Theo nhiều HTX trồng vải, một trong những khó khăn đối với tiêu thụ, xuất khẩu vải đó chính là khâu bảo quản làm sao để trong suốt thời gian vận chuyển, đưa vải lên kệ siêu thị đến lúc quả vải đến tay người tiêu dùng phải giữ độ tươi ngon.
Chưa tối ưu được chi phí
Trong một buổi xúc tiến thương mại nông sản sang thị trường Anh quốc, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho biết vải thiều có vỏ mỏng nên chẳng may bị chênh lệch nhiệt độ dễ bị biến màu khi lên kệ siêu thị. Điều đó làm giảm giá trị, chất lượng của sản phẩm và làm thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng nước ngoài về loại nông sản này.
Theo ông Cường, công nghệ bảo quản không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giúp các đơn vị xuất khẩu thay đổi khâu vận chuyển phù hợp. Chẳng hạn như nếu vận chuyển bằng đường hàng không có thể mất 3-4 ngày nhưng chi phí vận chuyển sẽ rất cao và số lượng vận chuyển ít. Nhưng khi bảo quản tốt, đơn vị vận chuyển có thể đổi sang đường biển, giúp tối ưu chi phí và số lượng.
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Nam Thể (Bắc Giang), cho biết các nước Thái Lan, Trung Quốc có công nghệ bảo quản tốt hơn nên đến thời điểm gần Tết vẫn có vải tươi để bán với giá cao. Trong khi đó, nhìn chung ở Bắc Giang hiện vẫn chưa phát triển được công nghệ bảo quản vải thiều để phục vụ vận chuyển bằng đường biển. Trong khi nếu vận chuyển vải sang Mỹ bằng đường biển, thời gian sẽ lên đến 1 tháng.
Chưa có công nghệ bảo quản đáp ứng thời gian xuất khẩu bằng đường biển khiến quả vải Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của một số nước. |
Từ thực tế trên có thể thấy, việc đầu tư và lựa chọn phương pháp, công nghệ bảo quản phù hợp có vai trò quan trọng trong việc kéo dài thời gian, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều nông sản của các HTX, doanh nghiệp khi xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với nông sản cùng loại của các nước như Trung Quốc, Thái Lan… về bao bì, chất lượng và cả về giá.
Hiện, nhiều thị trường ưa chuộng trái cây tươi vì hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn, hương vị cũng có điểm đặc trưng hơn so với chế biến. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát (Tiền Giang) chia sẻ, HTX đầu tư kho lạnh bảo quản thanh long, nhưng với công nghệ hiện nay cũng chỉ có thời gian bảo quản ngắn, chủ yếu là để tháo gỡ khó khăn về xe container. Càng để lâu trong kho lạnh, thanh long càng khó bán sang Trung Quốc.
Đầu tư còn tự phát
Theo các chuyên gia, nhiều loại nông sản có giá trị và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn nếu sử dụng ở dạng tươi, vì vậy đầu tư kho lạnh với công nghệ hiện đại vẫn là bước đi đúng đắn.
Tuy nhiên, làm được điều này không hề dễ, bởi Việt Nam có nhiều vùng nông sản chuyên canh các loại cây trồng khác nhau nên việc đầu tư hệ thống kho lạnh cũng cần phù hợp với đặc tính của từng loại nông sản như vải thiều, thanh long, nhãn sẽ có cách bảo quản khác so với quả sầu riêng tách múi và cũng khác với cách bảo quản rau, củ. Ngay như khâu tiệt trùng cũng có nhiều cách khác nhau như: chiếu xạ, tiệt trùng sử dụng tia Gamma, tiệt trùng với Ethylene Oxide và Formaldehyde…, nhưng không phải phương pháp nào cũng áp dụng cho thực phẩm, trái cây.
Vậy nhưng hiện nay, việc áp dụng phương pháp, công nghệ nào vào bảo quản đối với người dân, HTX còn gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn người dân, HTX chỉ nghe hoặc tự tìm hiểu các yêu cầu bảo quản đưa ra của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc đầu tư công nghệ gì, phương pháp nào dường như còn mang tính tự phát, thả nổi, chưa có định hướng, hỗ trợ cụ thể của các ngành chức năng. Việc quy hoạch hệ thống kho lạnh sao cho phù hợp với từng vùng nông sản chưa có sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý.
Ông Lê Vũ Đông Mộc, đại diện một công ty chứng nhận chất lượng nông sản, cho rằng công nghệ bảo quản nông sản hiện được coi là bí mật kinh doanh của từng đơn vị, chứ không phải quy trình chung được phổ biến rộng rãi. Bởi lẽ, để chọn được công nghệ, phương pháp bảo quản và triển khai được vào thực tiễn, đơn vị nào cũng phải bỏ ra chi phí rất cao nên khó chia sẻ được.
PGS.TS Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết bên cạnh chế biến thì việc đầu tư kho lạnh là cần thiết nhằm nâng cao giá trị nông sản, nhưng đầu tư như thế nào để phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất của người dân mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của thị trường mới là vấn đề cần bàn.
Chẳng hạn như nếu đầu tư kho lạnh theo công nghệ của Đức, quả thanh long có thể giữ được chất lượng trong 30 ngày nhưng chi phí đầu tư cao hơn gấp nhiều lần so với kho lạnh thông thường. Trong khi đó, người dân, HTX khó có nguồn kinh phí lớn.
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, cần có sự tư vấn, hỗ trợ người dân, HTX trong việc đầu tư kho bảo quản. Cùng với đó, cần ưu tiên đầu tư kho lạnh phù hợp cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ để các đơn vị này chủ động thu mua nông sản cho nông dân trong bối cảnh thời điểm thu hoạch rộ có số lượng lớn.
Đồng thời, cần phát huy vai trò của các cơ sở nghiên cứu công nghệ trong việc liên kết với HTX, doanh nghiệp ứng dụng, nghiên cứu các công nghệ bảo quản, chế biến phù hợp với đặc điểm của từng vùng nguyên liệu và điều kiện của người dân, HTX.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng cho rằng, ngay như công nghệ sấy, cấp đông của Việt Nam cũng cần đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, giữ được hương vị sản phẩm thay vì chỉ sấy dẻo, sấy khô như hiện nay. Nhưng muốn làm được điều này, cần giải quyết được bài toán vốn cho người dân, HTX doanh nghiệp nhỏ.
Còn ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai) đề xuất, Nhà nước có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho lạnh quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sau đó cho các đơn vị kinh doanh nông sản, HTX thuê lại để thực hiện bảo quản nông sản. Bởi, từng HTX, doanh nghiệp nhỏ khó có đủ năng lực, chi phí đầu tư khu bảo quản đồng bộ.
Huyền Trang