Ngày 20/6, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã chủ trì tổ chức Hội nghị Liên kết xúc tiến thương mại (XTTM) sản phẩm nông nghiệp của các HTX tỉnh Bắc Giang với các tỉnh, thành phố năm 2019.
Hội nghị có sự tham dự của Liên minh HTX 17 tỉnh, thành phố trên cả nước và nhiều doanh nghiệp như Co.op Mart, VietMart, VietCOOP…
Thành tích của xúc tiến thương mại
Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển nông nghiệp và đa dạng các giống cây trồng vật nuôi. Những năm gần đây, sản xuất nông sản hàng hóa của Bắc Giang đã đạt được những bước tiến vượt bậc, dần hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhiều mô hình có hiệu quả cao, xây dựng được thương hiệu sản phẩm.
Tính đến nay, Bắc Giang có 714 HTX, trong đó có 461 HTX nông lâm ngư nghiệp, 233 HTX phi nông nghiệp, 20 quỹ tín dụng nhân dân. Tỉnh có 5 Liên hiệp HTX, trong đó 4 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị: "Nếu cung - cầu không được kết nối thì sẽ diễn ra cảnh được mùa, mất giá, nên cần thông qua những Hội nghị như thế này để các bên lắng nghe ý kiến, nhu cầu của nhau để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc để kết nối với nhau" |
Các HTX hoạt động ngày càng ổn định, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ thành viên và phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó cải thiện đời sống của người dân.
Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhận định XTTM giữ vai trò quan trọng cho phép kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh liên kết các bên cùng có lợi, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, giúp hàng hóa phát huy được thế mạnh, rút ngắn được thời gian tham gia thị trường.
Nhận thức được tầm quan trọng của XTTM, trong những năm gần đây, Bắc Giang đã quan tâm, chú trọng, thường xuyên làm tốt công tác XTTM, đặc biệt đối với những sản phẩm chủ lực của tỉnh là quả vải thiều và con gà đồi Yên Thế.
Vải thiều là sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang, với diện tích trồng tập trung là 28.000 ha, sản lượng 150.000 - 180.00 tấn/năm. Bắc Giang là vùng trồng vải thiều lớn nhất cả nước và được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá là đứng đầu thế giới.
Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại 5 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia) và xuất khẩu tại hơn 30 nước với tổng giá trị lên tới 170 triệu USD.
Vải thiều Bắc Giang hiện được định hướng sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh. Đến nay, tỉnh có 13.600 ha vải thiều được trồng theo VietGAP, đạt sản lượng 132.300 tấn và 218,5 ha vải được trồng theo GlobalGAP, được Mỹ cấp mã số đối với 394 hộ sản xuất.
Vải thiều hiện nay tiêu thụ ổn định, với giá 35.000 - 40.000/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 60.000 - 70.000/kg.
Gà đồi Yên Thế của Bắc Giang hiện có tổng đàn đạt hơn 17 triệu con, số lượng đứng thứ 3 cả nước, hiện đang tiêu thụ hết sức thuận lợi ra thị trường.
Những kết quả này đạt được một phần là do tỉnh đã làm tốt công tác XTTM và mở rộng thị trường để các HTX, doanh nghiệp tiếp xúc được thị trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị đánh giá Hội nghị XTTM là hết sức thiết thực đối với các HTX, đã đi vào khâu khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với HTX hiện nay là tiêu thụ hàng hóa.
"Nếu cung - cầu không được kết nối thì sẽ diễn ra cảnh được mùa, mất giá. Cần thông qua những Hội nghị như thế này để các bên lắng nghe ý kiến, nhu cầu của nhau để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc để kết nối với nhau", Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị cũng lưu ý, kết nối cung - cầu với nhau phải bằng hợp đồng kinh tế có tính pháp lý cao. Trong đó chính quyền địa phương phải đóng vai trò bảo hộ các hợp đồng này, tránh tình trạng người dân bẻ kèo doanh nghiệp, cũng như doanh nghiệp bẻ kèo nông dân.
"Chúng ta phải đồng hành với HTX để có sự kết nối bài bản, phù hợp lợi ích các bên", Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị nói.
Hội nghị XTTM là hết sức thiết thực đối với các HTX |
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng các vùng trồng tập trung, tạo nhiều chuyển biến trong cơ cấu nông nghiệp.
Riêng tại khu vực HTX, tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề hỗ trợ các HTX phát triển, trong đó tập trung chuyển đổi tư duy sản xuất, tập trung sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện được quy trình sản xuất an toàn.
Trong đó, HTX là mô hình tốt nhất để tích tụ ruộng đất, tập trung sản xuất, lại có tư cách pháp nhân để giao dịch với doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích và thực hiện được vai trò là "bà đỡ" cho các HTX cũng như người dân.
Cần chú trọng thương hiệu
Hiện tỉnh đã có Nghị quyết 24 để khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, ưu tiên HTX trên 6 lĩnh vực, như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất vay ngân hàng, tập trung về đất đai, hỗ trợ xây dựng tem nhãn, thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ tham gia triển lãm trong và ngoài nước và hỗ trợ đào tạo nhân lực cho HTX.
Dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên ông Thái cho rằng hiện nay tình hình phát triển HTX trên địa bàn còn nhiều khó khăn, như quy mô HTX nhỏ, nguồn vốn ít, trình độ quản trị hạn chế… Trong đó, đối với quy trình XTTM, công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng tem, nhãn hiệu, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc chưa được chú trọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Ông Thái cho rằng hạn chế trong công tác xây dựng thương hiệu đang hạn chế sản phẩm của HTX tham gia các chuỗi sản xuất lớn trong nước, chưa nói đến nước ngoài.
Ông Thái lấy ví dụ như mật ong rừng Sơn Động của Bắc Giang, trước chỉ cho vào các vỏ chai lavie cũ, bán với giá 150.000/lít, nhưng sau khi có HTX Mộc Linh đầu tư công nghệ sản xuất, có bao bì nhãn mác, giá bán tăng lên thành 260.000 - 300.000/lít. Người mua cũng an tâm hơn, do có bao bì rõ ràng nên tiêu thụ còn tốt hơn trước.
Thời gian tới, ông Thái hy vọng Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang cũng như các tỉnh bạn và các doanh nghiệp sẽ liên kết nhiều hơn nữa với các HTX, người dân sản xuất để hình thành chuỗi giá trị trong sản phẩm nông nghiệp.
Tại Hội nghị, các HTX và doanh nghiệp đã trình bày những khó khăn, vướng mắc khi tham gia liên kết. Như phía doanh nghiệp tiêu thụ luôn lo ngại về vấn đề chất lượng của các HTX, hay phía HTX loay hoay, chưa tìm được cách để XTTM, liên kết hiệu quả…
Tại Hội nghị, ông Vũ Quang Phong - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) đã nêu ra một số lưu ý để HTX có thể tham gia XTTM tốt hơn, như chú ý xây dựng bao bì, nhãn mác, bảo đảm chất lượng, số lượng sản phẩm.
Ông Phong cũng cho biết Trung tâm sẽ có văn bản gửi tới các tỉnh kế hoạch chi tiết về kế hoạch tham dự Hội chợ XTTM Quảng Châu (Trung Quốc), do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên đoàn cung tiêu Trung Quốc tổ chức, hay đưa các đoàn giao thương tới Trung quốc, Malaysia vào năm 2020. Đặc biệt, dự kiến cuối năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tổ chức hội chợ quốc tế tại Hà Nội với sự tham gia của gần 20 nước trên thế giới.
Hồng Nhung