Tại Phiên hiến kế về nông nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, được tổ chức ngày 2/5, đã ghi nhận nhiều giải pháp tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, trong đó nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vai trò của “doanh nghiệp xã hội”.
Thiếu “thủ lĩnh” dẫn dắt
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết số lượng HTX hoạt động hiệu quả cách đây 15 năm là khoảng 20% thì đến nay đã trên 50%.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh khẳng định việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông lâm thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hộ dân, cá thể. HTX là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà.
Thực tế, nhiều mô hình HTX đã làm tốt vai trò này. Thông qua liên kết, hiệu quả đem lại rõ rệt, chi phí đầu vào giảm 10%, doanh thu tăng 20%, lợi nhuận bình quân tăng 15 - 20%.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho rằng Việt Nam tham gia hội nhập rất mạnh mẽ, với 16 Hiệp định FTA được ký kết, trong đó có 12 Hiệp định đã thực hiện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có năng lực rất tốt và còn nhiều dư địa để phát triển. Theo tính toán sơ bộ, dư cung trong sản xuất nông nghiệp có đến 50% tổng giá trị sản xuất đưa đi xuất khẩu.
“Chúng ta phải chấp nhận cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chấp nhận tiêu chuẩn rất khắt khe trong bối cảnh quy mô nông dân và quy mô HTX còn nhỏ, rất cần có vai trò hạt nhân, đầu tàu dẫn dắt của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, do thiếu “thủ lĩnh” dẫn dắt nên ngành nông nghiệp còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Lấy dẫn chứng từ việc phát triển ngành nuôi tôm, ông Lê Minh Quang - Chủ tịch công ty Minh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, nêu nhận định điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm là sản xuất nhỏ lẻ và khi sản xuất nhỏ lẻ thì không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.
“Chúng ta rất khó bán hàng với tình trạng trên. Giấy thông hành bán tôm ra thị trường quốc tế và các nước lớn là phải có chứng nhận quốc tế. Mỗi thị trường có những chứng nhận quốc tế khác nhau. Người dân sản xuất nhỏ lẻ thì không thể nào có được những giấy chứng nhận đó”, ông Quang nói. Chủ tịch công ty Minh Phú cho biết, để giải quyết bài toán liên kết chuỗi nuôi tôm, doanh nghiệp này đã nhiều năm đi tìm lời giải. “Đầu tiên là mua đất, thuê đất để nuôi tôm nhưng không được, sau đó thành lập công ty cổ phần để người nông dân góp đất nuôi tôm cũng không được”, ông Quang chia sẻ.
Nên quan tâm đến việc làm sao để cho doanh nghiệp tham gia HTX |
Doanh nghiệp tham gia HTX
Phát biểu tại phiên thảo luận, dưới góc độ quản lý nhà nước từ thực tiễn tại địa phương, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp nuôi tôm và cho rằng có hai “điểm nghẽn”, đó là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu chuỗi liên kết.
Theo ông Sử, “HTX hiện nay ở một số nơi có thành công, nhưng ở nhiều nơi vẫn còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Để khắc phục vấn đề này, ông Sử cho rằng nên quan tâm đến việc làm sao để cho doanh nghiệp tham gia HTX.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cũng cho biết mặc dù đã ban hành đầy đủ 12 nhóm chính sách theo Điều 6 của Luật HTX 2012, tuy nhiên sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ những điểm không phù hợp. Vì vậy cần sớm sửa đổi Luật HTX 2012 để đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, cần sửa Luật Đất đai để có cơ chế gỡ nút thắt tích tụ ruộng đất; sớm nghiên cứu ban hành nghị định riêng về HTX nông nghiệp...
Trong khi đó, ông Sử hiến kế, nên tạo cơ chế chính sách thông thoáng hơn, tạo cho doanh nghiệp tích tụ ruộng đất và xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội.
“Mô hình doanh nghiệp xã hội sẽ giúp khắc phục sản xuất nhỏ lẻ. Tôi kiến nghị mô hình thí điểm chính sách, nghĩa là không chỉ thực hiện chính sách hiện hành mà là các cơ chế mới. Tất nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có những cơ chế thất bại, nhưng chính sách nào thành công sẽ được luật hóa và giúp nhân rộng trong thực tiễn”, ông Sử nói.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH, cũng khẳng định muốn phát triển chuỗi liên kết cần phải tổ chức đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho người nông dân; kết nối nguồn hỗ trợ về tài chính.
“Chúng tôi có HTX cung cấp dịch vụ thú y, phối giống, thức ăn cho người dân, nhưng bà con đang cần nguồn vốn hỗ trợ. Chúng tôi kết nối với ngân hàng cho bà con vay được vốn để phát triển”, ông Hải cho hay.
Ông Hải đề nghị cần có doanh nghiệp đầu tàu, đủ sức tạo ra ảnh hưởng, hoạt động chuyên nghiệp và có thương hiệu...
“Nhà nước cũng nên đặt ra những quy chuẩn đạo đức cho doanh nghiệp, quy chuẩn đạo đức doanh nhân, ví dụ như phải cống hiến, phụng sự đất nước”, ông Hải kiến nghị.
Thanh Hoa