Trước những bất cập, hạn chế của Luật HTX năm 2012, tại Hội thảo thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển HTX và luật HTX của một số quốc gia trên thế giới", Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường kiến nghị sửa đổi Luật HTX năm 2012 theo hướng thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
“Luật HTX sửa đổi cần kế thừa tối đa các quy định của Luật HTX năm 2012, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với các HTX ở Việt Nam, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về HTX của Liên minh HTX quốc tế”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nói.
HTX bình đẳng như doanh nghiệp
Trên thế giới, HTX là một loại hình kinh tế khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau.
Theo thống kê của Liên Hiệp quốc, phong trào HTX thế giới tạo việc làm và đảm bảo cuộc sống của hơn 3 tỷ người. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở nhiều quốc gia với việc thu hút sự tham gia của đại bộ phận nông dân, từ những người nông dân với 2,5 – 3 ha canh tác như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đến các chủ trang trại với quy mô bình quân 30 - 40 ha như ở châu Âu, Bắc Âu, và quy mô lớn nữa là ở Bắc Mỹ.
Ở các nước này, HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp đảm nhận phần lớn các dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Với sự hỗ trợ của HTX, sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Bên cạnh đó, HTX còn có trách nhiệm chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần, an sinh xã hội của nông dân, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng.
Sự phát triển của mô hình HTX đó có được chính là nhờ vào hệ thống pháp luật về HTX ở các nước được hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu của mô hình liên kết sản xuất và đặc biệt là đề cao vai trò của mô hình HTX.
Ông Zhang Wang Shu, Trưởng Ban HTQT, Liên đoàn HTX cung tiêu Trung Quốc cho biết: tại Trung Quốc, HTX được coi như những doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ cung cấp đầu vào và tìm kiếm đầu ra cho người dân thông qua các hình thức tiếp thị. Mạng lưới HTX ở Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, khi đóng góp khoảng 14,2% tăng trưởng hàng năm.
Để HTX phát triển, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống cơ cấu tổ chức, hình thành các mạng lưới kinh doanh và các HTX chính là các mắt xích. Ngoài cấp quốc gia, còn thành lập 32 liên minh HTX cấp tỉnh và 344 liên minh thành phố, 2.142 HTX liên minh ở các huyện…
Luật HTX ở Trung Quốc có hiệu lực từ 2007 và sửa đổi vào năm 2017. Theo luật, các HTX của nông dân thì được cung cấp dịch vụ đầu vào và bảo đảm được bình đẳng như các doanh nghiệp. Với tư cách pháp nhân giống như doanh nghiệp, các HTX, đặc biệt là các HTX quy mô lớn rất dễ tiếp cận với các nguồn tài chính và có nhiều cơ hội trong sản xuất kinh doanh giống như doanh nghiệp.
Trong bối cảnh có những thay đổi đang diễn ra, để nâng cao vai trò HTX, Luật HTX cho nông dân của Trung Quốc có điểm khác đó là khẳng định HTX có vai trò lớn hơn trong việc tham gia đóng góp vào nền kinh tế nông nghiệp nông thôn. Điều này liên quan đến các quy định về đất đai, điều kiện hỗ trợ các nguồn lực như khu vực sản xuất mở rộng, áp dụng biện pháp nguồn lực cho các nông trại quy mô lớn được thuận tiện hơn.
Nhờ đó, khái niệm HTX đã trở nên phổ biến hơn với người dân. “Người dân đã nhận ra rằng HTX không khác gì doanh nghiệp, nên tích cực tham gia HTX. Từ đó, HTX có thể được huy động vốn, được tăng cường đầu tư, được mở rộng các hoạt động kinh doanh”, ông Zhang Wang Shu chia sẻ.
Hiện nay, Chính phủ nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đã thấy rõ vai trò của HTX nên có những điều chỉnh về mặt chính sách nhằm tạo thêm nhiều nguồn lực cho HTX phát triển.
Cụ thể như tại Australia, nước này đang hướng đến xây dựng sân chơi bình đẳng cho HTX. Cách chính sách về HTX thường xuyên có những điều chỉnh phù hợp để HTX có thể huy động vốn, tham gia thị trường thương mại, ứng dụng công nghệ hiện đại... Thành viên HTX còn được chăm sóc sức khỏe miễn phí, hỗ trợ khi gặp khó khăn, khi gặp sự cố trên đường…
Nếu được tạo điều kiện về chính sách pháp luật, các HTX ở Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. |
Hay tại Malaysia đã có Bộ luật phát triển doanh nghiệp và HTX. Trong luật này, HTX được tăng cường hỗ trợ thành lập, người có thu nhập thấp, người nghèo, người khuyết tật và cả doanh nghiệp đều được khuyến khích tham gia HTX. HTX cũng dễ dàng huy động vốn và liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Philippine, Hiến chương HTX hiện đã được quốc tế chấp nhận. Trong Hiến chương này, HTX được quyền phát triển sáng tạo, hỗ trợ từ đào tạo, tiếp cận thông tin, xúc tiến thương mại. Và Bộ Thương mại và công nghiệp Philippine có trách nhiệm chính trong thúc đẩy HTX phát triển.
Ông Balu Iyer, Tổng Giám đốc Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA - AP) cho biết, hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều hỗ trợ HTX phát triển bằng nhiều cách. Các nước này đều làm rõ trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ HTX hoạt động giống như một doanh nghiệp.
“Có thể thấy, HTX là một thành phần thịnh vượng của một quốc gia, nên cần tạo sân chơi bình đẳng cho HTX phát triển giống như các doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện hàm ý chính sách. Chẳng hạn như bình đẳng trong huy động vốn cả ở trong và ngoài nước, khuyến khích HTX hình thành, khám phá các lĩnh vực mới… Ngoài ra, cần nhìn nhận nội hàm bên trong các HTX tồn tại những gì để sửa đổi Luật HTX năm 2012 cho phù hợp”, ông Balu Iyer nói.
Tiếp cận HTX cần rộng, bao hàm
Ấn Độ là một nước phát triển mô hình HTX sớm nhất trong khu vực châu Á, đặc biệt là mô hình HTX nông nghiệp. Những năm gần đây, Ấn Độ cũng đã sửa đổi Luật HTX để HTX phát triển theo mục tiêu tự chủ, năng động và dễ tiếp cận hơn với các chương trình hỗ trợ.
Điểm nổi bật ở Ấn Độ hiện nay là ngoài Luật HTX thì các luật về bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quyền tự do di chuyển nội địa... đều có định hướng liên quan đến HTX để HTX có môi trường làm việc bình đẳng. HTX cũng có thể tham gia đánh giá, rà soát lại các luật này cùng với các cấp ngành của Chính phủ.
Tất cả các chính sách ở Ấn Độ đưa ra đều có điều khoản quy định rõ không được phân biệt đối xử với HTX. Kết quả là các HTX đều có môi trường, khuôn khổ pháp lý thuận lợi để phát triển.
Nếu luật có các khuyến nghị cần sửa đổi, thì chỉ sau 1 năm, Chính phủ nước này đã có những văn bản hướng dẫn điều chỉnh để bảo đảm tính pháp lý cho HTX.
Người dân Ấn Độ tích cực tham gia HTX và phát triển sản xuất nhờ hệ thống pháp luật luôn coi trọng mô hình HTX. |
Ông Santosh Kumar, đại diện Ban pháp Luật HTX của Liên minh HTX Quốc tế (ICA), cho biết để đề cao được của mô hình HTX, Ấn Độ rất quan tâm đến những giá trị văn hóa, từ đó xây dựng những quy định luật pháp cho phù hợp. Cụ thể là khi xây dựng luật HTX cần quan tâm đến các hương ước, luật tục của địa phương. Chẳng hạn mỗi địa phương lại có quy định quản lý nhân sự, đất đai, tiếp cận tài chính khác nhau, nên từ các hương ước, luật tục đó mới soi vào các quy định pháp luật của đất nước, thậm chí soi vào quy định pháp luật của khu vực, của thế giới để có điều chỉnh phù hợp.
Bà Ann Apps, thành viên của Hội đồng Luật HTX của ICA cho biết, thực tế đã có nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật “mở”, tạo điều kiện cho HTX phát triển. Nhưng vẫn còn một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam có luật riêng cho HTX nhưng lại chưa thường xuyên cập nhật, sửa đổi.
Chẳng hạn như hiện nay đã có chính sách hỗ trợ thành lập HTX nhưng do thiếu nguồn lực nên các cơ quan quản lý HTX chưa thể giám sát quá trình hoạt động sau đăng ký thành lập HTX. HTX ở Việt Nam hiện cũng chưa được trao các chính sách cụ thể về thuế, ngân hàng, công nghệ nên chưa thể thích ứng với quốc tế. Chính sách hiện đã có nhưng chưa đủ rõ ràng để nhận diện HTX.
Cũng giống như ở Việt Nam, New Zealand hiện có Hội đồng Kinh doanh HTX là cấp quản lý cao nhất về HTX nhưng cơ quan này không có các quy định để HTX làm căn cứ phát triển, hay giải quyết các xung đột. Theo bà Ann Apps, việc xây dựng luật pháp, chính sách như vậy chỉ là cách tiếp cận theo hướng từ trên xuống, chưa sát với nhu cầu thực tế.
Để hình thành được mạng lưới pháp lý bảo đảm cho HTX phát triển toàn diện, thậm chí là thuận tiện hơn trong thành lập so với các doanh nghiệp thì cần phải xem Luật Cạnh tranh xem HTX có bị khó khăn gì không.
Tuy vẫn còn những bất cập nhất định nhưng bà Ann Apps cho biết Việt Nam có thể học hỏi New Zealand ở khía cạnh tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn viện trợ từ nước ngoài. Nước này cũng chấp nhận giảm thuế cho thành viên HTX trong sản xuất nông nghiệp.
“Ngoài ra, cần có các chính sách về giáo dục, đào tạo, thu hút sự hỗ trợ về nhiều mặt cho HTX. Các HTX cũng cần có các chính sách để tiếp cận tài chính, thuế, môi trường một cách thuận lợi, đồng thời giúp Nhà nước đưa các ra hệ thống pháp luật nhưng thông qua sự phát triển của các HTX hoặc lấy HTX là trung tâm phát triển”, bà Ann Apps nói.
Nhìn nhận những thay đổi trong Luật HTX là điều cần thiết, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần hiểu và nhận diện những nỗ lực của khu vực KTTT, HTX nhất là những yếu tố về pháp lý. Từ đó có những cam kết đối xử công bằng với khu vực này, đồng thời có khung chính sách rộng hơn về thuế, tài chính để HTX không bị sốc khi tiếp cận.
Đặc biệt, khu vực HTX hiện được đánh giá là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, phát triển HTX cũng phù hợp với xu thế của thế giới. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật ở các lĩnh vực khi xây dựng, thay đổi cần mời các HTX tham gia để trao đổi và hoàn thiện các chính sách quan trọng của quốc gia, hướng tới để HTX có những ưu tiên hơn. Thiên tai, dịch bệnh cũng đang xảy ra, nên cần có các chính sách phù hợp để HTX có thể phát triển và bình ổn trước sự biến động của thị trường.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm phân bổ nguồn lực phù hợp để cơ quan hành chính đại diện cho HTX phát huy vai trò trong điều hành, hỗ trợ các HTX.
Trước những chia sẻ hữu ích trong việc sửa đổi, hoàn thiện Luật HTX năm 2012 từ các quốc gia, tổ chức trên thế giới, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng thực tiễn đã chứng minh phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu. Bài học thực tiễn thành công trong nước và các nước phát triển trên thế giới đều chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng HTX và trên cơ sở đó dần hình thành các liên hiệp HTX là con đường phù hợp nhất, hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống của hàng triệu hộ cá thể và nông dân.
Huyền Trang