Dù sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp với hoạt động du lịch, mời gọi những người có tầm ảnh hưởng hỗ trợ livestream và giá sản phẩm có tăng lên nhưng bí xanh thơm Ba Bể của HTX Yến Dương (Bắc Kạn) vẫn chưa được tiêu thụ triệt để vì sản lượng lớn. Chính vì vậy, các thành viên đang tích cực tìm kiếm các mối hàng, các đơn vị hỗ trợ chế biến, sấy... để giải quyết đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của địa phương một cách tốt hơn nữa.
Lung lay với sản xuất hữu cơ
HTX Yến Dương chỉ là một ví dụ nhỏ vì các thành viên vẫn kiên định với sản xuất hữu cơ. Nhưng không ít HTX khác cũng như không ít hộ dân lại đang có tâm lý không tích cực với mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Ông Phạm văn Thành, Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Phú (Hà Nội), cho biết mặc dù gạo hữu cơ được bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn chưa ổn định do việc ký hợp đồng bao tiêu giữa nông dân, thành viên với doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn.
Có lẽ, đầu ra là một trong những vấn đề khiến nhiều nông dân, thành viên HTX không còn mặn mà với nông nghiệp hữu cơ, chuyển qua phương thức sản xuất và canh tác thông thường. Bởi họ lo ngại rằng nếu tiếp tục sản xuất hữu cơ thì rất khó hoặc không thể cạnh tranh được về giá với sản phẩm không phải hữu cơ do người tiêu dùng chưa mấy quan tâm đến những dòng sản phẩm này.
Bên cạnh đó, chi phí mà các thành viên phải bỏ ra để sản xuất nông sản hữu cơ cao gấp nhiều lần sản xuất thông thường nhưng nhiều HTX vẫn phải bán giá thấp vì sự nhập nhèm của thị trường, từ đó dẫn tới người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm hữu cơ và ko sẵn sàng trả giá cao.
Ông Nguyễn Thế Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (Đắk Nông), cho biết sản xuất tiêu hữu cơ vất vả và tốn chi phí hơn so với sản xuất thông thường. Do không được dùng thuốc diệt cỏ nên thành viên phải cắt cỏ thủ công. Tính trung bình, tiền công cắt cỏ trên 1ha cũng cao hơn tiền sử dụng thuốc diệt cỏ 4 - 5 lần.
Không chỉ dừng lại ở đó, vấn đề quản lý về dán nhãn hữu cơ hiện cũng chưa thực sự nghiêm túc khiến người nông dân, thành viên HTX làm hữu cơ chân chính đang phải chịu sự không công bằng khi những sản phẩm không phải hữu cơ vô tư dán nhãn hữu cơ hoặc không rõ ràng trong thành phần, từ đó khiến người tiêu dùng khó khăn trong tiếp cận sản phẩm hữu cơ.
Chẳng hạn, khi sản phẩm đã được dán nhãn, chứng nhận hữu cơ thì tất cả quy trình, nguyên liệu sản xuất đều phải là hữu cơ. Vậy nhưng nhiều sản phẩm hiện vẫn mập mờ trong thành phần, không làm đúng theo quy định pháp luật dù sử dụng nguyên liệu biến đổi gen.
Theo quy định, từ tháng 1/2016, các đơn vị sản xuất nếu sử dụng nguyên liệu biến đổi gen thì khi dán nhãn phải ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng việt trên bao bì các loại thực phẩm biến đổi gen. Như vậy, các loại nông sản, thực phẩm có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen trên 5% tổng nguyên liệu đều phải ghi rõ điều này trên nhãn sản phẩm.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu áp dụng quy định này thì có đến 99% các sản phẩm nước tương của Việt Nam, 99% sản phẩm sữa đậu nành, 100% dầu ăn được chiết xuất từ đậu nành, 99% tàu hũ ky, đậu phụ đều phải ghi nhãn biến đổi gen-GMO. Nhưng thực tế thì ngay các nhà sản xuất lớn sản xuất các sản phẩm này cũng không làm điều này.
“Luật ban ra mà chẳng ai thực hiện. Ngay cả những ông lớn trong ngành sản xuất thực phẩm còn không làm gương thì các đơn vị sản xuất nhỏ như nông hộ, HTX làm sao cạnh tranh nổi”, bà Nguyễn Thu Liên, Hiệp Hội thực phẩm Minh bạch-AFT, chia sẻ.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi sự đầu tư lớn về nhiều mặt. |
Trước vô vàn khó khăn, không ít người làm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đã nản, thay đổi suy nghĩ trong canh tác, sản xuất. Thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, Việt Nam từng có 269 HTX, doanh nghiệp Việt lấy chứng nhận hữu cơ USDA (Hoa Kỳ) nhưng hiện chỉ còn khoảng 160 đơn vị duy trì chứng nhận này. Điều này được lý giải một phần là do chi phí sản xuất, chi phí duy trì chứng nhận quá lớn nên doanh nghiệp, HTX không hoặc rất khó cân đối được hiệu quả kinh tế.
Để nông nghiệp hữu cơ không lỡ dở
Theo các HTX làm nông nghiệp hữu cơ, nếu không duy trì chứng nhận thì khi bán sản phẩm, khi làm việc với đối tác, nhất là các nhà phân phối sẽ không tạo được độ tin cậy. Thậm chí, nếu không có chứng nhận sẽ bị người tiêu dùng so sánh với sản phẩm khác và không khẳng định được chất lượng trên thị trường. Nhưng khi đã có chứng nhận sản xuất hữu cơ rồi thì vấn đề đặt ra là HTX cần có kinh phí để duy trì. Trong khi để duy trì được thì khá tốn kém mà đôi khi, có chứng nhận rồi cũng không nhiều ý nghĩa khiến nhiều thành viên, HTX không còn hứng thú.
Có thể thấy, sau đại dịch và ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới, nông dân, HTX và cả doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước nhiều thách thức. Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay khiến giá cả, chi phí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ tăng vọt. Nền kinh tế khó khăn đẩy ngành nông nghiệp hữu cơ vào thế khó. Nếu không hóa giải được những điều này, sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ dần bị thu hẹp, co cụm lại. Trong khi xét cho cùng, nông nghiệp hữu cơ vẫn là hướng đi hợp xu hướng và bền vững nhất hiện nay dù hình thức sản xuất này là không bắt buộc đối với nông dân, HTX, doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, một điều khó khăn trong sản xuất hữu cơ chính là chi phí sản xuất cao đẩy giá bán sản phẩm cao. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng, làm giả sản phẩm hữu cơ, từ đó dẫn tới tình trạng thị trường không minh bạch.
Phải chăng để hóa giải được vấn đề này, cần có sự ưu tiên cho cơ sở sản xuất hữu cơ được hưởng các chính sách đã ban hành và có chính sách đặc thù đối với hộ nông dân, HTX. Bởi để nông sản đạt chuẩn hữu cơ cần rất nhiều sự đầu tư cả về tri thức lẫn nguồn vốn, trong khi người dân, HTX là những đơn vị trực tiếp sản xuất nhưng lại khó khăn về những điều này.
Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ rất thân thiện với môi trường. Nhà nước nên chính thức có văn bản pháp luật chấp thuận sản phẩm hữu cơ có chứng nhận sẽ được gắn Nhãn xanh Việt Nam mà không cần thủ tục xét duyệt nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo Luật bảo vệ môi trường thay vì chỉ “khuyến khích” như hiện nay.
Bởi xét cho cùng, một khi đã đầu tư cho sản xuất hữu cơ, không chỉ cần HTX có chi phí, mà cần được hỗ trợ cả về thị trường, chứng nhận, minh bạch trong phân phối, tiêu thụ... Trong khi sức lực của các HTX cũng có hạn. Nhiều HTX sợ rằng những đòi hỏi khắt khe của quá trình làm nông nghiệp hữu cơ nhưng đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, nhiều người tiêu dùng dè bỉu mà nhiều người dễ thu hẹp hoặc bỏ sản xuất theo hướng này thì vừa khiến ngành nông nghiệp gặp lực cản trong phát triển bền vững, vừa uổng phí công sức của các thành viên HTX, nông dân đã gắn bó nhiều năm.
Huyền Trang