Kể từ năm 2020 đến nay, hàng chục nông hộ trên địa bàn xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) tất bật với hàng trăm ha chuối tiến vua mang thương hiệu Laba. Bất chấp những khó khăn từ Covid-19, tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” không thể cản các chuyến hàng chuối Laba vượt biển.
Tìm một lối đi riêng
Đằng sau hành trình vượt biển của những trái chuối Laba là câu chuyện về cuộc trường chinh đầy sỏi đá, chông gai, vừa để thay đổi chính mình, vừa mang lại giá trị cho những người nông dân bản địa của vợ chồng anh Nguyễn Huy Phương và chị Võ Thị Thu.
Anh Nguyễn Huy Phương đang tạo nên một cuộc "cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp địa phương. |
Anh Phương chia sẻ, khi trưởng thành, anh cũng giống như bao hộ gia đình ở vùng đất nghèo Đạ K’Nàng xây dựng kinh tế với cây cà phê. Vợ chồng anh được tiếp quản 5 ha cà phê của gia đình và gắn bó với nó suốt 20 năm trời đằng đẵng, trước khi những bước ngoặt xảy ra.
“Năm 2016, 5ha cà phê chỉ thu hoạch bình quân xấp xỉ 1,5 tấn nhân/ha. Những tác động của biến đổi khí hậu, cùng sự thất thường của thị trường khiến hoạt động sản xuất của gia đình ngày càng khó khăn. Hạch toán lợi nhuận quá thấp so với nguồn vốn đầu tư và công lao động bỏ ra”, anh Phương nhớ lại.
Gần 2 thập kỷ gắn bó với cây cà phê, được tiếp xúc với nhiều đối tác, bạn hàng giúp hai vợ chồng Nguyễn Huy Phương có cơ hội học hỏi, “mở mang đầu óc” ra rất nhiều. Cùng với một tư duy khác, họ đã quyết từ bỏ mô hình cũ để tìm một lối đi riêng.
Nghĩ là làm, vợ chồng anh Phương đã bỏ công đi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm tìm hiểu các mô hình thích hợp. Cuối cùng, mô hình trồng chuối Laba, một giống chuối quý, chất lượng cao, được mệnh danh là chuối tiến vua ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) được lựa chọn.
Để thử nghiệm, anh Phương đưa về hơn 20 cây giống trồng trên diện tích 100m2. Sau 3 tháng, các cây giống đều sinh trưởng, phát triển ổn định, cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với thổ nhưỡng, khí hậu ở Đạ K’Nàng. Năm 2017, hành trình “đổi cũ thay mới” của vợ chồng anh bắt đầu.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Quyết định chặt bỏ cây cà phê và đổ nguồn vốn hàng tỷ đồng để theo đuổi giống cây mới là một sự mạo hiểm. Gia đình, bạn bè tỏ ra nghi ngại, nhiều người ác miệng bảo vợ chồng anh Phương “có vấn đề".
Bản thân anh Phương cũng chia sẻ, suốt hơn một năm đầu khởi nghiệp, cả hai vợ chồng anh như “người đi trên dây”, tự tin có thừa nhưng run rẩy cũng chẳng thiếu. Bởi, gần 1 tỷ đồng là toàn bộ số tiền tích cóp hơn 10 năm của gia đình, cùng với những khoản vay mượn giống như hòn đá tảng nghìn cân "treo trên đầu".
Trước khi có được thành công hiện tại, trái chuối Laba cũng trải qua không ít lần "chìm, nổi". |
Không ngoài dự tính, kịch bản “mất cả chì lẫn chài” đã hiện hữu ngay trong vụ đầu tiên vào năm 2018, khi hàng trăm tấn chuối Laba đang đến kỳ thu hoạch có nguy cơ bị đổ bỏ vì mất thị trường.
Nguyễn Huy Phương kể, quy trình canh tác khoa học giúp vụ chuối đầu thắng lớn về mặt sản lượng, với năng suất bình quân trên 60 tấn/ha. Tuy nhiên, khi lên thành phố Đà Lạt gặp đối tác để thống nhất thời gian, khối lượng giao hàng, phương thức thanh toán thì vợ chồng anh chỉ nhận được cái lắc đầu.
Sự chối bỏ của đối tác với lý do là vì các kênh phân phối trong và ngoài nước gặp khó thực sự là một cú sốc với gia đình anh Phương. Song, không có thời gian để gục ngã, hơn 300 tấn chuối đang đối mặt nguy cơ mất trắng, vợ chồng anh lại lao vào tìm kiếm những thị trường tiêu thụ khác.
“Chúng tôi chào bán khắp các chợ lớn, chợ nhỏ trong tỉnh rồi lên mạng internet bán sỉ, bán lẻ trên toàn quốc. Ngoài ra, còn rao bán trực tiếp cho khách hàng đến tận khu vườn chọn từng buồng chuối. Và dù đã cố gắng đến kiệt sức, chúng tôi cũng chỉ bán ra được khoảng 70% sản lượng”, anh Phương nhớ lại.
30% sản lượng tương đương gần 90 tấn chuối phải vứt bỏ. “Sợi dây” mà vợ chồng anh Phương bước lên kể từ khi theo đuổi mục tiêu mới đã rung lắc dữ dội. Song, theo anh ngay cả thời điểm khó khăn nhất, mục tiêu ban đầu của hai vợ chồng vẫn không thay đổi.
Nguyên tắc “bất di bất dịch” của anh khi làm nông nghiệp là nương tựa vào tự nhiên để gieo trồng, lấy tự nhiên nuôi tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào dù là các loại bảo vệ thực vật hữu cơ.
Đặc biệt, dù là nông dân chính hiệu nhưng tất cả các khâu trồng, chăm bón cây, thông số về đất, đặc tính từng khóm vườn được anh ghi chép, phân tích và đóng thành tệp y hệt một chuyên gia nông nghiệp đang thực nghiệm một cánh đồng hiện đại.
Có mục tiêu, thời cơ sẽ đến
Sau cú rung chấn ở vụ đầu tiên, anh Phương bước vào vụ tiếp theo với những tính toán rõ ràng hơn. Không còn phụ thuộc vào một đối tác, vợ chồng anh chủ động đa dạng thị trường tiêu thụ, chủ động tìm kiếm những bạn hàng mới cả hai mặt trận trực tiếp và online.
Việc chinh phục thành công nước Nhật mở ra chu kỳ thành công cho trái chuối Laba trên mặt trận xuất khẩu. |
Bước ngoặt xảy ra khi những quảng cáo “chào hàng” trên mạng, đồng thời triết lý kinh doanh “thuận tự nhiên” của vợ chồng Nguyễn Huy Phương được một doanh nghiệp Nhật Bản biết đến.
Nhanh chóng chớp lấy thời cơ, vợ chồng anh đón tiếp đoàn khách nước ngoài đến tham quan, thưởng thức và đánh giá chất lượng chuối Laba, rồi lấy mẫu đất, mẫu nước, đo nhiệt độ, khí hậu quanh vùng đem về nước phân tích.
Mô hình nông nghiệp “lấy tự nhiên nuôi tự nhiên” của gia đình anh Phương nhanh chóng gây ấn tượng mạnh với doanh nghiệp khi đến tham quan, và cũng chỉ sau đó đúng một tháng, tin vui báo về với 100% các tiêu chuẩn ngặt nghèo của nước bạn được thông qua.
HTX Laba Banana Đạ K’Nàng thành lập vào tháng 10/2018, hiện có hơn 70 nông hộ, liên kết trên diện tích 255 ha, trải rộng từ các xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng (huyện Đam Rông) đến các xã Phú Sơn, Tân Hà (huyện Lâm Hà).
Năm 2022, vùng nguyên liệu chuối Laba của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng dự kiến bước vào thời kỳ thu hoạch khoảng 255 ha, năng suất trung bình 80 - 100 tấn/ha, lợi nhuận ổn định cho người nông dân liên kết từ 300 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ mở toang cánh cửa thị trường, việc doanh nghiệp Nhật Bản cam kết thu mua không giới hạn cũng là thời cơ để anh Phương hiện thực hóa giấc mơ làm “cách mạng” trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân tại địa phương.
Tháng 10/2018, vợ chồng anh thành lập HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, xuất phát điểm với gần 10 ha trồng chuối, thu hút 7 hộ tham gia. Sau hơn 2 năm, số thành viên HTX liên tục được nâng lên, diện tích ngày càng mở rộng, trải dài trên địa bàn nhiều xã, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
“100% diện tích “chuối tiến vua” của các hộ liên kết với HTX đều thực hành theo quy trình GlobalGAP. Đối tác Nhật Bản đầu tư 2 tỷ đồng gắn chip kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều khiển các “lệnh” canh tác, đảm bảo sản lượng và chất lượng chuối xuất khẩu”, anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX cho hay.
Cùng với thị trường Nhật Bản, chuối Laba cũng chinh phục thành công thị trường Trung Quốc và Trung Đông. Đặc biệt, đầu quý III/2021, chuối Laba tiếp tục vượt biển sang Mỹ (20 tấn), Hàn Quốc và đang kết nối công đoạn cuối sang Malaysia.
Ở trong nước, sản phẩm được phân phối tại TP.HCM, và đang mở rộng dần xuống các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh ven biển miền Trung. Không chỉ trái tươi, HTX đã đẩy mạnh chế biến, nổi bật là chuối sấy và bột chuối.
Trong năm 2021, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động của HTX, việc mở rộng xuất khẩu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo anh Phương, với nền tảng vững vàng, HTX cùng các thành viên đang rất tự tin hướng tới các mục tiêu nâng cao giá trị, mở rộng thị trường trong tương lai…
Nhật Minh