Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Cần cơ chế quyết liệt
Chỉ thị số 08/CT-TTg yêu cầu Bộ KH&CN chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, HTX nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Các bộ ngành khẩn chương hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao và nhiều cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân vùng ĐBSCL, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng thời, Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai theo hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp. Tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Thực tế, trong thời gian qua, vùng ĐBSCL với sự hiện diện và đóng góp của hàng loạt HTX điển hình đã có những bước tiến tích cực trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình cánh đồng lớn.
Điển hình, Đồng Tháp là tỉnh thuần nông với sản lượng lúa đứng tốp đầu ở ĐBSCL, tuy nhiên đời sống nông dân vẫn rất bấp bênh bởi liên tục "được mùa, mất giá" và ngược lại.
Thấy được lợi ích của sản xuất tập trung có thể mang lại chuỗi giá trị mới cho ngành nông nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều cánh đồng lớn hiện đại, nhờ đó trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất của người nông dân, thành viên trong các HTX được nâng cao, năng suất, chất lượng cây trồng gia tăng, môi trường sinh thái được đảm bảo.
Cần thêm các cơ chế, chính sách đặc thù, quyết liệt hơn để nông nghiệp, HTX vùng ĐBSCL bứt phá. |
Đơn cử, HTX Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” của tỉnh Đồng Tháp. Mô hình cánh đồng liên kết được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.
Theo thống kê, đến nay, trên 90% diện tích cánh đồng của HTX đã áp dụng phương pháp sạ hàng thủ công và sạ hàng bằng máy, giúp nông dân tiết kiệm 60kg lúa giống/ha/vụ, đồng thời lượng phân bón giảm 15 kg/ha. Các khâu làm đất, tưới tiêu và thu hoạch của HTX cũng được cơ giới hóa hoàn toàn.
Liên kết để mạnh hơn
Giám đốc HTX Thắng Lợi Nguyễn Văn Hùng cho biết thực hiện cánh đồng lớn, cán bộ kỹ thuật luôn bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân cặn kẽ việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao, dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo nguyên tắc “bốn đúng” (đúng liều, đúng loại, đúng cách, đúng thời gian).
“Sản xuất hiện đại giúp HTX tiết kiệm 250 - 400 đồng/kg lúa thương phẩm, chênh lệch lợi nhuận vào khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất cũ. Đặc biệt, nông dân không còn lo đầu ra vì được doanh nghiệp liên kết bảo đảm bao tiêu sản phẩm xuất khẩu”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng giống như ở Đồng Tháp, các cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng đang cho thấy ưu điểm vượt trội. Toàn tỉnh có hàng nghìn cánh đồng lớn cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, các HTX vẫn là những “lá cờ đầu”.
Điển hình, HTX nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (xã Nam Thái Sơn) đang là đơn vị tiên phong trong phát triển sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia tăng lợi ích kinh tế cho hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện Hòn Đất.
Ông Lê Tấn Đức, Giám đốc HTX nông nghiệp Vinacam Hòn Đất, cho biết trong bối cảnh hội nhập, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, người nông dân bắt buộc phải thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất lớn.
Những năm qua, HTX đã tích cực vận động, thu hút các hộ dân trên địa bàn tham gia vào chuỗi sản xuất, đồng bộ hóa quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường. 100% nông dân vào HTX nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, áp dụng tốt kỹ thuật canh tác "1 phải, 5 giảm", từ đó tăng giá trị sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm, thoái hóa đất đai.
Hiệu quả thiết thực của cánh đồng lớn là rất rõ ràng, tuy nhiên không phải ở địa phương nào ở ĐBSCL cũng có điều kiện để phát triển hiệu quả mô hình này. Thậm chí ở nhiều mô hình, người nông dân vẫn phải tự liên hệ độc lập với thương lái, bài toán thị trường càng trở nên nan giải.
Theo đó, Chỉ thị số 08/CT-TTg chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT đào tạo nghề nâng cao chất lượng nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; thu hút lao động tay nghề cao về làm việc tại vùng ĐBSCL.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu để có chính sách đủ mạnh, ưu đãi, hỗ trợ tín dụng cho HTX, DN nhỏ và vừa, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái; tăng quy mô cho vay, giảm thủ tục vay.
Chỉ thị cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phối hợp với Bộ NN&PTNT và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL…
Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ rõ ràng là cơ hội không thể bỏ qua của các HTX nói riêng và ngành nông nghiệp ĐBSCL nói chung. Để tận dụng tốt, các HTX, nông dân cần thay đổi tư duy, sản xuất theo đúng quy trình, tiếp cận xu hướng tiêu dùng xanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Nhật Minh