Thông tin tại Hội thảo "Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt" cho thấy, đến nay đã có 60.000 doanh nghiệp, 750.000 sản phẩm được cấp mã số mã vạch (cả một chiều và hai chiều). Theo kinh nghiệm của các HTX, việc xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc giúp khả năng kết nối, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
Bất cập trong truy xuất nguồn gốc
Tiêu biểu như sản phẩm mỳ gạo của HTX Mỳ gạo Hùng Lô hiện được đóng gói, có có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Mỗi tháng, HTX sản xuất chế biến được hơn 30 tấn mỳ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Hay như HTX Vĩnh Kim là một trong những đơn vị kinh doanh trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang với sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 10.000 tấn. Có được điều này là nhờ HTX đã thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng cách hoàn thành mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc.
Không chỉ mở rộng đầu ra, truy xuất nguồn gốc điện tử có thể giúp HTX giảm hư hao, truy vấn lỗi trong quá trình thực hiện, từ đó cải tiến quy trình sản xuất. Truy xuất nguồn gốc điện tử còn khuyến khích người dân, HTX kinh doanh tiêu thụ trên môi trường số.
Vú sữa Lò Rèn đủ điều kiện xuất khẩu sang chính ngạch sang Trung Quốc nhờ xây dựng được mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói |
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng giám đốc công ty cung ứng thực phẩm sạch Fresh, cho biết thị trường nông sản còn tồn tại nhiều hạn chế như nhiều khâu trung gian dẫn đến giá thành cao, hư hao lớn. Cụ thể là trong quá trình phân phối, lượng nông sản thương bị hư hao khoảng 40%, tức là 100kg nông sản khi đến tay người dùng chỉ còn 60kg.
Tuy nhiên, nếu có truy xuất nguồn gốc từ nông trại đến bàn ăn, HTX, doanh nghiệp sẽ biết nông sản tổn thất ở những công đoạn nào để có phương án kiểm soát phù hợp.
Có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản, nhưng thực tế áp dụng và quản lý cho thấy dữ liệu truy xuất nguồn gốc hiện nay còn phân tán, chủ yếu lưu trữ nội bộ trong doanh nghiệp, đơn vị chia sẻ giải pháp. Điều này gây khó khăn trong hỗ trợ thương mại, vì việc nắm bắt thông tin chỉ mang tính một chiều, từ đó gây khó khăn trong minh bạch sản phẩm và tìm đầu ra.
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc Trung tâm mã số mã vạch quốc gia cho biết việc truy xuất nguồn gốc của nhiều nông sản hiện không đủ thông tin từ các bên tham gia chuỗi cung ứng do không kết nối được với nhau, nên không chia sẻ dữ liệu cho nhau.
Có dữ liệu truy xuất chỉ liên quan đến nhật ký chăm sóc, có dữ liệu chỉ liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, có dữ liệu chỉ là những chỉ dẫn đường link đến trang web của đơn vị sản xuất…, vì vậy nhà quản lý, nhà nhập khẩu chưa có cái nhìn khách quan, tổng thể về sản phẩm.
Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn bị thiếu thông tin về nguồn gốc nông sản. Chẳng hạn HTX trồng 100kg rau nhưng chia làm hai lần, mỗi lần 50kg và cách nhau khoảng 3 ngày. Muốn đầy đủ thông tin nguồn gốc thì quá trình truy xuất cần làm sao phân biệt được 50kg rau thuộc lần trồng thứ nhất và 50kg rau được trồng từ lần hai để khi đến cửa hàng, siêu thị phải tách được hai lô hàng đó và dán mã QR tương ứng. Tuy nhiên, điều này hiện nay chưa làm được.
Không chỉ vậy, nhận thức và thực hành truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bà Ngô Tường Vy, Phó tổng giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết tuy doanh nghiệp đã có nhiều chương trình tập huấn tại các địa phương nhưng thực tế cho thấy, việc vận động nông dân thực hiện mã số, mã vạch rất khó. Nguyên nhân là vì nhận thức của người dân về mã số, mã vạch còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Mặc dù cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam khá tốt nhưng mạng internet tại nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa còn kém và chậm. Trong khi đó, người dân thường không có thói quen sử dụng các công cụ, phần mềm để kiểm tra thông tin hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cho dù thao tác này chỉ mất khoảng 1 phút.
Việc truy xuất nguồn gốc hiện nay cũng chưa có các chế tài mạnh xử lý các sai phạm khi truy xuất nguồn gốc. Vấn đề quản lý lưu thông hàng hóa chưa nghiêm nên vẫn còn tình trạng giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói khi xuất khẩu nông sản.
Gần đây nhất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đã phải thu hồi 2 mã số vùng trồng, huỷ 30 mã số vùng trồng; thu hồi 15 và huỷ 451 mã số cơ sở đóng gói, 15 cơ sở đóng gói cần khắc phục để duy trì mã số trong thời gian tới.
Hỗ trợ HTX truy xuất nguồn gốc
Sản xuất theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, câu chuyện truy xuất nguồn gốc không chỉ đơn thuần ở viêc dán cho sản phẩm một mã QR, mà đó thực chất là một quy trình từ lập hồ sơ chi tiết về vòng đời sản phẩm từ khi bắt đầu đến khi kết thúc trên bàn ăn. Ngoài ra còn phải lưu trữ thông tin đó theo cách cụ thể để có thể truy vết lại mọi sự kiện một cách dễ dàng.
Theo ông Bùi Bá Chính, để truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, cần kết nối với các bộ ngành, các địa phương, các trung tâm dữ liệu để bảo đảm thông tin có thể kiểm tra chéo nhau. Thậm chí, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu có thể lấy thông tin từ quá trình truy xuất nguồn gốc vào giỏ hàng hoặc làm nền tảng đánh giá đơn vị cung cấp nông sản.
Các chuyên gia khẳng định, sử dụng mã số mã vạch điện tử là điều kiện không thể thiếu khi HTX muốn tham gia thương mại điện tử toàn cầu. Theo ông Phan Việt Hoàng, khi đăng ký thông tin truy xuất và đưa ra thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới thì rất khó chỉnh sửa, vì vậy trước khi đăng ký, HTX cần tìm hiểu kỹ, bảo đảm thông tin chuẩn xác, tối ưu nhất có thể.
Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với nông sản nhập khẩu nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đến nay, Bộ NN&PTNT mới cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu là các loại trái cây; cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc...
Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước khi nhập khẩu nông sản Việt Nam. |
Nguyên nhân của việc cấp mã số vùng trồng chậm không chỉ bởi quy trình thực hiện phải trải qua nhiều cấp ngành xét duyệt, mà còn do phần lớn nông dân sản xuất manh mún nên không đáp ứng được yêu cầu cấp mã số vùng trồng là phải có diện tích từ 10ha trở lên nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu xuất khẩu.
Ngoài ra, thành viên tại nhiều HTX cũng chưa chủ động xây dựng mã số cho riêng mình mà để doanh nghiệp liên kết thu mua xuất khẩu tự đăng ký, dẫn đến HTX chưa có quyền sở hữu mã số vùng trồng...
Do đó, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ người dân, HTX tăng cường liên kết trong sản xuất và đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn một cách bài bản, giúp HTX tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để sớm xây dựng được mã số vùng trồng.
Đồng thời, Nhà nước cần có khung chính sách phù hợp, bảo đảm kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ về quy định truy xuất nguồn gốc, tránh tình trạng phải thu hồi hoặc hủy mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Song song đó cũng cần có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm để người dân, HTX dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Như Yến