Trước đây, dù có bán được ớt với giá cao, có thương lái đến thu mua thì người dân vẫn thấp thỏm lo âu vì đó chỉ là “ăn may”. Vụ này được mùa, được giá nhưng chưa chắc vụ sau cũng vậy.
Hướng đến xuất khẩu
Tuy nhiên, nhờ nắm bắt được thế mạnh của cây ớt, chính quyền địa phương đã đưa loại cây này vào trồng theo dự án phát triển vùng sản xuất rau an toàn của địa phương, đồng thời tạo điều kiện thành lập HTX, liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo tạo ra bước đột phá về phương thức sản xuất cũng như tư duy sản xuất.
Với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất ớt an toàn chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong tỉnh và xuất khẩu, được sự ủng hộ của UBND tỉnh Bình Định và UBND huyện Phù Mỹ, HTX Bina Food Bình Định được thành lập nhằm phát triển cây ớt hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến ngay tại địa phương.
Bà Mai Thị Thu Hà, Giám đốc HTX, chia sẻ xã Mỹ Hiệp là vùng trồng ớt lớn nhất huyện. Ớt là sản phẩm đặc thù, nguyên liệu đầu vào nhiều và ổn định nên HTX chọn địa phương này để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh.
Người dân Mỹ Hiệp yên tâm vì cây ớt có đầu ra thuận lợi (Ảnh: TL) |
Xác định ớt trồng ra là để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nên HTX cùng địa phương tích cực mời gọi các doanh nghiệp đầu tư cung ứng giống, chỉ đạo kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người nông dân.
Tham gia trồng ớt, người dân phải thay đổi tập quán canh tác, thực hiện tốt việc luân canh, dồn điền đổi thửa theo định hướng quy hoạch vùng sản xuất tập trung.
Địa phương cũng tăng cường hỗ trợ HTX và người nông dân bằng cách tạo điều kiện về cơ chế, về đất đai hay thành lập tổ kỹ thuật trên cơ sở gắn kết tự nguyện “4 nhà” cùng sản xuất. Qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Với vai trò liên kết các đầu mối trong chuỗi giá trị, HTX Bina Food Bình Định phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương vận động các hộ dân tham gia HTX nhằm bảo đảm vùng nguyên liệu. Song song đó, HTX hướng dẫn các thành viên áp dụng phương pháp sản xuất ớt hữu cơ và ký hợp đồng thu mua sản phẩm lâu dài cho thành viên với mức giá bảo đảm có lãi.
Hình thành mối liên kết 4 nhà
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, HTX Bina Food Bình Định còn chú trọng vào khâu chế biến để mở rộng đầu ra, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu.
Trên diện tích 1 ha đất tại Cụm công nghiệp Đại Thạnh đã được huyện Phù Mỹ giao, HTX tiến hành xây dựng nhà xưởng, kho lạnh để dự trữ, bảo quản sản phẩm, đồng thời lắp đặt dây chuyền sản xuất, chế biến ớt tự động.
Thông qua mô hình sản xuất này, sự góp mặt của “4 nhà” trên cánh đồng ớt giúp giá trị của cây ớt được nâng cao.
HTX Bina Food Bình Định đóng vai trò cầu nối trong chuỗi giá trị hàng hóa (Ảnh: TL) |
Đặc biệt những lo toan của người dân đã dần được dẹp bỏ. Trồng ớt được chuyển giao giống, kỹ thuật trồng, phân bón lại được bao tiêu sản phẩm nên họ không phải lo nghĩ gì, chỉ lo chăm sóc và chờ thu hoạch.
Vụ mùa năm nay, theo hợp đồng đã được ký kết, ớt được mua với mức giá 15.000 đồng/kg, tương đương hơn 70 triệu đồng/ha/năm đã cho thấy hiệu quả kinh tế từ cây ớt cao hơn hẳn so với trồng các loại rau màu truyền thống.
Sự liên kết “4 nhà” cùng với việc bảo đảm bao tiêu sản phẩm giúp nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác cho người nông dân đồng thời là hướng đi hiệu quả trong tiến trình đa dạng hóa cây trồng, phát triển quy hoạch vùng chuyên canh cây ớt của huyện. Đây cũng là bước đệm tạo sức bật trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa.
Hiện, HTX Bina Food Bình Định đang đề nghị các cấp chính quyền, ban, ngành tạo điều kiện để hoàn thành thủ tục để xây dựng nhà nhà xưởng sản xuất phân hữu cơ, trụ sở làm việc, đồng thời hỗ trợ người dân nhiều hơn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Huyền Trang