Theo số liệu điều tra năm 2020 của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 807 làng nghề và làng có nghề, trong đó 42 làng nghề truyền thống, 271 làng nghề và 494 làng có nghề. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ, đặc biệt là việc xuất khẩu và du lịch làng nghề.
Đối diện với thách thức
Kiêu Kỵ vốn được biết đến là làng nghề “độc nhất vô nhị” nổi tiếng ở Hà Nội cũng như cả nước, với các sản phẩm vàng quỳ dát trên các công trình văn hóa tín ngưỡng, cung đình, tượng phật, ngai vàng, hoành phi câu đối, kiệu rước, tranh sơn mài…
Sản phẩm của Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Chung, Giám đốc HTX Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ. |
Hiện, HTX Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ có 128 thành viên trong đó, 13 tổ hợp tác, 60 hộ cá thể và hơn 500 lao động thường xuyên. Nếu như trước đây, HTX tất bật ngày đêm chuẩn bị các đơn hàng thì từ khi dịch Covid-19 bùng phát, rơi vào tình trạng trầm lắng, vắng bóng khách mua và thăm quan.
Chia sẻ về thực trạng trên, Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Chung, Giám đốc HTX Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ buồn rầu nói: “Dịch Covid-19 không chỉ khiến hoạt động giao thương gần như ngưng trệ, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh của các hộ nơi đây. Hiện tại, các thành viên HTX chỉ duy trì sản xuất cầm chừng, nhỏ giọt, một vài gian hàng chỉ mở để giữ mối còn lại tập trung chủ yếu vào việc bán hàng online và giao liên tỉnh”.
Cũng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh mà nhiều ngày nay, gia đình bà Lê Thị Hậu chủ một cơ sở sản xuất quỳ vàng bạc ở thôn Kiêu Kỵ vẫn "vắng" những đơn đặt hàng. Từ khi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của gia đình bà bị xáo trộn, đặc biệt, những tháng đầu năm 2021, sản phẩm tiêu thụ ra thị trường chỉ bằng 1/3 so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Hòa (thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ) cũng rơi vào tình cảnh giống như phần lớn chủ các xưởng quỳ vàng bạc ở HTX. Bà Hòa cho hay: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, công việc và thu nhập của chúng tôi rất bấp bênh, mỗi tháng chỉ được khoảng vài triệu đồng, giảm hơn 50% so với thời điểm trước. Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, hàng tháng trời, người lao động không có việc làm do quá ít các đơn hàng. Đặc biệt là những ngày hè tháng 5, tháng 6 cùng với tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của gia đình”.
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn trong tình hình hiện nay, Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội làng nghề Kiêu Kỵ cho biết, những khó khăn mà ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở Kiêu Kỵ đang gặp phải cũng là tình trạng chung của nhiều ngành nghề khác đang phải đối mặt.
"Hiện, các tổ chức sản xuất kinh tế của làng nghề đang tích cực động viên nhau ổn định tư tưởng, duy trì sản xuất để giữ vững mặt hàng. Đây cũng là giai đoạn để các hộ sản xuất rà soát lại quy trình, vừa ổn định sản xuất, vừa nghiên cứu các mẫu mã mới để những tháng cuối năm có điều kiện sản xuất tốt hơn”, ông Chung nói.
Bên cạnh đó, Ban giám đốc cũng cho rằng, ngoài những khó khăn về dịch bệnh, vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều thành viên HTX Kiêu Kỵ cũng đang là vấn đề lớn.
Chuẩn bị các điều kiện hồi phục
Trước thực trạng đó, các cấp lãnh đạo cùng Ban giám đốc HTX Kiêu Kỵ buộc phải tìm hướng đi phù hợp, bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
HTX đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, lưu giữ nét truyền thống không bị mai một. |
Ông Lê Bá Chung, Giám đốc HTX Kiêu Kỵ cho biết, trong thời điểm này, thay vì dừng sản xuất, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình tiếp tục sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ cải tiến chất liệu, xây dựng hướng phát triển thị trường, tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Vì thế, khi dịch bệnh đi qua, các thành viên HTX có thể bắt tay ngay vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hiệp (thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ) thành viên HTX cho hay: “Mặc dù, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng để giữ chân người lao động, gia đình tôi luôn duy trì 10 công nhân thường xuyên sản xuất quỳ vàng. Ngoài ra, tôi còn nhận nhiều đơn hàng thếp vàng lên tượng, đồ thờ cúng, vật dụng trang trí… đặt một số hàng gốm sứ, tranh gỗ, sơn mài, thếp vàng rồi mang ra trưng bày, giới thiệu và bán cho người có nhu cầu”.
Để vượt qua “bão” dịch Covid-19, HTX Kiêu Kỵ đã kết hợp với các làng nghề khác như làng gốm Bát Tràng, làng sơn mài Hạ Thái, làng tạc tượng Vũ Lăng... vừa làm tăng giá trị sản phẩm của các làng nghề, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh các bước đệm để phục hồi, HTX đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, lưu giữ nét truyền thống không bị mai một. Thời gian qua, HTX công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ đã cùng với Sở Công thương Hà Nội và Trung tâm khuyến công huyện Gia Lâm tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ trong làng và một số địa phương lân cận. Nhờ đó, đến nay, HTX có hơn 50 hộ làm nghề với 300- 400 lao động, thu nhập từ 5-10 triệu/tháng, chưa kể số lao động tỏa đi làm ở các địa phương trên cả nước.
Cùng với đó, HTX Kiêu Kỵ mong muốn Liên minh HTX Việt Nam tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn dài hơn để mở rộng sản xuất. Mặt khác, HTX mong muốn TP.Hà Nội xây dựng kế hoạch làng nghề tâm linh kết hợp với du lịch.
Bên cạnh đó, tổ chức, tham gia hội thi, hội chợ, triển lãm sản phẩm thủ công nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các nghệ nhân, thợ giỏi phát triển mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Tô Thương