Kể từ đầu năm 2020, Bình Dương đã tích cực triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 xã đã được công nhận. Nhiều xã hiện đạt từ 15 - 19 tiêu chí, dự kiến số xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Dấu ấn từ chương trình OCOP
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bình Dương luôn coi việc triển khai thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một hướng đi tất yếu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Bưởi đang là một trong những sản phẩm thế mạnh của tỉnh Bình Dương. |
Lợi thế của Bình Dương khi triển khai chương trình OCOP là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký các sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP, tập trung ở 6 nhóm sản phẩm chính: thực phẩm; đồ uống; dược liệu; vải và may mặc; trang trí, nội thất, lưu niệm; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Riêng với nhóm sản phẩm trồng, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung chủ yếu vào một số sản phẩm đặc trưng như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, rượu bưởi, cam sành, chuối, măng cụt, hoa lan, sơn mài, gốm sứ, chạm trổ điêu khắc…
Hiện, toàn tỉnh Bình Dương có 4 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 30 sản phẩm tiềm năng 3 sao, 75 sản phẩm tiềm năng 1 - 2 sao. Để thực hiện chương trình, tỉnh đã phê duyệt tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình trong giai đoạn 2020 - 2025 là 68 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, các HTX trên địa bàn tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng. Điển hình có thể kể đến HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát, với sản phẩm bưởi đường lá cam, vừa được chọn là sản phẩm OCOP của huyện Bắc Tân Uyên.
Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Đồng Thuận Phát cho hay, bưởi đường lá cam ở vùng đất này rất đặc biệt, tuy trái rất nhỏ mỗi quả trung bình 1kg nhưng được tiếng là thơm ngon bởi vỏ mỏng, nhiều nước, vị ngọt có hậu chua nhẹ và thơm không nơi nào có được.
Với việc bưởi được chọn làm sản phẩm OCOP, HTX kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới, hiệu quả hơn cho người trồng bưởi.
Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu
Kết quả của chương trình OCOP được đánh giá là “làn gió mới” góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Dương. Tỉnh hiện đang đứng hạng 4 cả nước về xây dựng nông thôn mới, vượt xa nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước và có những cách làm riêng, rất hiệu quả.
Sau khi hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Bình Dương đang tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. |
Thành công trong xây dựng nông thôn mới giúp hạ tầng nông thôn của Bình Dương được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được nâng lên.
Trong thời gian tới, để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học.
Tỉnh Bình Dương xác định việc xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục với mục đích chính là nâng cao đời sống cư dân nông thôn.
Theo đó, trên nền tảng kết quả đã đạt được, các địa phương cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí, phát huy những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chương trình nhằm mang lại hiệu quả thiết thực hơn, phục vụ tốt đời sống cư dân nông thôn, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn ở vùng nông thôn của tỉnh.
Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bình Dương đang lồng ghép những chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Tỉnh đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nhiều năm trước.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 167 HTX, trong đó có nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả, được mở rộng đầu tư, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Hưng Nguyên