: Nhiều HTX chưa quan tâm đến vai trò của mình trong sự phát triển KTHT của địa phương; một số cán bộ HTX chưa nhiệt tình, ở nhiều đơn vị cán bộ phụ trách HTX còn kiêm nhiều công việc khác hoặc có sự luân chuyển cán bộ thường xuyên nên công tác theo dõi khu vực HTX còn gặp nhiều khó khăn; nhiều HTX làm ăn không hiệu quả, cũng không có kinh phí để tổ chức giải thể; giữa các THT, HTX với chính quyền các địa phương chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, nhiều HTX không có thông báo về việc thành lập, hoạt động, cũng như báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm đối với UBND cấp xã, dẫn tới tình trạng nhiều địa phương không hề hay biết sự tồn tại của HTX trên địa bàn.
Có thể nói, việc thực hiện tổng điều tra, khảo sát các HTX đã tạo bước ngoặt trong việc đánh giá thực chất tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền có những điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời cho các HTX cũng như quản lý hiệu quả hơn hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện các nội dung Đề án Đổi mới, phát triển KTHT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025.
Nguyễn Bình