Tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức sáng 19/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh tới thông điệp: Chúng ta quan tâm tới "đại bàng" nhưng cũng đừng quên những "con chim sẻ", theo đó phải "lót ổ" cho HTX, tổ hợp tác phát triển hơn nữa. Chưa cần tháo gỡ thể chế từ cấp Trung ương, các địa phương có thể thông qua nguồn lực của mình để đầu tư vào khu vực HTX.
Săn đón 'đại bàng' nhưng phải 'lót ổ' cho hợp tác xã, tổ hợp tác
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong phục hồi kinh tế sau dịch cần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước, không bị lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế nước ngoài.
Lấy ví dụ từ xây dựng nông thôn mới của Hàn Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chữ đầu tiên trên lá cờ xây dựng nông thôn mới của nước này là hợp tác, làm sao người nông dân sáng ngủ dậy có suy nghĩ trồng, nuôi con gì thì phải hợp tác với ai, làm gì để hợp tác? Không có sức mạnh riêng lẻ mà thắng được sức mạnh tập thể.
"Vừa rồi, tôi có nói chuyện với chuyên gia Trung Quốc, họ cũng phát triển kinh tế nông nghiệp ở nông thôn rất mạnh", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chúng ta không thể chậm trễ, lần lữa trong việc quan tâm đến HTX nông nghiệp. Chưa cần tháo gỡ thể chế từ cấp Trung ương, các địa phương có thể thông qua nguồn lực của mình để đầu tư vào HTX".
Hay vừa qua tại chuyến thăm châu Âu cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay ở các nước phát triển phát triển rất mạnh khu vực HTX. Họ khuyên Việt Nam đừng quên lãng khu vực HTX.
Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, đừng nhìn vào mức đóng góp của HTX vào ngân sách nhà nước, bởi bản chất HTX không phải là doanh nghiệp. Mà cần nhìn HTX là một mô hình đa giá trị, có thể tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
"HTX không chỉ phát triển kinh tế đơn thuần mà còn kích hoạt tình yêu nông thôn của người dân. HTX nông nghiệp vẫn có thể làm du lịch, tạo động lực cho các em học sinh, sinh viên học chuyên ngành nông nghiệp để trở về đóng góp làng quê", Bộ trưởng Hoan chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Chúng ta không thể chậm trễ, lần lữa trong việc quan tâm đến HTX nông nghiệp. Chưa cần tháo gỡ thể chế từ cấp Trung ương, các địa phương có thể thông qua nguồn lực của mình để đầu tư vào HTX".
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, vừa qua, bà con từ thành phố trở về quê là quy luật tất yếu, nhưng rõ ràng khuấy động làng quê có nhiều sức sống để nông nghiệp phát triển tốt hơn. Vì vậy, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đưa vào thêm một trong những nền tảng là phát triển kinh tế nông thôn, chứ không chỉ xây dựng cầu, đường; thông qua hình thức hợp tác làng nghề, câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác, HTX.
Trước vai trò của HTX, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương là cần chăm lo cho HTX. Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ chương trình đầu tư hạ tầng logistics cho các vùng HTX, tổ hợp tác, hạn chế đứt gãy khi có rủi ro bên ngoài. Từ đó, bà con nông dân sẽ thấy lợi ích cả về đầu vào và đầu ra khi tham gia HTX, chứng minh nền nông nghiệp không còn bán thô mà tích hợp đa giá trị.
"Bản thân chuyển đổi số, đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo hiểm nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ cũng không thành công nếu không có HTX", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh một lần nữa: "Ban đầu đừng nhìn HTX nông nghiệp ở lợi ích kinh tế mà cần nhìn rộng ra tác động của khu vực này đến xã hội, đa giá trị hơn. Chúng ta không thể chậm trễ, lần lữa trong việc quan tâm đến HTX nông nghiệp. Chưa cần tháo gỡ thể chế từ cấp Trung ương, các địa phương có thể thông qua nguồn lực của mình để đầu tư vào HTX. Sự hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương tới địa phương cho khu vực kinh tế tập thể, HTX là chỗ dựa cho phát triển HTX trong giai đoạn tới.
Nỗ lực của riêng HTX là chưa đủ
Được thành lập năm 2016, đến nay, HTX bưởi da xanh Bến Tre không ngừng lớn mạnh về quy mô với sự tham gia của hơn 500 thành viên. Hội đồng quản trị Nguyễn Quốc Bảo cho biết, xác định mục tiêu là HTX tiên phong trong sản xuất và cung ứng cho khách hàng sản phẩm bưởi theo hướng sạch và an toàn, HTX bưởi da xanh Bến Tre đã áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đạt chứng nhận 37,7 ha VietGAP, 14,7 ha GlobalGAP.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ sắp tới phê duyệt Nghị quyết về phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. |
Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng, HTX cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn như tỷ lệ sản phẩm của thành viên đạt yêu cầu thị trường (siêu thị và xuất khẩu) chỉ chiếm 40-50% nên việc mua và tiêu thụ hết sản phẩm cho thành viên là một thách thức lớn đối với HTX.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động cũng như kinh doanh, ví dụ kho, mặt bằng đóng gói hàng... của HTX đang chờ xây dựng nên không thể mua và tiêu thụ được một số lượng lớn sản phẩm đang có của thành viên. "HTX mới hoạt động nên chịu sự cạnh tranh lớn của thương lái và doanh nghiệp đã có kinh nghiệm lẫn thị trường, cả đầu vào và đầu ra", ông Bảo nói.
Trong thời gian tới, Chủ tịch HTX bưởi da xanh Bến Tre cho biết, HTX sẽ duy trì các tiêu chuẩn vùng nguyên liệu sạch an toàn, hoàn thành 2 vùng nguyên liệu với diện tích 20ha có chứng nhận mã code vùng trồng. Đồng thời, nỗ lực vận động thành viên sản xuất theo cùng quy trình để đồng đều hơn về chất lượng mẫu mã của bưởi, tăng tỷ lệ theo yêu cầu khách hàng.
Tuy nhiên, HTX cũng mong muốn Trung ương tiếp tục có chính sách hỗ trợ và xây dựng chương trình tập huấn bồi dưỡng nhân lực cho HTX, nhất là nhân lực chủ chốt Hội đồng quản trị, giám đốc. Trung ương tiếp tục chương trình hỗ trợ HTX tìm đầu ra cho nông sản, nhất là xuất khẩu, liên kết giữa các HTX với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh của các HTX.
Đại diện HTX Chăn nuôi gà Lạc Thủy (Hòa Bình) chia sẻ, hiện nay, một số nơi, một số cấp uỷ và chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức về tuyên truyền chính sách hỗ trợ HTX, khiến hạn chế quyền lợi HTX. Chính sách hỗ trợ HTX chưa thực sự tác động mạnh tới HTX, chủ yếu hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Một số chính sách đã ban hành nhưng việc triển khai hỗ trợ còn nhiều bất cập, phần lớn HTX thiếu hạ tầng về trụ sở làm việc, kho bảo quản sản phẩm, trong khi chưa tiếp cận được nguồn vay ưu đãi nên gặp nhiều khó khăn.
Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 tác động khiến nhiều HTX chịu ảnh hưởng nặng nề do nguyên liệu sản xuất bị đội chi phí, trong khi đầu ra bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm, dẫn tới giảm sút doanh thu.
Đánh giá về tình hình phát triển, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhìn nhận, số lượng HTX nông nghiệp, phi nông nghiệp mới chỉ chiếm 35% tổng số hộ gia đình ở nông thôn, đây là mức thấp so với các nước phát triển. Ở các nước phát triển, gần 100% hộ nông dân tham gia tổ hợp tác, HTX như Hà Lan, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... Quy mô sản xuất theo chuỗi tương đối lớn. Đây là mục tiêu làm sao huy động, thu hút hộ nông dân tham gia HTX thì mới xây dựng mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi số, phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chỉ ra các khó khăn mà HTX đang gặp phải, như: chi phí logistics của các sản phẩm nông sản Việt Nam chiếm trên 20% GDP, trong khi các nước chỉ từ 9-13% GDP dẫn đến nông sản Việt Nam khó cạnh tranh; phần lớn nông sản của nông dân phân phối qua thương lái, chợ đầu mối, sản phẩm đi thẳng tới nhà máy chế biến, siêu thị còn hạn chế.
Dành nguồn lực đầu tư cho phát triển HTX
Bộ NN&PTNT cho biết, ước đến 31/12/2021, cả nước có 18.327 HTX nông nghiệp và 79 liên hiệp HTX nông nghiệp. Như vậy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, số lượng HTX nông nghiệp tăng 12.569 HTX; còn so với thời điểm 31/12/2013, khi Luật HTX có hiệu lực thì số lượng HTX nông nghiệp cả nước tăng khoảng 7.917 HTX. Từ năm 2013 đến nay, số lượng HTX nông nghiệp tăng nhanh, trung bình mỗi năm gần 800 HTX, giai đoạn 2017-2021 cao gấp 3 lần giai đoạn trước đó (2012-2016).
Các chính sách hỗ trợ HTX được lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia, chứ chưa có chương trình riêng. Theo đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị Trung ương ban hành Nghị quyết mới xác định quan điểm "Kinh tế tập thể, HTX phải đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông thôn, nông dân" đặt trong bối cảnh mới, nhất là giai đoạn sau COVID-19.
Đồng thời, các HTX phải tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị thì mới mang lại hiệu quả. HTX nông nghiệp phải phát triển đi đôi bảo vệ môi trường. "HTX nào nông sản sạch, quy mô cung ứng lớn thì siêu thị tìm mua rất nhanh", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Theo đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới là không quan tâm quá lớn đến số lượng HTX, mà tập trung vào số lượng thành viên, huy động đại đa số hầu hết hộ nông dân ở nông thôn tham gia HTX. Hiện, nhiều nước trên thế giới giảm số lượng HTX nhưng gia tăng chất lượng, quy mô thành viên tham gia. Đồng thời, các HTX phải tham gia, khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
"Cứ nhỏ lẻ, manh mún, không cạnh tranh được với các nước, không xuất khẩu được", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị dành nguồn lực đầu tư cho HTX. Trong chương trình giảm nghèo, nông thôn mới cần coi phát triển HTX nông nghiệp hiệu quả là chỉ tiêu hàng đầu để tạo nên năng lực sản xuất mới; có chính sách ưu đãi, nâng cao năng lực quản lý nhà nước với khu vực HTX. Chính sách hỗ trợ HTX cần nguồn lực, giải pháp đi kèm, tập trung nguồn lực cho một số đầu mối, hỗ trợ HTX về logistics, đào tạo nhân lực, quản trị, đầu ra.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cần tập trung vào chính sách hỗ trợ HTX về đào tạo nguồn nhân lực và lãnh đạo quản lý HTX; chính sách đất đai; chính sách tài chính - tín dụng; hỗ trợ chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ tiếp thị, mở cửa thị trường (HTX giờ sẵn sàng đi nước ngoài xúc tiến tìm kiếm thị trường, chứ không phải chỉ có doanh nghiệp); chính sách đầu tư hạ tầng logistics; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước.
Về định hướng trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cần lấy thành viên HTX là trung tâm thực hiện chính sách, tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, cần nâng cao nội lực quản lý, điều hành, nguồn nhân lực cho HTX.
Theo đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ sắp tới phê duyệt Nghị quyết về phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến tới ban hành Nghị định riêng về phát triển HTX nông nghiệp. Trong đó, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xây dựng một Chương trình Quốc gia về phát triển kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp nhằm giúp các HTX đẩy mạnh thực hiện liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản; quản trị chất lượng thương hiệu nông sản; hình thành các trung tâm logistics của HTX...
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Các Bộ, ngành Trung ương, địa phương cần chăm lo cho HTX. Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ chương trình đầu tư hạ tầng logistics cho các vùng HTX, tổ hợp tác, hạn chế đứt gãy chuỗi giá trị nông sản khi có rủi ro bên ngoài. Từ đó, bà con nông dân sẽ thấy lợi ích cả về đầu vào và đầu ra khi tham gia HTX, chứng minh nền nông nghiệp không còn bán thô mà tích hợp đa giá trị. Chúng ta không thể chậm trễ, lần nữa trong việc quan tâm đến HTX nông nghiệp. Chưa cần tháo gỡ thể chế từ cấp Trung ương, các địa phương có thể thông qua nguồn lực của mình để đầu tư vào HTX. Bà Bùi Thị Thơm Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phát triển kinh tế tập thể, HTX là nhiệm vụ trọng tâm của Hội nông dân các cấp. Tuy nhiên, đâu đó, chúng ta vẫn chưa chú trọng hỗ trợ nông dân tham gia HTX, chưa phát huy được nguồn lực hai bên để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong phát triển tổ hợp tác, HTX. Đa số HTX quy mô nhỏ lẻ, tính bền vững chưa cao, nhiều HTX còn khó khăn về đội ngũ cán bộ quản lý. Theo đó, cần phải tập trung hỗ trợ cho các HTX trong thời gian tới. Liên kết, hợp tác sản xuất theo yêu cầu thị trường là xu thế khách quan, giải pháp cấp thiết tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bà Ngô Tường Vy Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu Trong thời gian tới, Chánh Thu muốn xây dựng các HTX liên kết với bà con để xây dựng mô hình liên kết bền vững. Do đó, Công ty rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để củng cố mối liên kết này. Hiện nay, điều chúng tôi lo ngại là vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chứ không phải đầu ra cho nông sản. Các khó khăn đang gặp phải là cách đưa các nông dân vào quy trình canh tác chuẩn, theo tiêu chuẩn cao để Công ty có thể giúp bà con đưa nông sản đến với các thị trường cao cấp hơn như châu Âu. |
Lê Thúy