Nếu như giữa tháng 5, giá lợn hơi đã đạt mức 61.500 đồng/kg, thiết lập mức đỉnh mới tính từ đầu năm, thì đến nay, giá lợn hơi lại về dưới mức 60.000 đồng/kg, giá trung bình cả nước là khoảng 57.000-58.000 đồng/kg.
Băn khoăn cắt giảm đàn
Dù đây là mức giá cao hơn giá thành sản xuất nhưng người chăn nuôi, HTX vẫn chưa yên tâm khi sức mua vẫn yếu. Và xét trên thực tế thì chăn nuôi theo quy mô hộ, trang trại nhỏ vẫn chưa có lãi từ những đợt tăng giá vừa qua.
Theo tính toán của các HTX, với quy mô trang trại nhỏ, các thành viên nuôi riêng lẻ, mức đầu tư cho một con lợn (không tính thời gian nuôi lợn giống) khoảng 4,7-4,8 triệu đồng. Trong khi, đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chi phí chỉ ở khoảng 4,2-4,3 triệu đồng/con vì doanh nghiệp chủ động về nguồn thức ăn và trường vốn.
Ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (TP. HCM), cho biết nếu giá ở mức 59.000-60.000 đồng/kg, trang trại nào co kéo lắm mới lãi khoảng 200.000 đồng/con, vẫn chưa ăn thua gì vì trước đó thua lỗ kéo dài. Đặc biệt thị trường rất bấp bênh, lên xuống thất thường, trong khi sức mua còn yếu.
Trước thực trạng trên, không ít hộ chăn nuôi, thành viên HTX đã giảm quy mô, số lượng đàn để cắt lỗ như HTX Tiên Phong, nhiều thành viên đã giảm từ 30-50% số lượng đàn. Hay mỗi hộ thành viên HTX Chăn nuôi Thành Đạt (Hưng Yên) cũng không dám nuôi đến 100 con, trong khi trước đó, quy mô HTX lên đến 10.000 con. Bởi theo các HTX này, nếu thấy giá lợn có xu hướng tăng mà đầu tư, tái đàn 100% thì không biết tương lai sẽ như thế nào bởi thị trường 4-5 tháng tới rất khó đoán định.
Nhiều hộ, HTX mạnh dạn giảm đàn thì cũng có những HTX còn băn khoăn về vấn đề này. Ông Trương Xuân Bính, Giám đốc HTX Minh Lộc (Hà Tĩnh), cho biết nếu tính cả nuôi lợn giống đến lúc xuất chuồng thì người chăn nuôi cũng chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ. Tiếp tục chăn nuôi thì chi phí cao, khó khăn để cân đối hoạt động của HTX. Trong khi đó, nếu cắt giảm đàn quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của thành viên, HTX về lâu dài.
“Thị trường hay xảy ra tình trạng lúc nhiều thì hiếm người mua dẫn đến mất giá, còn lúc nhu cầu thị trường lớn thì người dân, HTX lại không có lợn để bán. Trong khi muốn nuôi được một con lợn thịt đảm bảo chất lượng rất khó, phải mất mấy tháng trời. Còn nuôi lợn nái thì phải dài ngày hơn”, ông Bính chia sẻ.
Tìm thị trường ngách để phát triển giúp HTX, nông hộ ít bị cạnh tranh. |
Có thể thấy, dù giá lợn đã nhích tăng nhưng nông hộ, HTX chăn nuôi vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn do thua lỗ trước đó và không còn vốn để tái sản xuất.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài không chỉ khiến các doanh nghiệp trong nước mà còn khiến các HTX, nông hộ chịu nhiều sức ép trên thị trường. Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong cơ cấu thịt lợn, doanh nghiệp FDI chiếm đến 43%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp nội chiếm 19%.
Theo các chuyên gia, nếu như trước đây, chăn nuôi theo hình thức nông hộ, HTX chiếm 60-70% và họ chính là đối tượng quyết định, có sức ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường, nhưng nay thì mọi việc đã thay đổi. Đặc biệt, trước sức ép từ nhiều mặt như dịch bệnh kéo dài, chi phí đầu tư tăng cao, thị trường và giá cả bất ổn… đến nay, số hộ tham gia vào chăn nuôi lợn đã giảm từ 10 triệu (2012) xuống còn khoảng 2 triệu hộ.
Tìm hướng đi ít bị cạnh tranh
Có thể thấy, chăn nuôi theo quy mô nhỏ đã giảm và cho sản lượng thấp hơn chăn nuôi công nghiệp, nhưng cũng là sinh kế của nhiều người. Dù còn gặp khó khăn nhưng nhiều nhận định cho rằng, giá lợn hơi sẽ tăng, chăn nuôi lợn vẫn có nhiều triển vọng, nhất là từ tháng 8, du lịch vào mùa sẽ hỗ trợ giá lợn đi lên. Bên cạnh đó, thịt lợn vẫn là nguyên liệu chính cho nhiều món ăn của người châu Á nên nếu thị trường có giảm và chững lại cũng chỉ trong thời gian nhất định.
Khảo sát của Fitch Solution cũng cho thấy, tốc độ tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%. Chính vì vậy, chăn nuôi lợn vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường dần dần sẽ phát triển theo hướng công nghiệp nên muốn thích ứng, người dân, HTX nếu không đủ nguồn lực có thể sản xuất theo hướng gia công cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, từ thực tế của những HTX đang thực hiện theo lối chăn nuôi này có thể thấy, muốn gia công được, HTX cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, quy mô lớn thì mới thu hút được doanh nghiệp đến liên kết. Bên cạnh đó, sản xuất theo hình thức này, HTX phải đáp ứng nhiều điều khoản nghiêm ngặt từ doanh nghiệp và không có quyền quyết định giá cả trên thị trường.
Theo các chuyên gia, để tháo gỡ cho chăn nuôi cần tìm cách giảm chi phí đầu vào. Nhưng nguyên liệu thức ăn hiện nay nhập khẩu là chính nên muốn giảm được chi phí thức ăn phải bắt đầu tư giảm chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi đã nêu rõ Nhà nước phát huy vai trò trong việc đầu tư bảo quản giết mổ nhằm tăng dự trữ sản phẩm chăn nuôi theo từng giai đoạn. Vậy nhưng đến nay điều này chưa thành hiện thực làm cho người dân, HTX, doanh nghiệp chăn nuôi luôn trong tình trạng bị động, cung-cầu khó gặp nhau.
TS. Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp của các doanh nghiệp đang ngày càng phát triển. Để tìm được hướng đi trong điều kiện hiện nay, nông hộ, HTX ngoài liên kết để hỗ trợ nhau sản xuất thì có thể phát triển các sản phẩm chăn nuôi từ các giống bản địa theo phương thức chăn nuôi truyền thống như hữu cơ, bán chăn thả. Tuy chăn nuôi theo hình thức này khó phát triển trên quy mô lớn nhưng lại dễ tiếp cận thị trường, ít bị cạnh tranh từ phía doanh nghiệp.
Huyền Trang