Nấm sạch Tuấn Linh được chọn là một trong những sản phẩm điển hình của tỉnh Quảng Bình. Các sản phẩm nấm sạch do HTX Tuấn Linh, thôn Sơn Lý, xã Sơn Lộc sản xuất góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương thành hàng hóa có giá trị, từ đó mang lại thu nhập ổn định cho người trồng nấm, thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
Sản xuất "sạch từ tâm"
Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch HĐQT HTX cho hay, gia đình ông trồng nấm đến nay đã được 15 năm. Trước năm 2016, ông chỉ làm thủ công rồi bán các sản phẩm thô nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ tháng 3/2016, vợ chồng ông quyết định thành lập HTX để mở rộng sản xuất, liên kết với bà con để cùng trồng nấm và chế biến các sản phẩm từ nấm.
Nhiều hộ nông dân, HTX ở huyện Bố Trạch đã chuyển hẳn sang nghề trồng nấm. |
Mỗi năm, HTX sản xuất được 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm gồm các loại: Linh chi, sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm... mang lại tổng doanh thu hơn 7 tỷ đồng, lãi đạt từ 15 - 20%.
Ông Nguyễn Quốc Hương cho biết, việc thành lập HTX tạo điều kiện để ông liên kết trực tiếp với 32 tổ hợp tác khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm.
Đồng thời, HTX cũng bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho gần 500 lao động, trong đó phần lớn là phụ nữ, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo.
Tại cơ sở chính ở xã Sơn Lộc, xưởng sản xuất nấm của vợ chồng ông Hương giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động là các hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hoàng Thị Thảo (thôn Sơn Lý, xã Sơn Lộc) là một trong những lao động làm việc tại HTX. Chị Thảo bị khuyết tật nên làm việc gì cũng khó khăn. Sau khi được vợ chồng ông Hương nhận vào làm việc, chị có thu nhập ổn định và cuộc sống bớt vất vả hơn.
"Tôi bị tật ở chân nhưng việc đóng phôi hay hái nấm vẫn làm được. Mỗi tháng có thu nhập từ 5-6 triệu đồng giúp tôi trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học. Có công việc ổn định, tôi cũng bớt tự ti về bản thân", chị Thảo nói.
Ngoài sản phẩm chế biến từ các loại nấm như nấm mộc nhĩ khô, nấm sò khô, nấm hoàng đế, rượu nấm linh chi, HTX đã sản xuất trà xanh linh chi, trà cà gai leo linh chi.
HTX đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm và sản phẩm chế biến từ nấm với Co.opmart ở một số tỉnh miền trung, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Sản phẩm trà xanh linh chi của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và Nga.
Ngoài các loại nấm ăn như nấm sò, mộc nhĩ, nấm yến, nấm đùi gà…, các loại nấm dược liệu có giá trị cao cũng được bà con thành viên nuôi trồng với số lượng lớn. Tiêu biểu là dòng nấm linh chi nguyên bào tử chất lượng cao.
“Sản phẩm nấm Linh Chi Tuấn Linh tham gia chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao từ năm 2019. Các sản phẩm trà nấm linh chi luôn đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi thông qua hệ thống các cửa hàng, đại lý như Vinmart, Co.opfood tại nhiều thị trường khác nhau”, ông Nguyễn Quốc Hương chia sẻ.
Tạo chỗ đứng nhờ ứng dụng công nghệ cao
Cùng với sự phát triển của nghề nấm, việc nghiên cứu và sản xuất các loại giống nấm chất lượng cao, giá thành hợp lý đã và đang được các đơn vị cung cấp giống nấm ngày càng chú trọng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, với nhiều người nông dân, cây nấm đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế ở địa phương.
Huyện Bố Trạch luôn chú trọng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, |
Nhờ hiệu quả kinh tế cao và đầu ra tương đối ổn định, nên nghề trồng nấm đang được nhiều người dân ưa chuộng.
Bên cạnh việc lựa chọn những kỹ thuật tiến bộ, công nghệ mới để trồng nấm, nhân rộng mô hình cũng là việc làm thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định sinh kế cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.
Đại diện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Quảng Bình cho biết, với những ưu điểm vượt trội so với một số cây trồng khác, mô hình trồng nấm đã cho thấy hiệu quả và mở ra triển vọng về một nghề mới của người dân Bố Trạch.
Tuy nhiên, việc phát triển cây nấm thành sản phẩm hàng hóa cũng còn gặp nhiều khó khăn, như: lực lượng cán bộ mỏng, phần kinh phí sự nghiệp đầu tư cho công tác chuyển giao còn hạn chế, bà con chưa nhận thức rõ giá trị, tầm quan trọng của nghề sản xuất nấm, đặc biệt là khâu chuẩn bị nguyên liệu... Mặt khác, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nấm lâu dài và bền vững cũng cần được đặt ra để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”. Trong đó, việc nghiên cứu chế biến nấm thành phẩm là hướng đi hiệu quả nhằm tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn và chủ động trong đầu ra.
Song song đó, huyện Bố Trạch đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để quản lý chất lượng nông - lâm sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, huyện Bố Trạch luôn chú trọng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, vì vậy, đến nay, huyện hiện có gần 30 HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực, như: khai thác, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, ngành nghề nông thôn... Các HTX, tổ hợp tác đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động nông thôn với mức thu nhập tương đối ổn định.
Các HTX đã từng bước đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, hình thành liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, chủ động tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bằng việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ứng dụng khoa học-kỹ thuật.
Năm 2022, Bố Trạch có thu nhập bình quân đạt 53,1 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 5,16% (hộ cận nghèo chỉ còn 4,07% ). Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân Bố Trạch ngày càng được nâng cao.
Kim Yến