Được nhen nhóm ý tưởng từ năm 2018 khi nghiên cứu thành công đề tài khoa học cấp tỉnh về giải pháp nuôi trồng, thu sinh khối tảo xoắn Spirulina trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao. Sau 2 năm “thai nghén”, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tảo Việt (thôn 3, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã chính thức được vợ chồng anh Nguyễn Văn Biên và chị Nguyễn Thị Dung thành lập vào tháng 3/2020.
Tuy là một HTX “trẻ” mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm nhưng đến nay, HTX Tảo Việt đã mở ra hướng đi mới cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung.
Thực phẩm “vàng” của thế kỷ 21
Tảo xoắn (tên khoa học là tảo Spirulina) được phát hiện từ năm 1960 và nhanh chóng được đánh giá là loại thực phẩm hoàn hảo khi có nguồn gốc từ thiên nhiên cùng nhiều giá trị tuyệt vời.
Theo đó, đây là loại cây tự dưỡng, sinh sản vô tính theo cấp số nhân. Giống tảo này sinh trưởng chủ yếu trong đại dương và các hồ nước mặn ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới. Tuy nhiên, chúng cũng có thể sống trong môi trường nước ngọt.
Chia sẻ với VnBusiness về công dụng đặc biệt của loại thực phẩm này, chị Nguyễn Thị Dung - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tảo Việt cho biết, tảo xoắn có khả năng cung cấp tổng hợp những chất cần thiết cho cơ thể.
“Đơn cử như khi mình ăn rau, có loại bổ sung sắt, có loại bổ sung canxi, nhưng tảo lại bổ sung đồng thời tất cả các khoáng chất như sắt, canxi, kẽm... Cơ thể con người cần tới 18 axit amin, trong đó có 9 loại không thể tổng hợp được phải lấy từ bên ngoài. Những cây trồng khác, chỉ có thể lấy được từ 1 đến 2 loại axit amin, trong khi tảo xoắn lại có thể cung cấp đồng thời cả 9 loại axit amin mà cơ thể không thể tổng hợp được”, chị Dung cho hay.
Là một sản phẩm cực kỳ giàu dinh dưỡng, tảo xoắn Spirulina đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Bộ Y tế của nhiều quốc gia công nhận là nguồn thực phẩm sạch. Thêm vào đó, sản phẩm này còn được coi là giải pháp cho phòng và điều trị nhiều bệnh trong thế kỷ 21. Ngoài ra, quá trình nuôi tảo cũng giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí khi cung cấp ra môi trường một lượng lớn oxy.
Nghĩ lớn để thành công
Tuy là thực phẩm quý báu và giàu tiềm năng như vậy nhưng điều đáng buồn là ở Việt Nam, dường như tảo xoắn vẫn còn khá mới lạ đối với người tiêu dùng. Đến nay, số lượng các HTX hay doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tảo của người Việt mới chỉ… đếm trên đầu ngón tay.
Đặt vào bối cảnh ở năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 còn đang diễn biến căng thẳng, có thể thấy quyết định khởi nghiệp của vợ chồng anh Biên, chị Dung khi ấy chẳng khác nào đi trên “cầu độc mộc”.
Được biết, ban đầu 2 vợ chồng chỉ nuôi trồng thử trên diện tích nhỏ và chủ yếu phục vụ gia đình. Tuy nhiên sau khi nhận thấy sản phẩm được người thân, bạn bè dùng thử và ưa thích, chị Dung cùng chồng đã quyết định thành lập HTX Tảo Việt, đầu tư thêm thiết bị, máy móc và xây dựng nhà xưởng để mở rộng quy mô nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn. Xa hơn nữa là giúp người Việt Nam có thể dùng hàng Việt Nam, thay vì phải dùng sản phẩm tảo nhập khẩu từ Mỹ, Nhật với giá thành gấp nhiều lần trong khi chất lượng tương đương.
HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt đã và đang duy trì hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. |
Hiện nay, HTX bao gồm 7 thành viên, đều liên kết sản xuất tảo xoắn. Quy mô diện tích nuôi trồng lên đến 1.400 m2. Đến nay, HTX có thể tiến hành thu hoạch 1 lần/tháng, thời gian bắt đầu từ khi thả giống đến khi thu hoạch khoảng 20 ngày. Với tổng cộng 40 bể nuôi, mỗi bể có dung tích 10m3, tổng lượng tảo thu được có thể lên tới 400kg tươi/tháng.
Lượng tảo tươi này sẽ được dùng để sản xuất ra các sản phẩm tảo xoắn Spirulina tươi nguyên chất hoặc để dạng bột nhão và đem đi sấy lạnh. Theo chị Dung, sở dĩ phải sử dụng phương pháp sấy lạnh tiên tiến vì trong tảo có rất nhiều vitamin, nếu sấy nóng sẽ bị bay hơi lượng lớn dưỡng chất này.
Tảo sau khi được sấy lạnh sẽ được mang đi đóng gói ra các sản phẩm như tảo xoắn Spirulina nguyên chất dạng bột, tảo xoắn Spirulina nguyên chất dạng viên nén. Đặc biệt, với dạng viên nén 100% nguyên chất, HTX không dùng các chất kết dính hay chất phụ gia để ép thành viên.
Tất cả sản phẩm đều được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện test đầy đủ các chỉ số theo quy định của Bộ Y tế. Với mô hình sản xuất, chế biến tảo xoắn khép kín như hiện nay, HTX Tảo Việt giúp ngành nông nghiệp Ninh Bình có thêm một sản phẩm hàng hóa mới, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa thể hiện tính đặc trưng của địa phương.
Khởi nghiệp thành công từ 2 bàn tay trắng, đến nay HTX đã và đang duy trì hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Qua đó, giúp người dân địa phương đảm bảo kế sinh nhai và ổn định cuộc sống.
Giấc mơ đưa sản phẩm Việt “cất cánh” đến trời Âu
Tuy đã đạt được những kết quả khả quan và đưa các sản phẩm tảo ghi dấu ấn trên thị trường nhưng cũng như nhiều đơn vị khác trên cả nước, câu chuyện về vốn vẫn là “bài toán” nan giải nhất mà HTX chưa tìm được lời giải triệt để. Bà Nguyễn Thị Dung cho biết, sở dĩ HTX vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về vốn là bởi sản xuất tảo xoắn cần phải trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tốn rất nhiều chi phí.
“Thêm vào đó, chúng tôi cũng đang gặp phải một số khó khăn liên quan đến thương mại. Tảo xoắn là một sản phẩm mới, ở Việt Nam mới chỉ có vài đơn vị nuôi trồng. Để sản phẩm này trở nên phổ biến và tạo thành xu thế tiêu dùng trong xã hội, cần rất nhiều sự giúp sức, chung tay từ các cơ quan chức năng. HTX rất mong nhận được sự giúp đỡ từ quý cơ quan về hỗ trợ máy móc, thiết bị để có thể hoàn thiện chất lượng sản phẩm hơn nữa và nâng cao năng suất”, chị Dung bày tỏ.
Về đầu ra của sản phẩm, hiện HTX Tảo Việt vẫn duy trì hoạt động bán hàng theo cả 2 cách thức là bán trực tiếp và bán online. Tuy nhiên, nắm bắt xu thế thời đại mới với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ số, đơn vị cho biết đang đẩy mạnh công tác phủ sóng hình ảnh trên các nền tảng như tiktok, facebook,...
Chia sẻ về những dự định ấp ủ trong tương lai, chị Nguyễn Thị Dung cho biết HTX mong muốn có thể đưa sản phẩm của mình đến bày bán nhiều hơn trên các kệ hàng ở siêu thị lớn để tăng khả năng tiếp cận với người tiêu dùng nội địa.
Song song với đó, có thể mở rộng quy mô sản xuất bằng cách liên kết thêm với nhiều đơn vị sản xuất khác. Qua đó, đơn vị sẽ tạo ra được nhiều loại tảo hơn, sản phẩm cung ứng ra thị trường trở nên đa dạng hơn nữa.
“Làm được điều đó, HTX sẽ có thể xuất khẩu nguyên liệu sang thị trường châu Âu. HTX đã đạt được chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nên với các sản phẩm tảo hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu và tiêu thụ được ở trời Âu”, Phó Giám đốc HTX Tảo Việt cho hay.
Hà Trang – Nguyễn Hòa