Để hạn chế những khó khăn, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bản thân các HTX nông nghiệp phải cùng hợp tác lại để tạo nên sức mạnh, đồng thời mạnh dạn ứng dụng nền tảng số và truyền thông xã hội trong bối cảnh hiện nay để hướng tới mục tiêu mong muốn đạt được, đồng thời mở ra những cơ hội vượt qua thách thức và hướng tới những thành công hơn.
Đây là chia sẻ của nhiều đại biểu, chuyên gia quốc tế tham dự cuộc họp trực tuyến về vai trò của HTX nông nghiệp hậu đại dịch Covid-19 do Tổ chức HTX nông nghiệp quốc tế (ICAO) tổ chức.
Toàn thế giới ảnh hưởng bởi Covid-19
Không chỉ ở riêng Việt Nam, mà đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các hoạt động sản xuất xuất của tất cả các HTX nông nghiệp trên toàn thế giới.
Ông Brady Giulherme, Trưởng phòng trang trại gia đình và đối tác - Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) chia sẻ: Hiện nay, khủng hoảng đang diễn ra ở hầu khắp các nước trên thế giới do những tác động của Covid-19, trong đó nhiều HTX nông nghiệp đã ngắt quãng và đình trệ sản xuất, nhất là các chuỗi cung ứng hiện nay.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn giúp các HTX nông nghiệp từng bước vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19 (Ảnh: TL) |
Nêu ví dụ như ở Ecuado, ông Brady Giulherme cho biết, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ và cùng đồng hành với người dân, HTX thì bản thân các HTX đã tự cứu mình bằng cách thắt chặt chi tiêu để đối mặt với những thách thức, khó khăn. Đặc biệt, nhiều HTX đã có nhiều sáng kiến trong cung cấp dịch vụ tuy không mới những cũng mở ra hướng tháo gỡ như cung cấp dịch vụ tại nhà, bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội, bán hàng online...
Bên cạnh đó, FAO đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ cho người nghèo để hạn chế những khó khăn trước mắt. Việc mua sắm, đầu tư công cũng đã tính đến việc hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp để cung cấp đầu vào và giảm thuế, phí giúp người dân, HTX nông nghiệp giảm bớt khó khăn trong các chi phí của họ.
“Làm sao duy trì để không ai bị bỏ rơi, không bị đứt gãy chuỗi giá trị sau đại dịch Covid-19 là vấn đề rất được FAO rất quan tâm. Do vậy, các HTX cần phải đem lại lợi ích cho người dân và xây dựng lại chu trình sản xuất mới. Yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết và chúng ta phải thay đổi một cách tích cực để hướng tới việc đảm bảo hàng hóa chất lượng, chi phí thấp, đáp ứng yêu cầu và đảm bảo giá trị đem lại cho người dân”, ông Brady Giulherme nhấn mạnh.
Vượt qua khó khăn từ nguồn lực và khoa học
Theo TS. Roberto Rodrigues, nguyên Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Braxin và nguyên Chủ tịch Liên minh HTX quốc tế, ở Braxin, HTX đóng vai trò quan trọng trong vượt qua các khủng hoảng từ thế kỷ 19. Họ cũng có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 năm 2020. Nhờ vậy mà sản xuất, kinh doanh của các HTX nông nghiệp tại Braxin vẫn tăng hơn 10% so với cùng thời điểm năm 2019.
Cụ thể, năm 2019, sản lượng đậu nành đạt 21 tỷ USD, nhưng đến hết tháng 7/2020 đã tăng lên 27 tỷ USD; đường tăng từ 3,1 tỷ USD lên 4,7 tỷ USD, trong khi hoa quả cũng vẫn gia tăng trung bình từ 10-15%. Thách thức dù rất lớn nhưng các HTX nông nghiệp vẫn ngoạn mục vượt qua.
Việc áp dụng bán hàng trên nền tảng số và truyền thông xã hội phần nào giúp các HTX nông nghiệp vượt qua khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh (Ảnh: TL) |
Lý giải việc các HTX nông nghiệp vẫn tăng trưởng so với năm trước, ông Roberto Rodrigues phân tích: Có 3 lý do chính để tăng năng suất và hiệu quả, đó là: Các HTX nông nghiệp có nguồn lực đất đai lớn; khả năng thích ứng cũng như áp dụng công nghệ vào sản xuất ngày càng nhiều. Chỉ tính trong 10 năm 2009-2019, sản xuất nông nghiệp ở Braxin đã tăng 338%. Mức tăng trưởng rất lớn này đã chứng minh vai trò của việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
“Các HTX nông nghiệp và số lượng thành viên của các HTX nông nghiệp ở Bzaxin cũng gia tăng hơn 6,2% trong những năm qua, đã tạo việc làm cho người lao động vùng nông thôn. Tạo ra những người nông dân lớn (“Big famer”) và nhất là sự tham gia của giới trẻ vào các HTX, đồng thời tích cực áp dụng khoa học công nghệ, từ đó đưa các HTX đến các hành trình mới trong việc đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo an toàn vệ sinh và phát triển bền vững”, ông Roberto Rodrigues nói.
Theo Giáo sư Bulent Bulcubuk, Khoa Kinh tế nông nghiệp trường đại học Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, Covid-19 đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trên toàn thế giới. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nông nghiệp là một trong những ngành sản xuất chính, chiếm 18% cư dân, tương đương 3 triệu người tham gia. Thổ Nhĩ Kỳ có 67 nghìn HTX với với gần 10 nghìn HTX nông nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn này, các HTX phải hướng đến nông dân điện tử, nông nghiệp điện tử, đảm bảo việc vận chuyển cần được cải thiện, đảm bảo kho tàng, bến bãi để lưu trữ nông sản. Đặc biệt phải tăng cường hợp tác, phối hợp, nhìn nhận được tầm quan trọng của HTX mà hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận và hiểu một cách đầy đủ. Bản thân HTX cũng giúp điền đầy những “khoảng trống” mà Chính phủ chưa thể với tới được”, ông Bulent Bulcubuk nói.
Bổ sung thêm về nội dung này, ông Tarun Bhargava, Phó Tổng giám đốc Liên đoàn HTX phân bón Ấn Độ cho biết, các HTX nông nghiệp cần ứng dụng trên nền tảng số để sử dụng nền tảng truyền thông xã hội nhằm cung cấp hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp, đồng thời xây dựng và hỗ trợ kỹ năng cho các HTX nông nghiệp và người lao động để khuyến khích họ tham gia. Đào tạo khoa hoc công nghệ cho nông dân để họ thay đổi. Có như vậy mới có thể giúp các HTX nông nghiệp trên toàn thế giới vượt qua khó khăn dù bất cứ dịch bệnh nào xảy ra”.
Phạm Duy