Sự kiện HTX Vận tải Thanh Hà (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) ký hợp đồng thuê 250 xe ô tô điện VinFast VF e34 và VF8 Eco từ Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) để cung cấp dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Đắk Lắk đã cho thấy sự nhanh nhạy, tiên phong của một HTX vận tải trước mô hình giao thông xanh và thông minh tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Nhạy bén, thích ứng thị trường
Theo hợp đồng vừa được ký kết ngày 19/7, HTX Vận tải Thanh Hà sẽ thuê tổng cộng 250 xe ô tô điện VinFast VF e34 và VF 8 Eco từ GSM để vận hành dịch vụ taxi điện với thương hiệu taxi Tây Nguyên tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, GSM sẽ bàn giao ngay 50 xe cho Thanh Hà trong tháng 7/2023, 200 xe còn lại sẽ được bàn giao trong các giai đoạn tiếp theo.
Có thể thấy, đường đua taxi điện đã lan rộng khi không chỉ thu hút các doanh nghiệp mà còn có cả các HTX vận tải. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc HTX Vận tải Thanh Hà, cho biết kế hoạch hợp tác với GSM của HTX đã có ngay từ khi đơn vị này có thông tin đưa taxi điện vào hoạt động trên thị trường.
“Trong khi Chính phủ đã có lộ trình từng bước chuyển đổi xe xăng sang xe điện sử dụng nhiên liệu sạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, thì việc hợp tác với GSM sẽ giúp HTX tăng tính cạnh tranh trên thị trường và phù hợp với xu thế”, ông Hà nói.
Không chỉ các doanh nghiệp mà các HTX vận tải, có dịch vụ taxi truyền thống vốn được đánh giá là tư duy cũ kỹ, khó đổi mới. Điều này có thể do hầu hết các HTX, doanh nghiệp vận tải truyền thống không được hậu thuẫn bởi một tập đoàn lớn với thế mạnh về kinh tế, nên việc đầu tư thay thế phương tiện khiến nhiều đơn vị rất đắn đo. Nhưng qua những gì đại diện HTX Thanh Hà chia sẻ, có thể thấy, những đơn vị làm taxi truyền thống cũng luôn sẵn sàng thay đổi, chủ động nắm bắt cơ hội.
Lễ ký kết hợp tác giữa HTX Thanh Hà và Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM). |
Phân tích kỹ có thể thấy, các HTX, doanh nghiệp vụ taxi truyền thống hoạt động theo hình thức phân chia lợi nhuận nên thường mang đến sự an toàn. Các thành viên thường tập trung nâng cao năng suất công việc nên có thể chưa để tâm đến dịch vụ khách hàng, đầu tư công nghệ. Đi liền với đó là việc tuân thủ nội quy, quy chế kinh doanh trong ngành vận tải cũng như luật giao thông chưa được chặt chẽ.
Taxi truyền thống sử dụng xăng nên chi phí đầu tư về nhiên liệu, chi phí đầu vào cũng được đánh giá là cao hơn. Nếu không chủ động thay đổi, các HTX, doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ rất khó cạnh tranh.
Theo ông Hà, việc vượt qua khỏi vòng an toàn hy vọng sẽ giúp khách hàng, đối tác có cái nhìn mới về chính HTX, từ đó giúp HTX nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp từ ứng dụng đặt xe, chăm sóc khách hàng. Nếu chỉ dừng lại ở việc quan sát xem xe điện hoạt động như thế nào, sợ rủi ro và chưa dám ký kết hợp đồng thì HTX sẽ đánh mất cơ hội. Vì hiện nay được coi là thời điểm vàng để đầu tư taxi điện do thị trường taxi đã quá đông đúc, nhu cầu của khách hàng giảm nhưng đòi hỏi về chất lượng cao hơn. Trong khi đó, cũng đã có nhiều đơn vị taxi đã nhanh tay tham gia cuộc chơi taxi điện.
Cạnh tranh gay gắt
Điều mà vị giám đốc này nói là hoàn toàn có cơ sở khi thị trường taxi ở Việt Nam hiện nay đã có sự tham gia của rất nhiều đơn vị từ doanh nghiệp nội, HTX và cả doanh nghiệp nước ngoài. Theo thống kê đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp taxi, với hơn 67.000 xe.
Riêng TPHCM, dự báo của các ngành chức năng cho thấy, số lượng taxi truyền thống của thành phố sẽ là trên 16.500 phương tiện vào năm 2025. Thực tiễn, đến cuối năm 2019, thành phố đã có 51.600 xe taxi đăng ký hoạt động, trong đó 14.500 xe taxi truyền thống.
Còn ở Thành phố Hà Nội, đến đầu năm 2021 đã có 19.265 phương tiện taxi được cấp phù hiệu thuộc quản lý của 74 đơn vị kinh doanh taxi. Sự phát triển nhanh chóng về số lượng khiến Hà Nội ra văn bản khống chế để bảo đảm loại hình này ở ngưỡng cố định, không thể đơn vị nào muốn kinh doanh bao nhiêu cũng được.
Thị trường taxi đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị kinh doanh. |
Không chỉ vậy, ngay khi thị trường xe taxi điện chính thức đi vào hoạt động chưa lâu thì đến nay đã có nhiều đơn vị nhanh chóng nắm bắt cơ hội như HTX Thanh Hà. Trước đó vào tháng 6, Công ty cổ phần Sun Taxi ký hợp đồng mua 3.000 chiếc VF 5Plus từ VinFast, thời gian bàn giao từ nay đến năm 2025 để hoạt động ở các tỉnh miền Trung. Lado Taxi cũng đã mua 300 chiếc xe điện từ tháng 5/2023 để bổ sung và thay thế cho xe xăng. Hãng ASV Airports Taxi, Ahamove cũng đã chọn ô tô điện để chạy dịch vụ đưa đón khách….
Sự tham gia của các đơn vị kinh doanh này cho thấy họ đã nhìn thấy cửa sáng trong việc kinh doanh taxi điện. Và khi nhiều đơn vị đầu tư cùng tham gia thị trường taxi điện, thì cơ hội và thị phần cho taxi truyền thống chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và giảm.
Khảo sát của UNDP tại một số tỉnh, thành của Việt Nam chỉ ra rằng, lượng người lựa chọn ô tô điện lên đến 61%. Điều này cho thấy, xu hướng lựa chọn giao thông hiện đại ngày càng lên ngôi và đủ sức hấp dẫn người tham gia giao thông. Khi xe điện càng phát triển, đủ sức đáp ứng nhu cầu của con người với chất lượng dịch vụ tốt hơn, thì taxi truyền thống dù giá rẻ hơn cũng sẽ không phải là lựa chọn hàng đầu.
Sự hợp tác của HTX Thanh Hà và các đơn vị vận tải khác với đơn vị cung cấp taxi điện cũng như những dự báo tích cực về taxi điện đã báo hiệu hiện đang là thời điểm tốt để các hãng taxi truyền thống thay đổi. Tất nhiên, việc chuyển đổi sang xe điện đối với nhiều đơn vị kinh doanh còn vô vàn khó khăn nhưng nếu không bứt phá, taxi truyền thống sẽ đuối sức trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Trong khi trước đó, nhiều đơn vị taxi truyền thống cũng khó khăn, thậm chí phải rời cuộc chơi bởi sự xuất hiện của taxi công nghệ.
Huyền Trang