Việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cần có kế hoạch để mang lại hiệu quả lâu dài. |
Tại buổi làm việc của Tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh phía Bắc sáng ngày 16/6, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, đồng thời là Tổ trưởng tổ công tác cho biết, với sự vào cuộc tích cực của Liên minh HTX Việt Nam, Tổ công tác đã chủ động liên hệ, làm việc với các đơn vị bao tiêu như doanh nghiệp, siêu thị… để tiêu thụ nông sản cho các HTX.
Được mùa nhưng không mất giá
Từ khi Liên minh HTX Việt Nam thành lập Tổ công tác (26/5) đến nay, đã có hàng chục HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu như HTX Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư thuộc Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ, kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Đến nay, HTX đã tiêu thụ được 160 tấn vải, trong đó 40 tấn ở thị trường trong nước và 120 tấn xuất khẩu đi Trung Quốc.
Từ ngày 26/5 đến hết ngày 10/6/2021, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã phối hợp với Liên minh HTX Bắc Giang kết nối với các đơn vị hỗ trợ vận chuyển và tiêu thụ được 1.853,5 tấn vải, dưa hấu, dưa lê cho các HTX.
Còn Trung tâm Phát triển thương mại và đầu tư thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ vải cho khoảng 30 HTX, chủ yếu thuộc huyện Lục Ngạn qua 3 kênh tiêu thụ chính là chợ đầu mối Long Biên cung cấp chủ yếu qua thị trường Hà Nội; xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ xúc tiến thương mại đưa quả vải và các mặt hàng nông sản lên sàn Thương mại điện tử Shopee.
Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Phát triển thương mại và đầu tư tiêu thụ được 3-5 tấn vải tại chợ đầu mối Long Biên, 12-24 tấn/ngày xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc và dự kiến sẽ xuất 50-70 tấn vải thiều chính vụ. Trung tâm cũng hỗ trợ tiêu thụ 174,5 tấn dưa hấu, 43 tấn rau củ quả, 3,5 tấn thịt gà và thịt vịt.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, với tinh thần vì HTX, không vì lợi nhuận, Tổ công tác đã giúp đầu ra cho nông sản của HTX ở Bắc Giang và Bắc Ninh được khơi thông ngay trong mùa dịch.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, cho biết trung tâm đã liên hệ với các đơn vị hỗ trợ vận chuyển như: VNPost, Transco Logistics… để có những phương án vận chuyển và trợ giá kịp thời cho các HTX khi vận chuyển nông sản đi các tỉnh trên cả nước. Các doanh nghiệp tiêu thụ như Sài Gòn Coop cũng cam kết tiêu thụ vải với giá từ 18-20 nghìn đồng/kg nhằm bảo đảm doanh thu cho các HTX.
Để kết nối tiêu thụ được nông sản cho các HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã tăng cường nắm bắt thông tin, đăng ký các sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ (có thông tin cụ thể về sản phẩm, giá thành, số lượng, hình thức hàng hóa, hình thức vận chuyển…). Các sản phẩm hỗ trợ tiêu thụ phải đảm bảo sản xuất an toàn, sạch, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
HTX Hồng Xuân là một trong những đơn vị làm tốt công tác bảo đảm chất lượng nông sản khi sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP... HTX cũng có giấy chứng nhận sản phẩm, đặc biệt là khâu sơ chế, đóng gói được hoàn thiện. Đến nay, HTX đã tiêu thu được 400 tấn vải. Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao vì không chỉ đẹp về hình thức mà còn bảo đảm về chất lượng khi không bị sâu đầu, sâu cuống.
Hiệu quả trong hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản của các HTX ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã tạo sức lan tỏa rộng lớn khi có một số tỉnh đã kết nối với Liên minh HTX Việt Nam đề xuất hỗ trợ tiêu thụ như: Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Thuận…
Tạo sức lan tỏa
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được, trong quá trình hỗ trợ tiêu thụ vẫn xảy ra tình trạng có HTX chưa thực sự chủ động, dẫn đến việc kết nối còn gặp khó khăn. Ông Vũ Quang Phong cho biết thực tế vẫn còn một số HTX của tỉnh Bắc Giang chưa có đủ các chứng nhận, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa bảo đảm được khâu đóng gói, bảo quản dẫn đến việc kết nối với các siêu thị lớn, các doanh nghiệp bao tiêu như Big C, Lotte còn hạn chế.
Bên cạnh đó, trình độ nghiệp vụ thương mại điện tử của đại diện một số HTX chưa tốt, dẫn đến việc trao đổi thông tin còn nhiều bất cập, việc hỗ trợ HTX bán hàng trực tuyến còn khó khăn trong khi đây là phương thức bán hàng có thể tiếp cận với không ít khách hàng.
Thực tế cho thấy, dù có dịch bệnh Covid-19 hay không thì tình trạng nông sản rơi vào cảnh cung vượt cầu vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, thông tin giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nhiều lúc không khớp nhau. Như vậy, câu chuyện kết nối thị trường đang tồn tại vấn đề bất cân xứng, tạo ra dư thừa cục bộ. Trong khi không chỉ Bắc Giang, Bắc Ninh mà trong thời gian tới sẽ là cao điểm vào vụ của các loại cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây có múi nên bài toán kết nối đầu ra cần có những bước đi cụ thể.
Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, để thực hiện được phương châm 4 nhất trong quá trình hỗ trợ tiêu thụ: số lượng nhiều nhất, thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng và hiệu quả cao nhất cho HTX và thành viên thì cần tập trung vào những sản phẩm điểm của địa phương. Cụ thể như Sơn La cần tập trung hỗ trợ sản phẩm xoài, nhãn, na; đối với Hòa Bình thì tập trung vào sản phẩm cam, quýt… vì đây là những sản phẩm điểm, đặc trưng, có tính thời vụ của từng địa phương. Tuy nhiên sản phẩm đó phải có quy mô lớn gắn với HTX và đạt được những tiêu chuẩn sản xuất và truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, bao bì thì mới có thể kết nối được với doanh nghiệp và phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh đó, cần triển khai đề án dữ liệu thông tin về HTX, trên đó cập nhật tình hình hoạt động, sản phẩm chủ lực, về chứng nhận sản phẩm… của HTX để việc kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước thuận lợi hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Liên minh HTX Việt Nam thực hiện quản lý, kết nối với HTX.
Tuy nhiên để công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản được hiệu quả hơn nữa, các HTX cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Theo đó, HTX không chỉ tập trung sản xuất mà phải tính đến hiệu quả. Muốn hiệu quả thì phải sản xuất theo nhu cầu thị trường, không chạy theo số lượng, chú trọng sản xuất gắn với quy hoạch vùng trồng; Sản xuất phải gắn với chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm...
Huyền Trang