Từ một chủ trương đúng của UBND TP Hà Nội
Tại Quyết định số 2397/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ, diện tích 2,52ha tại khu Dộc Trai, xã Ngọc Tảo, thời gian triển khai dự án là 49 năm, số vốn đầu tư là 25,2 tỷ đồng, quy mô xây dựng chuồng trại 1.000 con bò thịt, bò sinh sản ứng dụng công nghệ cao/năm. Dự án này được UBND TP Hà Nội xác định là một trong những dự án trọng điểm về chăn nuôi công nghệ cao của cả TP Hà Nội tại thời điểm năm 2018 và những năm tiếp theo.
Căn cứ theo Quyết định 2397, UBND huyện Phúc Thọ cũng đã có Quyết định số 1091 ngày 15/10/2018 về việc “Chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng dự án xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ” và “Thông báo thu hồi đất” số 170 ngày 19/3/2019 của hộ gia đình bà Dương Thị Hạ, diện tích dự kiến 3.287m2 để thực hiện dự án xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ. Phương án đền bù với tổng dự toán 7,5 tỷ đồng, niêm yết công khai và đã được Sở TN&MT TP Hà Nội bàn giao bản định vị mốc giới từ ngày 20/12/2018.
Đầu tư vài tỷ đồng để xây dựng chuồng trại phục vụ dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, đến nay HTX Phúc Thọ phải bỏ không vì chưa được bàn giao mặt bằng, thậm chí còn bị dự án Share Farm - một dự án không được cấp phép chồng lấn. |
Những tưởng dự án sẽ “xuôi chèo, mát mái” vì có sự vào cuộc tích cực của UBND TP Hà Nội, các sở ngành và của cả UBND huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm, đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, thậm chí khu trang trại trước đây vốn chăn nuôi hàng trăm con bò thịt, bò sinh sản với hàng chục người lao động làm việc nhộn nhịp của HTX Phúc Thọ giờ bỏ không và trở nên hoang tàn. Nguyên nhân chính là do UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Ngọc Tảo không chịu bàn giao mặt bằng cho HTX.
Để làm rõ hơn nội dung có liên quan, ngày 6/7, phóng viên đã liên lạc với ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ qua số điện thoại cá nhân. Qua trao đổi, ông Tuấn tỏ ra khá thiện chí và hẹn sẽ trực tiếp làm việc với phóng viên vào sáng 7/7 để có câu trả lời thỏa đáng, khách quan và chính xác nhất từ phía lãnh đạo UBND huyện cũng như có cái nhìn công tâm của báo chí, dư luận về dự án này.
Ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện nhắn tin trả lời phóng viên. |
Theo lịch hẹn, 8h30’ sáng 7/7, phóng viên có mặt tại UBND huyện Phúc Thọ, liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nhưng không thấy bắt máy. Sau một hồi gọi điện, nhắn tin, ông Tuấn trả lời lại rằng, phía UBND huyện sẽ cử người có trách nhiệm, có hiểu biết về nội dung vụ việc để đại diện trả lời phóng viên, không nhất thiết phải là Chủ tịch UBND huyện.
“Để được trả lời, anh vào Văn phòng UBND để đăng ký lịch làm việc, tôi đang bận đi công tác cơ sở”, ông Tuấn trả lời điện thoại phóng viên.
Phóng viên tiếp tục vào đăng ký làm việc tại Văn phòng UBND huyện thì nhận được thông tin “sếp đi công tác cơ sở đột xuất và không giao việc cho văn phòng”. Sau một hồi trình bày, nhân viên văn phòng này mới liên lạc với ông Doãn Trung Tuấn, đồng thời cho biết, ông Trịnh Hạ Tuấn, Chánh Thanh tra huyện Phúc Thọ sẽ là người làm việc và trả lời trực tiếp phóng viên về những nội dung liên quan.
Người được Chủ tịch huyện ủy quyền trả lời gì?
Tại cuộc làm việc với phóng viên, ông Trịnh Hạ Tuấn, Chánh Thanh tra huyện Phúc Thọ cho biết, ông vừa được Chủ tịch UBND huyện gọi điện trao đổi nội dung công việc nên biết gì sẽ trả lời đấy.
Phóng viên đặt câu hỏi: Vì sao đã có chủ trương đầu tư, được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại Quyết định 2397, được HĐND TP Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND, kỳ họp thứ 7, khóa XX ngày 4/12/2018 về việc thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội. UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo nhiều sở, ban, ngành, UBND huyện Phúc Thọ quan tâm giúp đỡ HTX Phúc Thọ trong quá trình triển khai dự án nuôi bò công nghệ cao, nhưng vì sao đến nay UBND huyện Phúc Thọ vẫn không bàn giao mặt bằng, bàn giao đất dự án?
Là người được ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cử làm đại diện trả lời phóng viên, nhưng ông Trịnh Hạ Tuấn, Chánh Thanh tra huyện Phúc Thọ không nắm bắt được nội dung vụ việc. |
Ông Tuấn cho biết, do mới chuyển công tác từ Ủy ban Kiểm tra sang Thanh tra huyện nên không nắm được nội dung vụ việc cũng như không có đơn thư, hồ sơ liên quan đến dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ.
Phóng viên đặt vấn đề: Chánh Thanh tra huyện không nắm được vấn đề thì sao có thể trả lời? Vì sao Chủ tịch UBND huyện Doãn Trung Tuấn lại để người có thẩm quyền nhưng không nắm được nội dung vụ việc trả lời phóng viên? Phải chăng có sự bố trí người trả lời để đối phó và né tránh báo chí?
Ông Tuấn cho biết, vì chưa nắm được nên không trả lời thỏa đáng, đồng thời hứa sẽ làm việc với các đơn vị liên quan và cán bộ dưới quyền để nắm thêm vụ việc khi phóng viên cần, đồng thời đề nghị, khi đến làm việc, ngoài thẻ nhà báo, phóng viên cần có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.
Theo ông Tuấn, điểm tắc quan trọng ở đây là HTX Phúc Thọ không chịu chi 7,5 tỷ đồng tiền ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Phúc Thọ. Đây là lý do chính khiến UBND huyện Phúc Thọ không bàn giao mặt bằng cho HTX.
“Nguyên nhân là do HTX có đơn đề nghị hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng chuồng trại…”, ông Tuấn nói.
Khi được hỏi: Phía Thanh tra có văn bản nào về việc HTX đề nghị cấp huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí như đã nói hay không? Ông Tuấn cho biết, HTX có đơn, nhưng Thanh tra huyện không có đơn của HTX, Chánh Thanh tra cũng không quản lý đơn, không nắm được hồ sơ vụ việc. Còn các cơ quan chức năng của huyện có đơn thư, văn bản đề nghị của HTX hay không thì ông cũng không biết!
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc UBND huyện Phúc Thọ đưa ra lý do để buộc HTX phải nộp 7,5 tỷ đồng ứng trước kinh phí đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng là không có căn cứ, trái với điều 32, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất) và điều 13, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (quy định về trả tiền thuê đất, thuê mặt nước).
Có thể nói, việc UBND huyện Phúc Thọ yêu cầu HTX Phúc Thọ phải nộp ứng trước 7,5 tỷ đồng rồi mới bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của hàng trăm thành viên HTX. Do vậy, nhiều năm qua, HTX Phúc Thọ đã liên tục có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ và TP Hà Nội đề nghị giải quyết theo đúng quy định của pháp luật để giao đất cho HTX xây dựng chuồng trại, triển khai dự án chăn nuôi bò. Tránh tình trạng bỏ hoang ruộng đất, dự án không thể triển khai, hàng trăm người lao động thất nghiệp, HTX rơi vào điêu đứng, phá sản.
Phạm Duy