Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc tiếp xúc với ông Shinichi Yamanaka - Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây là lần thứ hai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm tổ chức này, và bày tỏ sự ấn tượng với tinh thần “Omoiyari”.
Chủ động vượt khó
"Tôi đứng ở đó và hình dung làng quê này làm thế nào để phát triển, xây dựng và quảng bá sản phẩm. Nước Nhật đã làm thế nào để có thể tự lực, tự cường phát triển. Từ đó, tôi suy nghĩ làm sao có thể phát triển sâu rộng hơn chương trình OCOP ở Việt Nam, phát triển các HTX nông nghiệp hơn nữa".
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
Omoiyari là một từ kết hợp của omou và yaru. Omou nghĩa là suy nghĩ hoặc cảm nhận, được sử dụng trong nhiều tình huống, từ bày tỏ ý kiến đến tưởng nhớ những người đã khuất. Trong khi đó, yaru nghĩa là làm, cho đi hoặc đảm đương. Chính động từ này đã khiến Omoiyari trở thành một từ của sự hào hiệp và cảm thông, được miêu tả trong cuốn sách cùng tên của Fukuzawa Yukichi, và được Bộ trưởng Lê Minh Hoan truyền cảm hứng đến nhiều cán bộ quản lý HTX ở Việt Nam về tinh thần, suy nghĩ trong xây dựng của đất nước của người Nhật Bản.
“Tôi có một số người bạn JICA kể từ khi còn làm việc ở Đồng Tháp và ấn tượng sâu đậm về JICA cũng như con người Nhật Bản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bộc bạch.
Trong buổi gặp lãnh đạo JICA, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam kể lại kỷ niệm trong những lần đến thăm các HTX của Nhật Bản, thăm tỉnh Oita là nơi bắt đầu phong trào “Nhất thôn – Nhất phẩm”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà là sản phẩm OCOP của Việt Nam cho Phó Chủ tịch JICA - Shinichi Yamanaka. |
“Tôi đứng ở đó và hình dung làng quê này làm thế nào để phát triển, xây dựng và quảng bá sản phẩm. Nước Nhật đã làm thế nào để có thể tự lực, tự cường phát triển. Từ đó, tôi suy nghĩ làm sao có thể phát triển sâu rộng hơn chương trình OCOP ở Việt Nam, phát triển các HTX nông nghiệp hơn nữa", Người đứng đầu Bộ NN&PTNT chia sẻ.
Trên thực tế, dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động không nhỏ tới khu vực HTX nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng là phép thử về sự thích ứng, thích nghi với những khó khăn. Trước phép thử này, nhiều HTX nông nghiệp của Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, vượt qua khó khăn để nắm bắt cơ hội mới, đúng như mong muốn, kỳ vọng của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Đơn cử, trước dịch COVID-19, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (Mộc Châu - Sơn La) có đơn hàng ổn định với các siêu thị, nhà hàng. Song, kể từ khi dịch COVID-19 xảy đến thì tình hình đã đổi khác, thị trường trồi sụt, giao thương đứt gãy.
Trước thách thức này, ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX 19/5, cho hay HTX đã chuyển tư duy kinh doanh từ sản xuất theo kiểu "ăn ngon, mặc đẹp" sang "ăn chắc, mặc bền" do đối tác nâng yêu cầu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Không chỉ gặp khó khăn về đầu ra, HTX 19/5 còn đối mặt với bài toán giá cả vật tư nông nghiệp, phân bón, giống, nguyên liệu đầu vào, thức ăn gia súc liên tục tăng. Do vậy, "chúng tôi đã kết nối chặt chẽ hơn giữa sản xuất và chăn nuôi trong HTX", ông Thịnh nói.
HTX 19/5 đang tận dụng phân thải của chăn nuôi để chăm sóc đồng ruộng. Các phụ liệu như hoa quả thừa, củ quả thừa cũng phải tận dụng với phương châm: đầu ra của chăn nuôi là đầu vào của trồng trọt. Ngăn cách do dịch bệnh cũng khiến HTX chuyển hướng tiêu thụ tại địa phương.
Đặc biệt, HTX 19/5 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhiều hơn trong sản xuất và bán hàng. "HTX đẩy mạnh đưa thông tin gắn với truy xuất nguồn gốc của sản phẩm lên website. Những chuyển hướng này đã giúp hoạt động của HTX ổn định, duy trì công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên", ông Thịnh cho biết.
HTX rất cần hỗ trợ để lớn mạnh
Tương tự, bà Trần Huyền Anh, đại diện HTX nông nghiệp CHOA (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, HTX có 23 vùng nguyên liệu, với tổng diện tích hơn 10.000 ha. Sản phẩm chính của HTX là đặc sản bưởi Phúc Trạch.
Nhiều HTX đã chủ động để thích ứng với khó khăn do đại dịch COVID-19. |
Dù dịch COVID-19 tác động, song năm 2021, HTX nông nghiệp CHOA đã tiêu thụ được 110 tấn bưởi Phúc Trạch, đem về doanh thu 4 tỷ đồng. "Mục tiêu tới năm 2023, HTX sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng làng bưởi Phúc Trạch sinh thái tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Chúng tôi mong muốn tạo ra sản phẩm mang giá trị cao, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX", bà Huyền Anh chia sẻ.
Kết quả trên có được là do HTX nông nghiệp CHOA đã đẩy mạnh đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch lên các sàn thương mại điện tử. Điều này giúp sản phẩm của HTX được quảng bá tới đông đảo người tiêu dùng. HTX đưa sản phẩm lên môi trường số gắn với truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng nắm rõ quy trình, từ không gian mạng có thể thấy được câu chuyện sản xuất trên thực tế, nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản của Hương Khê.
Cũng áp dụng cách làm chuyển đổi số, đại diện HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ - TP.Hà Nội), tâm sự: "Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng tôi luôn trăn trở 2 vấn đề. Thứ nhất, sản phẩm của người nông dân được sản xuất và tiêu thụ một cách ổn định. Thứ hai, các nhà bán lẻ, người tiêu dùng tin tưởng vào quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói các sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh, điều kiện bình thường mới hiện nay”.
Theo đó, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã tiên phong trong việc phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của HTX một cách đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như các hệ thống siêu thị lớn.
“Mặc dù thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu của HTX năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020”, đại diện HTX Rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ.
Có thể thấy sự chuyển hướng về cách kinh doanh gắn với ứng dụng công nghệ số đã giúp các HTX trên không chỉ vượt qua những khó khăn bởi đại dịch COVID-19, mà còn nắm bắt nhiều cơ hội hơn trên hành trình kinh doanh sắp tới.
Bên cạnh sự chủ động của các HTX thì rõ ràng sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn rất quan trọng như chia sẻ của bà Trần Huyền Anh, đại diện HTX nông nghiệp CHOA: "Chúng tôi có sức trẻ, khát khao xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam lớn mạnh nhưng có những vấn đề mà HTX cần hỗ trợ của Nhà nước như phát triển logistics để tiết kiệm chi phí, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng trên môi trường số. HTX kỳ vọng sản phẩm sẽ tiếp cận tới thị trường nước ngoài chứ không chỉ dừng chân ở trong nước".
Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX 19/5, đánh giá sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ các HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại là rất cần thiết. "Công nghệ số hóa, thương mại điện tử rất quan trọng từ sản xuất tới tiêu thụ nông sản. HTX rất cần đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, bộ ngành là rất quan trọng", ông Thịnh nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng từng nhiều lần nhấn mạnh: Đừng nhìn HTX nông nghiệp ở lợi ích kinh tế, mà cần nhìn rộng ra tác động của khu vực này đến xã hội, đa giá trị hơn. Do vậy, các bộ ngành địa phương không thể chậm trễ, lần lữa trong việc quan tâm đến HTX nông nghiệp.
"Chưa cần tháo gỡ thể chế từ cấp Trung ương, các địa phương có thể thông qua nguồn lực của mình để đầu tư vào HTX. Sự hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương tới địa phương cho khu vực kinh tế tập thể, HTX là chỗ dựa cho phát triển HTX trong giai đoạn tới", ông Hoan nêu quan điểm.
Lê Thúy