Nắm bắt được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, trong đó có sản phẩm sầu riêng, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Krông Pắc đã chủ động "đi tắt đón đầu", tìm hiểu các quy định, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo vệ sinh toàn thực phẩm, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
Hình thành chuỗi giá trị
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân An, xã Tân Tiến, được thành từ cuối năm 2016, đang là một trong những điển hình gặt hái thành công với mô hình nông nghiệp theo chuỗi. Với quy mô gần 17 ha, HTX đang nuôi 2.700 con heo thịt, 60 heo nái, 185 con bò, trồng 2 ha rau VietGAP…
Liên kết sản xuất giúp người dân Krông Pắc nâng cao hiệu quả. |
Hiện tại, bình quân mỗi ngày HTX cung cấp gần 1 tấn rau, củ, quả các loại cho người tiêu dùng ở thị trấn Phước An, TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu…
Ông Trần Thế Châu, Giám đốc HTX, cho biết để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng tăng, HTX đang xây dựng 10 ha nhà kính để trồng rau, củ, quả hữu cơ với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Đồng thời, HTX ký hợp đồng hỗ trợ sản xuất (có cả trồng trọt và chăn nuôi), chuyển giao khoa học – kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, cho hơn 70 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như: Ê Đê, Nùng, Dao… trên địa bàn các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Krông Pắc.
Tương tự, HTX Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắk đã và đang hướng dẫn các thành viên thực hiện sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tiến hành thu thập thông tin, mã hóa thông tin vườn cây để làm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Ngoài ra, HTX đã liên hệ với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cung cấp mã số cho vườn sầu riêng của thành viên. Đến nay, đã có 200 ha sầu riêng của HTX được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 400 ha được cấp mã số vùng trồng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc HTX, cho biết: "Nhờ sản xuất theo chuỗi, chất lượng sản phẩm vượt trội, HTX là một trong những đơn vị tiên phong được huyện lựa chọn làm đơn vị xuất khẩu thí điểm trái sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, cùng nhiều thị trường khó tính khác”.
Gần 3 năm nay, được sự vận động của địa phương cũng như sự hướng dẫn của HTX Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắk, gia đình bà Hoàng Thị Mùi, xã Ea Yông đã thực hiện chăm sóc vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Quá trình chăm sóc vườn cây đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật có sự giám sát chặt chẽ.
Bà Mùi chia sẻ: “Sự đồng hành của địa phương và HTX giúp tôi hoàn thiện quy trình canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ, đảm bảo thu nhập 90 – 110 triệu đồng/năm. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng các ban ngành tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch để nâng cao hơn nữa giá trị quả sầu riêng”.
Nâng cao vị thế của HTX
Một số dự án liên kết trọng điểm của các HTX cũng đang trở thành kim chỉ nam cho hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Krông Pắk. Điển hình như Dự án phát triển sầu riêng theo hướng bền vững tại HTX Bơ, Sầu riêng xanh; Dự án chế biến cà phê ướt tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến…
HTX là chìa khóa phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Krông Pắc. |
Đơn cử, HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Yiêng ở xã vùng 3 Ea Yiêng, với dự án sản xuất, chế biến tinh dầu sả, giúp người dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên thoát nghèo và hướng tới làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Ea Yiêng, cho hay trước thực trạng sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả ở địa phương, năm 2018, HTX đã bắt tay nghiên cứu và triển khai mô hình trồng sả trên diện tích 8 ha, với 7 hộ tham gia.
Sau 3 tháng, HTX thu hoạch đợt lá đầu tiên. Lá sả sau khi thu hái được chưng cất thành tinh dầu thô để bán cho HTX Sản xuất và Chế biến tinh dầu sả Tân Trào (xã Ea Tir, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk).
Đầu năm 2019, từ sự đóng góp của thành viên (đã tăng lên 12 hộ), HTX đã khai trương lò chưng cất tinh dầu sả với tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng.
Theo Giám đốc Nguyễn Văn Nam, cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 5 - 6 năm liền, mỗi năm cho thu hoạch từ 5 - 6 lần. Sau khi hết tuổi khai thác lá, người dân có thể lấy củ để bán giống. Giá bán lá sả tươi là 1.500 đồng/kg và 380.000 đồng/lít tinh dầu.
Cây sả đặc biệt rất phù hợp với Ea Yiêng, dễ chăm sóc, mang lại giá trị kinh tế khá ổn định, giá sả dù có giảm nhưng nhờ chi phí đầu tư thấp nên bà con vẫn có thể thu lời được quanh năm. Người nghèo nếu đi theo mô hình này thì trong khoảng 3 - 4 năm có thể thoát nghèo.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Pắk, đánh giá những đóng góp của các HTX, cùng sự hỗ trợ của địa phương, kinh tế Krông Pắc đang khởi sắc từng ngày, trở thành một điển hình về xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, dẫn dắt người nông dân phát triển sản xuất theo quy mô lớn, hình thành các chuỗi giá trị để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, với các hội chợ thương mại cũng sẽ được huyện đặc biệt chú trọng để hình thành các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh, từ đó mang lại những giá trị bền vững cho người dân, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Bài 3: Hiệu ứng từ chương trình OCOP
Hưng Nguyên