HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương đi đầu ở TP Hà Nội về trồng hoa công nghệ cao (Ảnh: TL) |
Tại hội thảo: Nghiên cứu, phát triển công nghệ hỗ trợ ứng dụng một số HTX trồng trọt, tổ chức tại Hà Nội, Ts Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế của toàn cầu nhằm sản xuất ra những sản phẩm nông sản có chất lượng cao, có giá trị gia tăng nhằm hướng tới sản xuất xanh, bảo vệ môi trường.
Công nghệ cao cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao
Nắm bắt được ưu điểm cũng như thế mạnh của mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mà thời gian qua, Liên hiệp HTX cam Cao Phong (Hòa Bình) đã áp dụng triệt để xu hướng này trong trồng cam. Bốn HTX trong liên hiệp gồm HTX Hà Phong, HTX Nông nghiệp Số, HTX Nông nghiệp dịch vụ Ánh Xuân, HTX Nông nghiệp dịch vụ Phúc Linh cũng hỗ trợ nhau sản xuất dựa trên thế mạnh của mỗi HTX.
Liên hiệp HTX cam Cao Phong chú trọng đầu tư theo hướng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xuất khẩu (Ảnh: TL) |
Liên hiệp HTX sở hữu 500 ha cam, quýt và thực hiện sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp với bón phân hữu cơ từ cá tép, ngô, đậu nành đã cho ra những sản phẩm có chất lượng hàng đầu cung cấp cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, HTX còn đầu tư kho lạnh, dán tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng website, khu du lịch sinh thái để thu hút khách hàng cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mục tiêu không xa, những sản phẩm từ cam như nước cam vắt, mứt vỏ cam... sẽ được HTX cho ra đời.
Một trường hợp khác là HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) đã đầu tư xây dựng khu nhà kính rộng khoảng 7000m2 có hệ thống quạt thông gió, phun tưới tự động để trồng hoa lan, hoa hồ điệp, ngoài ra còn có 3000 m2 nhà lưới phục vụ trồng hoa đồng tiền, hoa ly…
Nhờ đầu tư đồng bộ và bài bản, mỗi năm HTX này cung cấp cho thị trường trung bình 30.000 cây lan, 60.000 cây hoa ly, doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Năm, Giám đốc HTX Thụy Hương cho biết, đây là hướng đi hoàn toàn hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thị trường về dòng hoa cao cấp, đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương khi diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần.
Nhìn chung, các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đều mang lại hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân, các HTX chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, tiết kiệm các chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng công nghệ cao trong trồng và chế biến sản phẩm, có những HTX trồng rau, hoa công nghệ cao trong nhà lưới ở Hà Nội, Lâm Đồng, Tp Hồ Chí Minh đã cho doanh thu đạt 120-160 triệu đồng/ha, cao gấp 2 – 3 lần canh tác theo lối truyền thống. Điển hình như HTX Hoa lan Huyền Thoại (Tp. Hồ Chí Minh) áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ tự động hóa đã kiểm soát được thời điểm thu hoạch hoa lan xuất khẩu, từ đó thu lãi khoảng 1,3 tỷ đồng/năm...
Xu thế tất yếu
TS. Nguyễn Thị Hòa, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, người triển khai các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ hỗ trợ ứng dụng một số HTX trồng trọt cho rằng dưới sự bảo trợ của Liên minh HTX Việt Nam đã có một số HTX nông nghiệp có cơ hội tiếp cận quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất cũng như giảm rủi ro phụ thuộc vào thời tiết.
“Khi các HTX đi vào sản xuất theo mô hình công nghệ cao sẽ giúp bảo đảm được truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người sản xuất”, TS. Hòa nói.
Theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay, trên cả nước có hơn 12.000 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 199 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Trong số những HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có 164 HTX (chiếm hơn 82,4%) áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; 34 HTX (chiếm 17%) ứng dụng công nghệ tự động hóa và công nghệ sinh học, còn lại là các HTX sử dụng công nghệ cao trong sản xuất vật tư nông nghiệp.
Việc ứng dụng đồng thời các công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng rau khí canh, sử dụng nhà kính kết hợp phun tưới tự động… để sản xuất giống cây trồng, rau, trái cây, hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa và nuôi trồng thủy sản hay chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sẽ mang lại những lợi ích kinh tế xã hội lớn so với lối sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Qua thực tế, mô hình sản xuất này giúp tiết kiệm đất, nước, rất phù hợp với những địa phương đang bị thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cũng như những địa phương đang phải chịu hạn hán, hạn mặn, đặc biệt là ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù vẫn còn gặp một số boăn khoăn của người dân trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp do chi phí đầu tư có thể lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng (tùy vào diện tích của mỗi mô hình) hay đầu tư nhà kính gây ô nhiễm môi trường, làm tăng lượng bức xạ mặt trời. Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất của các HTX kể trên cho thấy, việc đầu tư cho công nghệ cao là hoàn toàn xứng đáng và phù hợp và trên thực tế đã chứng minh điều này là tất yếu nếu các HTX muốn phát triển nhanh và bền vững.
Cũng phải nói thêm, hiệu quả từ sự chuyển đổi sản xuất sang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp mà những HTX trên đạt được đang dần cụ thể hóa Chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thông qua Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch cũng như Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả giai đoạn 2017-2020, trong đó có ít nhất 10% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đây, không chỉ tư duy sản xuất của người dân, HTX thay đổi mà chất lượng nông sản Việt cũng được nâng tầm.
Như Yến