Những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam đã có nhiều chương trình nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX nông nghiệp để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống của người dân.
Nhọc nhằn trên vùng đồi dốc
Việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao hệ thống IoT tích hợp điều khiển tưới, bón phân tự động cho HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình được Liên minh HTX Việt Nam giao cho trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật trung ương triển khai thực hiện là một ví dụ điển hình.
Cán bộ dự án và HTX Mường Động khảo sát dánh giá thực trạng của cây thanh long để lắp đặt hệ thống tưới và bón phân tự động. |
Giám đốc HTX Mường Động, ông Nguyễn Trung Huân cho biết, HTX hiện có 28 thành viên tại 4 xã Tú Sơn, Bình Sơn, Vĩnh Tiến, Đú Sáng. Với diện tích sản xuất 112 ha, trong đó tập trung chủ yếu là trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi… Ngoài ra, HTX còn nhân và chăm sóc giống cây nông nghiệp; trồng rau các loại; trồng cây dược liệu; hoạt động dịch vụ trồng trọt, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Đặc biệt, để hạn chế rủi ro do “được mùa mất giá, được giá mất mùa” từ việc độc canh cây có múi, mới đây HTX đã đa dạng hóa trong sản xuất bằng việc trồng 20 ha cây thanh long.
Diện tích sản xuất lớn, nhưng những năm qua, thành viên của HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đảm bảo chất lượng của nông sản, HTX hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng bón phân, tưới nước bằng hệ thống tưới nước thông thường.
Cũng theo ông Huân, với diện tích rộng lớn, địa hình đồi núi phức tạp, nguồn nước tưới xa, HTX rất vất vả trong quá trình tưới và bón phân cho cây, đồng thời tốn nhiều chi phí thuê khoán tưới và bón phân cho cây nhưng hiệu quả mang lại không cao.
“Do đặc điểm khí hậu khu vực khiến cho độ ẩm đất thay đổi mạnh giữa mùa mưa và mùa khô. Bằng mắt thường quan sát không chính xác dẫn đến vườn thì thiếu nước, có vườn thì thừa nước, nhất là khi nắng nóng. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Mặc dù đã áp dụng quy trình tưới và bón phân riêng, nhưng quá trình tưới đã phần nào rửa trôi phân bón tưới trước, gây lãng phí lớn”, ông Huân nói.
Nâng cao hiệu quả sản xuất từ IoT
Trước thực tế sản xuất của HTX Mường Động, từ cuối năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam đã giao cho Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật triển khai việc nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao hệ thống IoT tích hợp điều khiển tưới, bón phân tự động cho HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động.
Được sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng đoàn, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam, từ đầu năm đến nay, trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật trung ương đã khảo sát thực tế việc trồng cây thanh long, các phương pháp tưới nước, bón phân cho cây của HTX Mường Động để đánh giá thực trạng, hỗ trợ triển khai áp dụng việc tưới, bón phân tự động được hiệu quả.
Cán bộ chương trình khảo sát thực tế để xây dựng hệ thống tưới và bón phân tự động cho HTX Mường Động. |
Theo ông Nguyễn Danh Hùng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật trung ương, dự án này ban đầu triển khai hỗ trợ áp dụng cho 4.000m2 cây thanh long của HTX Mường Động, sau đó sẽ có đánh giá hiệu quả cũng như hạn chế, khắc phục và tiếp tục triển khai, hỗ trợ nhân rộng ra nhiều HTX sản xuất nông nghiệp khác.
Ông Nguyễn Trung Huân, Giám đốc HTX Mường Động cho biết thêm, việc hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam sẽ tạo điều kiện giúp cho thành viên HTX tiết kiệm được 30% chi phí phân bón, công lao động. Điều quan trọng hơn là giúp nông dân nâng cao mật độ canh tác, tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản.
Qua khảo sát, đánh giá thực trạng của HTX Mường Động cho thấy, diện tích đất sản xuất đồi dốc nên phương pháp tưới nhỏ giọt mặc dù tiết kiệm nước nhưng hiệu quả không cao. Còn việc tưới theo phương pháp truyền thống vừa tốn nhân công, vừa dễ bị rửa trôi phân bón trước đó và tốn chi phí vì đầu tư hệ thống đường ống quá nhiều.
Vườn thanh long trên vùng đồi núi của HTX Mường Động. |
Điều đáng nói là việc áp dụng hai phương pháp tưới này đều không phát huy hết hiệu quả cũng như đánh giá một cách đầy đủ, chính xác độ ẩm để điều chỉnh việc tưới nước cho phù hợp giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt cũng như cho năng suất cao. Trong khi đó, ưu điểm của việc đầu tư hệ thống bằng công nghệ IoT sẽ nhân hiệu quả lên nhiều, tiết kiệm nhân công, phân bón và các chi phí khác.
Cụ thể là xây dựng hệ thống bể chứa nước và phân hữu cơ có độ cao chênh là 12m để tạo áp lực giữa các bể, sau đó hòa lỏng dung dịch rồi cho chảy sang bể lọc để chắt nước trong có chứa phân bón và nước. Quá trình lấy nước, phân tưới cho cây cần sử dụng chõ hút và lọc cặn bã để tránh tắc đường ống. Sau đó là hệ thống tự động đo độ ẩm của đất, đánh giá nhu cầu nước tưới của cây và hệ thống van ngắt tự động kết nối với hệ thống máy tính, điện thoại thông minh để kiểm soát, điều chỉnh tưới cho cây.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Việc áp dụng hệ thống tưới tự động IoT sẽ giúp tiết kiệm nguồn nước, giảm nhân công, giảm phân bón, giảm sự bạc màu, rửa trôi của đất nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho cây và nâng cao hiệu quả, chất lượng, hiệu quả của vườn cây”.
Trên thực tế, việc áp dụng IoT vào các HTX ở Việt Nam chưa nhiều, lý do như đã nói là vấn đề kinh phí, nhưng qua thực tế áp dụng mà Liên minh HTX Việt Nam đang thử nghiệm tại HTX Mường Động cho thấy kinh phí không quá cao mà hiệu quả lại rõ ràng. Trong khi đó, khi áp dụng IoT, người nông dân có thể giao tiếp với nông trại của mình thông qua các thiết bị thông minh. Đây là điều còn nhiều bỡ ngỡ đối với đa số nông dân do thay đổi cách thức canh tác, bỡ ngỡ với công nghệ trong ứng dụng vào nông nghiệp.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng có một điều chắc chắn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất ở các HTX nông nghiệp sẽ tạo cơ hội lớn cho các hộ nông dân trở thành một doanh nghiệp có năng suất và giá trị vượt trội cùng với chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Phạm Duy