Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm mức lãi suất ngắn hạn, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 5,5% xuống 5%/năm, có thể thấy việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ.
Khó khăn không của riêng ai
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hơn 2 tháng nay, việc sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp Thiệu Hợp (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) gần như bị đình trệ. Các hợp đồng cung ứng sản phẩm rau an toàn cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh đã được ký từ đầu năm 2020 gần như bị hủy bỏ. Sản phẩm chỉ được tiêu thụ cầm chừng tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định...
Đặc biệt, từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 này, nguồn tiêu thụ hoàn toàn bị đóng băng do HTX và các đơn vị tiêu thụ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Do không có thị trường tiêu thụ nên 0,5 ha cải bắp và 0,5 ha cà tím của HTX đến kỳ thu hoạch đành phải phá bỏ hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Khoa, giám đốc HTX nông nghiệp Thiệu Hợp chia sẻ, hơn 1 tháng nay hàng hóa bị ngừng trệ, song để bảo đảm đời sống cho người lao động, HTX vẫn phải duy trì sản xuất và tự tìm thị trường tiêu thụ nội địa trong phạm vi hẹp, nhưng tình hình cũng không cải thiện được bao nhiêu.
"HTX đã vay 500 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nhưng bị ngưng trệ bởi Covid - 19 nên chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc trả lãi suất và nguồn vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh." ông Khoa nói.
Với trên 1 triệu tỷ đồng được các ngân hàng giảm lãi suất đã phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp, HTX (Ảnh: TL) |
Cùng giống hoàn cảnh của HTX nông nghiệp Thiệu Hợp, ông Nguyễn Văn Triệu, giám đốc HTX vận tải 19-5 (TP. HCM) cho biết, HTX có 400 xe buýt, trong đó có 300 xe đang phải vay lãi ngân hàng, hàng tháng, HTX phải đóng khoảng 2 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, trong tháng 4 do xe không được chạy ngày nào nên HTX cũng chưa có tiền để đóng, trong khi đó HTX vẫn phải đóng nhiều loại phí, tất cả những vấn đề này HTX kiến nghị xin miễn giảm.
Đối với tiền lãi ngân hàng, ông Triệu cho biết HTX đã làm việc với các ngân hàng cho giãn thời gian đóng lãi và đóng gốc để chia sẻ khó khăn với HTX. Đồng thời, HTX cũng kiến nghị ngân hàng xem xét giảm mức lãi suất suất cho vay.
Ngân hàng sát cánh cùng các HTX
Trong bối cảnh đó, chính sự vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt của các ngân hàng đã phần nào giúp các HTX, DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, vì là hỗ trợ, chia sẻ nên nguồn lực này không phải là vô tận. Do vậy, chìa khóa để hỗ trợ chính là năng lực của mỗi doanh nghiệp, HTX.
Theo đại diện ngân hàng VietinBank, phát huy vai trò là ngân hàng chủ lực, trụ cột, VietinBank đã triển khai các chương trình tín dụng thiết thực, lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với trước khi có dịch bệnh và giảm mạnh phí dịch vụ. Ngân hàng đã đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng để cơ cấu lại hoạt động. Theo vị đại diện này, đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6 nghìn khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh với doanh số giải ngân trên 130 nghìn tỷ đồng. Hạ lãi suất cho vay khách hàng, giảm từ 2 – 2,5% lãi suất cho vay đối với lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
"Năm 2020, VietinBank dự kiến dành khoảng 3 – 4 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm chi phí đồng hành, chia sẻ khó khăn với các khách hàng." Vị đại diện nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước lưu ý, các TCTD cần tăng cường tổ chức tiếp xúc đối thoại nhiều hơn nhằm tháo gỡ khó khăn (Ảnh: TL) |
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 5 đã có trên 1 triệu tỷ đồng được các ngân hàng giảm lãi suất cho hơn 260 nghìn doanh nghiệp, HTX... cơ cấu lại nợ cho trên 215 nghìn doanh nghiệp, HTX với số tiền lên tới 130 nghìn tỷ đồng, số tiền này đã và đang đi thẳng tới doanh nghiệp, HTX để giúp họ trụ vững và hồi phục sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Minh Thành