Theo ông Chu Văn Phong, Trưởng phòng Chính sách và Phát triển phong trào HTX, sức mạnh của các hội, đoàn thể chính là tuyên truyền, vận động với mạng lưới hội viên rộng khắp. Ngoài yếu tố đó, các tổ chức này còn phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức tín dụng để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn, hướng nghiệp và hỗ trợ vốn cho các hội viên.
Đây là tiền đề cơ sở giúp việc hình thành hoặc chuyển đổi hoạt động các HTX thuận lợi hơn. Đồng thời, các Hội, Đoàn thể còn là cầu nối liên kết các thành viên giữa các HTX để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh và đặc biệt là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Chủ động phối hợp
Nhằm phát huy những lợi thế đó, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… các cấp đẩy nhanh quá trình triển khai Luật đến cơ sở.
Bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình, cho biết: "Xác định mô hình KTTT có vai trò vô cùng quan trọng đối với tổ chức sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã sớm cùng với Ban Chỉ đạo triển khai Luật HTX cấp huyện nghiên cứu phương thức thực hiện. Trong quá trình vận động thành lập mới hay chuyển đổi các HTX, quan điểm của chúng tôi là phải gần dân, lắng nghe nguyện vọng tâm tư để tư vấn cho họ theo nhu cầu".
Cụ thể, năm 2014, cùng với Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân huyện đã tổ chức 15 buổi tập huấn triển khai Luật, trong đó có 1 buổi tại trung tâm huyện và 14 buổi đến từng xã, thị trấn. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã nhận thức rõ hơn những điểm mới của Luật HTX 2012 và lợi ích của mô hình HTX kiểu mới. Huyện đã có thêm 12 HTX được thành lập mới và đều trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương, tiêu biểu như các HTX: Măng tây xanh Thái Bảo, Chăn nuôi thủy sản Xuân Tùng (Song Giang), Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Bình (Vạn Ninh)…
HTX Thủy sản Xuân Tùng được thành lập theo sự tư vấn của Hội Nông dân huyện Gia Bình
Bên cạnh Hội Nông dân các cấp, Liên minh HTX tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Tỉnh Đoàn Bắc Ninh về phát huy vai trò thanh niên tham gia xây dựng và phát triển KTTT giai đoạn 2013 - 2017. Nhiều mô hình thanh niên tiêu biểu như HTX Gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng (Châu Khê, Từ Sơn), Tổ hợp tác trồng gấc lai xuất khẩu xã Đình Tổ (Thuận Thành)… có phương thức hoạt động sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất đem lại năng
suất cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên vươn lên lập nghiệp, làm giàu.
Với sự tiếp sức của các hội, đoàn thể, riêng năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã thành lập mới thêm 56 HTX theo đúng Luật, tạo việc làm cho hơn 500 lao động, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp.
Động lực để phát triển
Để công tác tuyên truyền phối hợp với các hội, đoàn thể đạt hiệu quả, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng các bộ Đề cương tuyên truyền, in ấn các loại tờ rơi, sổ tay, tài liệu giới thiệu Luật HTX, các văn bản hướng dẫn thi hành, các chính sách
phát triển KTTT, giới thiệu những HTX tiêu biểu… Các hội nghị phổ biến đều được tổ chức đến tận cơ sở, thuận tiện trong việc trao đổi, học tập giữa các đoàn viên, hội viên.
Tuy nhiên, hiện tại, quá trình triển khai Luật vẫn rất chậm, do nhận thức của một số cán bộ địa phương còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể với chính quyền còn khó khăn. Cùng với đó, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ HTX yếu, nên hoạt động của một số HTX mới hình thành chưa hiệu quả, khó làm cơ sở để các hội viên khác tham vấn.
Từ thực tế đó, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tăng cường phối hợp, liên kết chặt chẽ với các hội, đoàn thể, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các HTX chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo đúng Luật năm 2012. Đặc biệt, xây dựng các HTX dịch vụ nông nghiệp điển hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để trở thành động lực phát triển kinh tế ở địa phương.
Huyền Thương