HTX sản xuất và dịch vụ Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) là một trong những điểm sáng của kinh tế tập thể tại địa phương nhờ chủ động sáng tạo, bắt kịp xu hướng phát triển và ứng dụng phần mềm trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng doanh thu từ chuyển đổi số
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT HTX chia sẻ, do hiệu quả sản xuất chưa cao nên HTX đã chủ động tìm hiểu, học hỏi và mạnh dạn đầu tư trang thiết bị mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong đó, dịch vụ điện đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các hoạt động sản xuất của HTX nên được ưu tiên chú trọng. Bên cạnh đầu tư trang thiết bị đúng chuẩn, HTX còn tiến hành thay mới hệ thống công tơ điện bằng loại đồng hồ điện tử mới nhất có 2 bộ nhớ, qua đó giúp tăng tuổi thọ đồng hồ và tính chỉ số điện năng chính xác hơn cho người dân.
Đồng thời, HTX đã ứng dụng các công nghệ phần mềm mới vào quản lý và khai thác điện như: phần mềm kế toán, phần mềm quản lý điều hành, kinh doanh điện, tích hợp chốt chỉ số công tơ, tính tiền điện, thông tin thanh toán tiền điện qua tin nhắn, thanh toán tiền điện qua tài khoản điện thoại và quản lý tài sản lưới điện hạ áp qua định vị Google, phần mềm thuế điện tử. Qua đó giúp công tác quản lý điện của HTX dễ dàng, thuận tiện và chính xác hơn.
Hệ thống lưới điện tại HTX Đa Phúc được đầu tư nâng cấp. |
Trong sản xuất nông nghiệp, HTX cũng đã đưa vào thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái (UAV) phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên.
“Những trang thiết bị công nghệ mới được đưa vào hoạt động đã nhanh chóng giúp HTX Đa Phúc khai thác tối đa năng suất và chất lượng dịch vụ, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm”, ông Hưng cho hay.
Đại diện Liên minh HTX TP Hà Nội đánh giá, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số giúp nhiều HTX tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các hộ thành viên và người dân.
Cụ thể, các HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, dịch vụ, hệ thống cơ sở vật chất, chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho các thành viên HTX. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến phân phối. Bước đầu, các HTX đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng.
Đặc biệt, nhiều HTX đã tiến hành đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: HTX nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất), HTX nông nghiệp Song Phượng (huyện Đan Phượng)… Nhiều HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng lên trên 220 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá, bán hàng cũng là bước đi đầy hiệu quả. Theo đó, người dân dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm nông sản, thực phẩm có nguồn cung cấp uy tín, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các sản phẩm cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, kiểm chứng, hồ sơ pháp lý của sản phẩm hàng hóa. Người mua hàng có thể kết nối liên lạc, trao đổi trực tiếp với nhà cung cấp, từ đó quyết định lựa chọn sản phẩm chất lượng và phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Có thể đặt hàng, thanh toán, giao hàng trực tuyến rất tiện lợi và nhanh chóng.
Giải quyết những khó khăn
Nhìn chung, nhờ kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm mà nhiều HTX trên địa bàn TP Hà Nội đã thu được những kết quả bất ngờ. Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng làm tốt được điều đó. Bởi thực tế cho thấy, nhiều HTX vẫn gặp khó khăn trong quá trình tận dụng được ưu thế của công nghệ. Phần lớn HTX không biết triển khai từ đâu, làm thế nào để phù hợp với điều kiện của HTX mình.
Nhiều HTX cũng đã biết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh, nhưng mới chỉ tập trung vào công nghệ tưới tiêu, tem truy xuất nguồn gốc, lai giống… Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm thì lại chưa được chú trọng.
Một khó khăn nữa phải kể đến là nhiều HTX hoạt động theo kiểu “kinh nghiệm”, nhất là các HTX nông nghiệp. Phần lớn thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Vì thế, ảnh hưởng đến năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, tiếp cận thị trường…
Từ thực trạng hoạt động của các HTX, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, HTX nói riêng, điều cần thiết phải làm ngay là HTX cần áp dụng các giải pháp phù hợp để chuyển đổi số.
Trước mắt là nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp, cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho HTX, thông qua việc xây dựng hệ thống tiện ích, giám sát, tăng hiệu năng quản trị nội bộ bằng công nghệ số cho các HTX.
Không chỉ vậy, cần triển khai thí điểm các mô hình HTX ứng dụng công nghệ số làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng trên địa bàn, nhất là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ HTX ứng dụng thương mại điện tử và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo
Được biết, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 150 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu có 250 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững…
Theo đó, hàng năm Liên minh HTX TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX thành viên có hiệu quả như: Tư vấn, kết nối và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX, doanh nghiệp thành viên trên toàn Thành phố qua các hội nghị, hội chợ, đoàn công tác...
Từ đó, các HTX doanh nghiệp từng bước đổi mới tư duy, nhận thức trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ thị trường. Nhiều HTX đã đạt được những thỏa thuận, ký kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp trên cả nước với hàng trăm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thịt, cá, rau củ quả các loại, các sản phẩm thực phẩm chế biến an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng với các đại lý phân phối, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, các hệ thống siêu thị; các bếp ăn khu công nghiệp.
Nhờ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, người mua hàng có thể kết nối liên lạc, trao đổi trực tiếp với nhà cung cấp, từ đó quyết định lựa chọn sản phẩm chất lượng và phù hợp nhất với nhu cầu của mình. |
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội thông tin, hiện nay, đơn vị đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, thành viên HTX.
Đồng thời, từng bước đưa công nghệ thông tin vào hoạt động của các HTX thông qua ứng dụng AI, cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thông qua đó sẽ tạo sự gắn kết, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX của Hà Nội và các tỉnh, thành qua các ứng dụng AI.
Mới đây, Liên minh HTX TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX trên địa bàn Thành phố, giúp cho các HTX thành viên, doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử, nhà phân phối có dịp trao đổi, tìm kiếm thông tin, kết nối và giao thương tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đưa ra các giải pháp để hoạt động kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì; các giải pháp chế biến sâu các mặt hàng nông sản.
Không chỉ vậy còn giúp ích cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành HTX, quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm; xây dựng sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX; nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ trong sản xuất, quản lý.
Theo chia sẻ của anh Lưu Văn Minh, Phó Giám đốc HTX Phú Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm), việc ứng dụng công nghệ AI giúp HTX có thể rút ngắn được thời gian kết nối với thị trường, người tiêu dùng, đặc biệt là có thể giảm tải được việc kết nối với các chuyên gia; hỗ trợ đơn vị trong việc viết các content hay những câu chuyện về sản phẩm mang tính thuyết phục hơn. Qua đó sẽ tiếp cận khách hàng theo cách gần gũi, thân thiện và đem sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi.
“Việc ứng dụng công nghệ AI sẽ giúp cho đơn vị áp dụng vào viết nội dung, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn, đúng hướng mục tiêu mà chúng tôi đang cần. Đồng thời, giúp cho HTX lập những kế hoạch dài hạn cho chiến lược phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường được tốt hơn”, Phó Giám đốc HTX Phú Đô cho biết.
Châu Giang