Những ngày cuối năm, dạo quanh các cửa hàng trái cây, siêu thị vẫn thấy có quả nhãn tươi được bày bán với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Đây là điều ít thấy ở những năm trước vì mùa nhãn nổi tiếng ở Hưng Yên thường rơi vào tháng 7, tháng 8 hàng năm - được coi là thời điểm thu hoạch thuận vụ của quả nhãn.
Giảm áp lực tiêu thụ
Bà Đỗ Thị Huệ, Phó Giám đốc HTX Trường Xuân (Đắk Lắk) cho biết, nếu tìm hiểu trên thị trường có thể thấy nhãn chín sớm ở Sông Mã (Sơn La) thu hoạch từ cuối tháng 5 đến tháng 7. Đến tháng 8 là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ thì đến tháng 12, một số tỉnh phía Nam vẫn có thể thu hoạch nhãn trái vụ cung ứng ra thị trường với giá trung bình 30.000 đồng/kg.
Ngay như nhãn của HTX Trường Xuân cũng cho thu hoạch vào tháng 6 - 7, không bị trùng vụ với mùa thu hoạch nhãn ở "thủ phủ" Hưng Yên.
Chính vì các HTX, người dân ở các địa phương đã áp dụng kỹ thuật rải vụ, cho thu hoạch trái vụ nên mùa thu hoạch nhãn không bị bó hẹp vào một thời điểm cố định, từ đó tránh được tình trạng “tuột giá”. Điều này cũng giúp người tiêu dùng có thể “rảnh rang” thưởng thức loại nông sản này.
Tận dụng lợi thế trồng rải vụ, trái vụ giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn. |
Trái ngược với quả nhãn, quả thanh long trong những năm gần đây thường bị rớt giá, thậm chí dẫn đến tình trạng thu hẹp diện tích do thời điểm thu hoạch tập trung vào từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Điều đáng nói là thời điểm thu hoạch thanh long của Việt Nam lại có thời gian dài trùng vụ thu hoạch thanh long của Trung Quốc (tháng 5 đến tháng 11). Trong khi Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của loại quả này.
Dẫn ra điều đó để thấy, nếu nếu chú trọng áp dụng kỹ thuật, có thể rải vụ, điều chỉnh thời gian thu hoạch nông sản sẽ giúp hàng hóa của nông dân, HTX ít phải cạnh tranh hơn, lợi nhuận thu về cũng cao hơn.
Anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (Tây Ninh), cho biết thế mạnh của quả mãng cầu hiện nay là có thể thu hoạch quanh năm nên đầu ra rộng mở. Chính vì vậy, HTX mong loại quả này nếu được xuất khẩu chính ngạch sang một số nước không chỉ giúp nâng cao thương hiệu mà còn giúp nông dân, HTX tận dụng được thế mạnh để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tận dụng lợi thế
Theo TS Võ Thị Kim Sa, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, rất nhiều nước, thị trường trên thế giới hiện nay có nhu cầu lớn về cà phê, hạt điều nhưng lại không trồng hoặc không có lợi thế phát triển. Trong khi đó, Việt Nam lại có lợi thế về những nông sản này.
Thế mạnh này không chỉ bởi cà phê Việt Nam được đánh giá là ngon hơn với cà phê một số nước mà còn đến từ việc thời điểm thu hoạch cà phê của Việt Nam (tháng 11-12) không bị trùng với vụ thu hoạch cà phê của một số nước như Brazil, Indonesia, Ấn Độ…
Đối với hạt điều, thời gian thu hoạch ở một số nước như Tanzania, Kenya, Brazil thường rơi vào tầm tháng 9, tháng 10 hàng năm; Ấn Độ, Bờ Biển Ngà có thời gian thu hoạch hạt điều bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tận mùa thu năm sau.
Còn mùa thu hoạch điều ở Việt Nam thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6. Trong đó, vùng trồng điều Bình Phước thường có thời điểm thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm; Đồng Nai thu hoạch điều vào tháng 2 đến tháng 5; Đông Nam Bộ thu hoạch điều từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 5. Còn mùa thu hoạch điều ở Tây Nguyên thường muộn hơn khoảng 1 tháng so với Đông Nam Bộ.
Tham tán thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Ai-xơ-len, Na uy, Lát-vi-a), cho biết nhu cầu về các sản phẩm như rau củ, trái cây, gạo, chuối… của Thụy Điển rất lớn vì Thụy Điển là nước có thời gian dài bị băng tuyết. Và sự khác biệt về mùa vụ chính là lợi thế cho HTX, doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường này.
Cụ thể như vào mùa hè, Thụy Điển có thể tự sản xuất một số loại rau, dưa chuột nhưng từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, nước này lại có nhu cầu nhập khẩu mạnh những mặt hàng này. Trong khi đây cũng là thời điểm thu hoạch dưa leo và một số loại nông sản, trái cây của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, thời điểm thu hoạch nông sản của nước này vào lúc trống mùa của nước khác chính là một trong những lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, khi đã tận dụng được điều này vì điều kiện thời tiết khí hậu ở Việt Nam khác với một số nước đi liền với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào rải vụ, thì điều quan trọng đó chính là phải đáp ứng được yêu cầu của các nước.
PGS TS Trần Lan Hương, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết ngay như chuối có diện tích lớn nhất trong các loại cây ăn quả ở Việt Nam, với nhiều chủng loại nhưng người Việt lại tiêu thụ, cụ thể là ăn chuối rất ít. Trong khi nhu cầu ăn chuối ở nhiều nước như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản rất cao, trung bình 1 quả/người/ngày.
Một lưu ý là khi xuất khẩu sang những thị trường này tuy có nhiều tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi các nhà xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như hữu cơ, GlobalGAP, Fairtrade và các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm.
Với quả nhãn, diện tích trồng nhãn trên toàn quốc là 81.743,43ha vào năm 2023 nhưng tỷ lệ áp dụng quy trình sản xuất khoa học, tiên tiến mới chỉ chiếm 14%. Diện tích trông vải toàn quốc 56.381ha vào năm 2023 nhưng tỷ lệ áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học chỉ có 3% trên toàn quốc (số liệu của Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp).
Do đó, cần tổ chức sản xuất tập trung, có tiêu chuẩn chất lượng, có chứng nhận với sự dẫn dắt của HTX và từ đó kết nối với các doanh nghiệp để đưa vào các thị trường. “Bên cạnh đó, cần đầu tư áp dụng các công nghệ bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng xuất khẩu”, PGS TS Trần Lan Hương khuyến nghị.
Huyền Trang