Luật HTX 2012 ra đời đã làm thay đổi căn bản diện mạo của các HTX trên cả nước. Không ít HTX đã thoát khỏi sự trì trệ và thích ứng với kinh tế thị trường. Điều đáng nói là vai trò đầu tàu của nhiều chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc HTX… đã được phát huy. Sự nhạy bén của họ đã góp phần đưa HTX phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.
Còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, nhìn từ mặt bằng chung, đội ngũ cán bộ quản lý HTX vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn và nghiệp vụ, nên việc đưa các HTX thích ứng với cơ chế thị trường không hề dễ dàng. Tiêu biểu như tại HTX dịch vụ nông nghiệp thôn An Trụ (Bắc Ninh) đang liên kết với các hộ dân sản xuất rau màu kết hợp trồng lúa. HTX có 4/5 thành viên đã ngoài 50 tuổi, nên hoạt động sản xuất vẫn mang tính mùa vụ, hoạt động kế toán cũng phải thuê theo hình thức làm việc tại nhà, vì HTX chưa có trụ sở.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc HTX cho biết, mặc dù rất muốn nghỉ ngơi nhưng HTX chưa tìm được người thay thế nên ông vẫn phải đứng ra đảm nhiệm chức vụ giám đốc HTX. “Thanh niên hầu như đi làm ở thành phố hoặc lựa chọn doanh nghiệp để làm công nhân. Tôi lớn tuổi nên từ sản xuất đến quản lý chủ yếu thực hiện thủ công”, ông Trung chia sẻ.
Nhiều HTX có cán bộ đã lớn tuổi nhưng chưa tìm được người thay thế. |
Khó khăn của HTX An Trụ cũng là điểm chung mà không ít HTX hiện nay gặp phải. Theo Liên minh HTX Việt Nam, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo từ sơ cấp đến đại học đạt 65% (tăng 20% so với năm 2018). Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ (chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, kế toán trưởng và trưởng ban kiểm soát ) đạt trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 22%, vẫn còn 30% số cán bộ quản lý HTX chưa qua đào tạo bằng cấp, chuyên môn. Đa số cán bộ HTX hiện nay có độ tuổi từ 45 trở lên, nên khả năng tiếp nhận kiến thức khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến còn hạn chế.
Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, vẫn còn đến gần 60% cán bộ HTX vẫn chưa hiểu thực sự thế nào là chuỗi giá trị nông sản bền vững và làm sao để chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị gia tăng. Đó là điều khiến nông dân thiếu mặn mà và tin tưởng vào mô hình kinh tế hợp tác.
Tuổi tác và năng lực quản trị hạn chế, nên các cán bộ chưa phát hiện được tiềm năng thế mạnh của địa phương để vừa có sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và có khối lượng lớn phục vụ sản xuất theo chuỗi. Chính vì vậy, hoạt động của không ít HTX chưa thực sự hiệu quả.
Cần những “cú hích”
HTX Nông nghiệp Evergrowth (Sóc Trăng) đang nuôi 11.000 con bò sữa. Để bảo đảm đầu ra cho thành viên, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật thú y cho bò sữa bảo đảm chất lượng với giá thấp và thực hiện thu mua, chế biến và tiêu thụ sữa cho thành viên với giá ổn định. Nhờ đó, thành viên HTX gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Có được kết quả này là nhờ Ban giám đốc HTX Evergrowth tích cực vận động các hộ chăn nuôi bò cùng làm ăn chung theo chuỗi giá trị. Những người đứng đầu HTX biết nắm bắt xu hướng thị trường, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và phục vụ lợi ích tối ưu của thành viên HTX.
Từ mô hình của HTX Evergrowth, các chuyên gia cho rằng muốn phát triển HTX, những người đứng đầu phải năng động, có trình độ phù hợp để dẫn dắt HTX hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ.
Nắm bắt được điều này, Nhà nước đã có Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020, Bộ Tài chính đã có Thông tư 340/2016/TT-BTC hướng dẫn về mức và cơ chế tài chính hỗ trợ, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX. Ngoài ra, các HTX còn được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ năng sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Evergrowth là HTX cung cấp nguyên liệu sữa tươi sạch hàng đầu ở Việt Nam cho các doanh nghiệp nhờ sự năng động của những người đứng đầu. |
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, số lượng cán bộ, thành viên HTX tiếp cận chính sách đào tạo bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 4%). Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có hệ thống đào tạo về kinh tế hợp tác, HTX một cách bài bản, thống nhất khiến chất lượng cán bộ HTX chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Để các HTX có thể bứt phá, nâng cao hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường, Ts Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) cho rằng, việc tổ chức đào tạo không nên dừng ở việc bồi dưỡng nâng cao kỹ năng trong vài ngày, mà phải có kế hoạch đào tạo dài hạn, thường xuyên, căn bản. Trong đó, cần tập trung vào những kỹ năng mà cán bộ HTX đang thiếu và yếu, đó là: cách tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch/phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng dự án đề nghị các cơ quan nhà nước hỗ trợ và vay vốn tín dụng, đàm phán hợp đồng, tham gia chuỗi liên kết, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, ứng dụng kỹ thuật số…
Song song đó, các cấp ngành và địa phương cũng cần hỗ trợ HTX xây dựng đội ngũ kế cận, có đủ trình độ chuyên môn cao, biết lập kế hoạch sản xuất, chọn mặt hàng nông sản có lợi thế và có thị trường tiêu thụ tốt để ưu tiên phát triển.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, Nhà nước và một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ HTX, tuy nhiên mức kinh phí hỗ trợ còn thấp. “Thay vì hỗ trợ cào bằng, cần có chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của từng vùng, từng địa phương để vừa nâng cao được năng lực của cán bộ, vừa thu hút người trẻ tham gia điều hành và làm việc tại HTX lâu dài”, ông Thịnh kiến nghị.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ cán bộ quản lý hợp HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25% và khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc, Liên minh HTX Việt Nam đang tích cực thực hiện các lớp đào tạo, thu hút hàng nghìn lượt học viên, trong đó có các cán bộ HTX.
Tuy nhiên, để đưa HTX hoạt động hiệu quả, chính các cán bộ HTX cần phải chủ động, có tâm huyết sát cánh cùng thành viên, nông dân mọi lúc, mọi nơi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giúp nông dân khắc phục sự thua thiệt trong giao dịch mua bán trên thị trường, từ đó mới có thể gia tăng sức mạnh liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản hàng hóa.
Huyền Trang