Tại vùng trồng rau an toàn xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), trên khắp cánh đồng trải rộng một màu xanh. Các chất thải đều được để đúng nơi quy định để tiến hành xử lý, không còn cảnh những chiếc túi nilon bay phất phơ hay vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên đồng ruộng. Kênh mương được khơi thông sạch sẽ, nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao rõ nét.
Xanh đồng, sạch ruộng
Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên) Nguyễn Văn Hào cho biết, HTX có khoảng 500 hộ thành viên tham gia trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích hơn 33ha. Tham gia trồng rau an toàn, các thành viên trong HTX sử dụng phân bón vi sinh tạo độ tơi xốp cho đất.
Nhiều HTX ở Thủ đô luôn chú trọng vấn đề sản xuất đi đôi với BVMT nhằm phát triển bền vững. |
Để hạn chế sâu bệnh, bà con còn phun các chế phẩm gừng, ớt, tỏi ngâm rượu hoặc các loại thuốc sinh học được phép sử dụng.
Do thâm canh tốt nên mỗi năm, các thành viên có thể sản xuất được 7 vụ. Mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 12 - 15 tấn rau các loại thông qua một số công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, HTX còn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà lưới trên diện tích 2,5ha, giúp HTX có được chỗ đứng trên thị trường, nhờ chất lượng sản phẩm được khẳng định.
Với mô hình sản xuất lớn, HTX luôn chú trọng vấn đề sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
“Nhiều năm qua, để nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, HTX đã thường xuyên kết hợp với Hội Nông dân huyện Hoài Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hộ thành viên, người dân về công tác bảo vệ môi trường, gắn sản xuất kinh doanh với công tác bảo vệ môi trường, tích cực động viên thành viên tăng gia sản xuất để đạt sản lượng cao, cung cấp cho thị trường những loại rau sạch, đảm bảo chất lượng”, Giám đốc Nguyễn Văn Hào cho hay.
Không chỉ tại Hoài Đức, ở nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã và đang xuất hiện nhiều "mô hình xanh" do các HTX xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp, nâng cao đời sống cho người dân ở các vùng quê ngoại thành.
Tiêu biểu phải kể đến các mô hình "Tuyến đường cùng HTX tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp", "HTX đồng hành xây dựng tuyến đường kiểu mẫu", “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh”, "Cánh đồng sạch, cánh đồng không đốt rơm rạ", "Trồng rau hữu cơ, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học"…
Song song đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm và các yếu tố môi trường, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo các HTX hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại.
Phủ màu xanh đến tận ngõ, xóm
Mặt khác, Sở cũng đã vận động HTX tăng cường sử dụng thay thế bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, đồng thời khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào, chủ động tưới tiêu, nhiệt độ, ánh sáng để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn sức khỏe.
Với sự tham gia tích cực của các HTX về bảo vệ môi trường đã nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo nên những vùng quê đáng sống. |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương chia sẻ, để thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, Sở cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn các HTX chăm sóc, bổ sung chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng để cây trồng khỏe mạnh, kháng được các loại sâu bệnh. Nhờ đó, số lượng thuốc bảo vệ thực vật mà Hà Nội sử dụng những năm qua luôn đứng ở nhóm thấp nhất so các tỉnh, thành phố của cả nước.
“Ngoài ra, ngành nông nghiệp Thủ đô cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”, ông Phương nói.
Ở huyện Thường Tín, mô hình HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân đã có cách làm mới, vừa giữ được nghề truyền thống, vừa có mô hình mới để phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xanh hóa môi trường tại địa phương.
Việc sản xuất nông nghiệp chuyên canh trồng hoa và cây cảnh đã tạo ra một phần cảnh quan môi trường đến tận ngõ, xóm trên địa bàn xã.
Quy trình sản xuất theo mô hình trồng hoa, cây cảnh, nuôi thả cá, trồng rau an toàn, đầu tư dịch vụ xe điện du lịch đưa đón du khách tham quan từ mô hình này đến mô hình khác... đã giúp các thành viên trong HTX liên kết, hoạt động theo chuỗi.
Ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch HĐQT HTX chia sẻ, cùng với quy hoạch sản xuất hoa cây cảnh gắn với du lịch cộng đồng đã tạo một diện mạo xanh, sạch đẹp cho miền quê này.
Sự hoạt động hiệu quả của HTX đã cho thấy, nếu người nông dân biết cùng nhau liên kết, tập hợp nhau lại cùng tổ chức sản xuất, phân công lao động thì ở đó sẽ có một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa xanh, chuyên canh bền vững, từ đó có thể làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.
Ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định, sản xuất xanh, sạch có vai trò vô cùng quan trong sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng đang là xu hướng tất yếu của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Hiện, đã có nhiều mô hình sản xuất xanh ở quy mô cấp độ khác nhau được triển khai ở nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô. Nhiều phương pháp sản xuất khoa học đã mang lại giá trị gia tăng cho thành viên HTX.
“Bên cạnh những hành động thực tiễn của một số HTX và người dân, tôi cho rằng rất cần các giải pháp từ hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách phù hợp. Có như vậy, quá trình thực hiện sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân, HTX mới hiệu quả, dễ nhân rộng”, ông Cường nói.
Kim Yến