Hội nghị Tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn do đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 chủ trì, với sự tham dự của 350 đại biểu Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế và đại biểu đại diện cho 47 tỉnh, thành phố có xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn.
Hội nghị thảo luận để đưa ra các giải pháp xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. |
Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm
Sau 10 năm triển khai Chương trình MTQG dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn đã khởi sắc rõ rệt, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển nhanh, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có 08/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Dự kiến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện (50%) thoát khỏi huyện nghèo.
Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn vùng ĐBKK, nhất là vùng DTTS và miền núi, được quan tâm đầu tư, là điều kiện căn bản, thiết yếu để góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị Tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn. |
Cũng theo Bộ NN&PTNT, sau 2 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), 100% các địa phương đã ban hành Đề án triển khai Chương trình OCOP cấp tỉnh. Trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng ĐBKK đã chuẩn hoá khoảng 1.061 sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước), trong đó 21,4% sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 78% sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Từ những kết quả nêu trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giai đoạn 2016-2020 bình quân 1,55%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã ĐBKK vùng DTTS&MN giảm bình quân khoảng 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phát biểu khai mạc. |
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, tại vùng đặc biệt khó khăn, hiện có 3.239 HTX (chiếm 12,8% tổng số HTX trên cả nước). Nhận thức được vai trò nòng cốt của Kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) vào quá trình xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX Việt Nam có những giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ HTX.
Nằm trong vùng ĐBKK nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái đã mang lại những kết quả ấn tượng. Theo đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết trong giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh có 76/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 9 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM, 6 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu. Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2019, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng được 42 mô hình HTX kiểu mới tại vùng đặc biệt khó khăn, tổng kinh phí hỗ trợ gần 8 tỷ đồng (bình quân 200 triệu đồng/mô hình). Hiệu quả hoạt động của HTX vùng đặc biệt khó khăn sau khi được hỗ trợ xây dựng mô hình được nâng lên, doanh thu của HTX tăng từ 8-10%, mang lại nhiều hơn lợi ích cho thành viên HTX.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nhấn mạnh vai trò của KTTT, HTX đối với xây dựng nông thôn mới. |
Đồng chí Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: KTTT, HTX ở tỉnh có những chuyển biến cả về chất và lượng. HTX là mô hình tốt trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM bởi là cầu nối kết nối doanh nghiệp – đơn vị có nguồn lực nhưng thiếu tư liệu sản xuất và nông dân – đối tượng nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng thiếu liên kết đầu ra. Hiện nay, toàn tỉnh có 830 HTX, mô hình này giúp người dân liên kết phát triển kinh tế, đời sống người dân cải thiện rõ rệt.
Vẫn còn những khó khăn, thách thức
Đánh giá về công tác xây dựng NTM ở vùng ĐBKK, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết quá trình xây dựng NTM ở vùng ĐBKK còn nhiều hạn chế, khó khăn như kết quả và tiến độ các tiêu chí đạt chuẩn NTM ở các địa phương vùng ĐBKK chênh lệch khá lớn so với vùng miền khác của cả nước.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ NN&PTNN cho rằng việc phát triển HTX làm cầu nối, kết nối cung cầu còn hạn chế, chương trình OCOP còn chưa được phổ biến tại một số địa bàn vùng sâu vùng xa.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, phát triển KTTT, HTX tại vùng đặc biệt khó khăn có những đặc thù như địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng, giao thông khó khăn, khó phát triển sản xuất tập trung, vùng đồng bào dân tộc... Bên cạnh đó, trình độ, năng lực quản trị HTX còn yếu, chưa huy động tối đa nguồn lực tài chính từ địa phương, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả nên việc phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị còn gặp nhiều rào cản.
Nhằm giải quyết những khó khăn và tạo sinh kế bền vững cho các HTX khu vực ĐBKK, Liên minh HTX Việt Nam đề xuất giải pháp: cần ban hành Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, HTX dành riêng cho vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025; ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các HTX, Liên hiệp HTX vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (chính sách tuyên truyền vận động; chính sách thành lập mới; chính sách đầu tư, tín dụng,...).
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, tiêu thụ sản phẩm của địa phương, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh vùng đặc biệt khó khăn, hỗ trợ đầu tư xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử để các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình có điều kiện tốt nhất tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.
Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025
Phát biểu kết luận Hội nghị Tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp thu các ý kiến, tham luận. Phó Thủ tướng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Thứ nhất, tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn xã theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với bố trí, ổn định dân cư đảm bảo phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong đó hỗ trợ nhân rộng các mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả. Phó Thủ tướng nhấn mạnh HTX, doanh nghiệp là động lực phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. HTX đóng vai trò kết nối thành viên, đào tạo nhân lực, tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường, kết nối với các doanh nghiệp. Do đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, trong đó, ưu tiên HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX phát triển ngành nghề và sản phẩm OCOP, liên kết với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ ba, chú trọng đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ; chú trọng hơn nữa công tác luân chuyển, tăng cường, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết.
Thứ năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội khẩn trương rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời nghiên cứu cách thức lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của 03 Chương trình MTQG (CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; CTMTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững và CTMTQG xây dựng NTM).
Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Đây chính là động lực vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội.
Với những cơ chế, chính sách hiệu quả hỗ trợ các địa phương vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần quan trọng nâng cao điều kiện sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, tạo nên kết quả xây dựng nông thôn mới đồng đều hơn của các địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Chương trình giai đoạn 2021-2025 theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng và bền vững.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ ngành thăm gian hàng OCOP vùng đặc biệt khó khăn. |
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo thăm gian hàng. |
Xuân Mai