Trở lại Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) những ngày tháng Chạp, không khí Tết cổ truyền đã ngập tràn trên những con đường làng, dưới cánh đồng hoa, tấp nập ngựa xe, ghe thuyền, với đủ các loài hoa kiểng phủ đầy sắc vàng, sắc đỏ, và có cả những nụ cười hồn hậu.
Tình người, duyên hoa
Chú Tư Thành, một “quái kiệt” trồng hoa ở Cái Mơn chia sẻ, khác với những vùng trồng hoa trong nhà kính ở Đà Lạt, các làng hoa ở miền Tây được trồng tự nhiên, nằm lộ thiên giữa mênh mông đất trời. Cái Mơn cũng vậy.
Người Nam Bộ nói chung và người miền Tây nói riêng rất yêu thích những loài hoa rực rỡ với màu vàng, màu đỏ. Vì trong quan niệm của ông bà để lại, đây là màu sắc mang đến sự may mắn, tốt lành mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bởi thế nên ở Cái Mơn, người dân trồng hoa thường trồng nhiều các loại hoa cúc vàng, hoa mai và một số loài hoa truyền thống khác. Trong đó, các loài hoa cúc như cúc đại đóa, cúc mâm xôi, cúc vạn thọ… có số lượng nhiều hơn cả.
Ông Đặng Văn Hài, một nghệ nhân chuyên sản xuất cây kiểng ở Cái Mơn chia sẻ, cái nghề trồng cây kiểng được cha ông truyền lại, ngoài lệ thuộc vào thời tiết, còn có bí quyết nghề nghiệp riêng. Nghề này có thể làm giàu, nhưng không phải lúc nào cũng “dễ ăn”.
“Làm nghề cây kiểng lắm công phu, cực lắm! Cả ngày ở ngoài vườn, đầu tắt mặt tối, thậm chí còn ngủ trong vườn. Khách tới chơi, nhiều người trêu, người Cái Mơn chăm hoa còn hơn chăm con. Ngày Tết bán được, lời khá, nếu không bán được lỗ như chơi”, ông Hải mỉm cười nói.
Vì dành nhiều tâm huyết, nên người trồng hoa ở Cái Mơn cũng kén khách tham quan. Ở nhiều vựa hoa lớn, khách thập phương có thể thoải mái đến chơi, thưởng thức cái đẹp, nhưng khi chụp ảnh, quay phim thì phải hỏi ý kiến chủ vườn.
Lý do là bởi, theo quan niệm của người trồng hoa nơi đây, nếu chụp ảnh lúc hoa chưa nở hoặc chưa có người đặt, sẽ làm hoa bị mất duyên, bán không được hàng.
Cái Mơn đẹp như tranh những ngày cận Tết. |
Hơi thở thời đại
Cái Mơn là vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm cạnh sông Cái Mơn phù sa màu mỡ quanh năm nên hoa trái tốt tươi. Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, hoa Cái Mơn vẫn là một tên tuổi không thể bỏ qua.
Để giữ được vị thế của một làng hoa hàng đầu cả nước, những người trồng hoa ở Cái Mơn cũng liên tục làm mới mình để bắt nhịp hơi thở của thời đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và những người chơi hoa.
Ông Nguyễn Văn Phát, chủ vườn hoa ở Cái Mơn chia sẻ, gia đình ông đã 4 đời làm hoa kiểng, hồi xưa chỉ có mai vàng và một số kiểng cổ cùng các loại hoa truyền thống.
Những năm gần đây, để không bị “lạc hậu”, nhiều gia đình đã bắt đầu đầu tư công nghệ mới, tạo ra hàng trăm loại hoa kiểng, nội địa có, nước ngoài nhập về có, nhất là sự xuất hiện của các loại hoa treo.
Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, các nhà vườn đầu tư công phu để tạo ra những cây hoa kiểng quý, pha quyện thành bức tranh sinh động, đầy ý nghĩa.
Đơn cử như hoa phát tài, kim ngân thể hiện lời cầu chúc tài lộc, hoa cát tường mang ý nghĩa may mắn, hanh thông, hoa hải đường thể hiện cho sự phú quý, giàu sang.
Bên cạnh đó, một số loại cây khác có ý nghĩa sung túc, trường thọ cũng được nhà vườn phát triển mạnh như vạn thọ, bách tán, hoa sống đời… cầu chúc một năm mới dồi dào sức khỏe cho cả gia đình.
“Biết sao hơn. Mình cứ “hoài cổ” thì thua ngay trên sân nhà”, ông Phát nói. Cái hay là người trồng hoa ở Cái Mơn đang phát huy thế mạnh để “hái” ra tiền, nhưng đồng thời vẫn giữ được nét đẹp, nét văn hóa truyền thống thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Không chỉ phát huy tiềm năng kinh tế trên lĩnh vực trồng hoa kiểng, ương cây giống, những năm qua, Cái Mơn còn đầu tư phát triển thế mạnh du lịch sinh thái miệt vườn thông qua việc hình thành khá nhiều điểm tham quan, trải nghiệm.
Rất nhiều du khách đến với Cái Mơn khi trở về đều có chung nhận xét đây là “vùng đất lành chim đậu”. Cảnh đã đẹp mà lòng người càng đẹp hơn.
Ở đây không có chuyện thách đố về giá cả, họ thật thà, chân phương và rất nhã nhặn, tế nhị. Điều đáng nể là những nông dân miệt vườn chính tông 100% nhưng sử dụng công nghệ thông tin rất nhuần nhuyễn và trình độ về khoa học kỹ thuật rất “cao cường”.
Hoa trả ơn người
Chính sự nhanh nhạy trong tiếp cận thị trường, đồng thời vẫn giữ được hồn hoa của cha ông, đã giúp những người trồng hoa ở làng hoa Cái Mơn “sống khỏe”.
Một cán bộ địa phương phấn khởi cho hay, nếu đem Cái Mơn đi thi về chuyện phát triển kinh tế, chuyện làm giàu, chuyện trồng hoa kiểng, cây giống, trái cây ngon, sạch thì chắc chắn sẽ không thua bất kỳ vùng đất nào.
Hiện nay mỗi năm, làng hoa kiểng Cái Mơn cung ứng cho thị trường Tết trên 600.000 chậu mai vàng (chủ yếu là mai ghép), gần 1 triệu kiểng làm bằng cây tắc (có nơi gọi là cây hạnh), trên 1,7 triệu chậu cúc các loại, vạn thọ, 350.000 giỏ hoa treo, gần 500.000 chậu hoa kiểng các loại… chiếm trên 70% sản lượng hoa kiểng của huyện Chợ Lách.
Cái Mơn giờ bao la tỷ phú. Như gia đình bà Nguyễn Thị Đào, gần 30 năm làm nghề hoa kiểng, bình quân mỗi năm bà trồng khoảng 8.000 chậu cúc mâm xôi, 5.000 cúc Thái Lan, có năm trồng thêm bông vạn thọ…
“Cùng với trồng hoa, tôi thuê xe buôn mai vàng, năm nào cũng bán cả nghìn chậu, trừ hết các các chi phí đầu tư cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Tết khỏe re”, bà Đào phấn khởi nói.
Trong không khí giao hòa, trời đất sang xuân, những bông hoa, nhành cây, chậu cảnh đem đến cho con người sức sống và những gì tươi đẹp nhất cho một năm mới.
Thú chơi hoa và cây kiểng ngày Tết không chỉ thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt, nó còn mang ý nghĩa sâu xa: mùa xuân sẽ mang tài lộc đến cho con người.
Cái Mơn thì vẫn vậy. Làng nghề trăm năm vẫn tự tại, thong dong, thư thái với cuộc đời. Cái Mơn vẫn trầm mặc, uy thiêng trong tiếng chuông nhà thờ vang vọng. Mùa xuân đến rồi, Cái Mơn!
Hưng Nguyên