Trang trại hoang tàn
Phóng viên Tạp chí Kinh Doanh cùng đi khảo sát với đoàn công tác của Ban Kiểm tra (Liên minh HTX Việt Nam) tại trụ sở và làm việc với ban lãnh đạo cùng đại diện một số thành viên của HTX chăn nuôi Phúc Thọ.
Làm việc với Ban Kiểm tra, tất cả các thành viên có mặt đều tỏ rõ sự bức xúc về việc UBND huyện Phúc Thọ không bàn giao mặt bằng cho HTX triển khai dự án trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ.
Ông Vũ Đăng Khoát, thành viên HTX cho biết, các thành viên góp vốn, góp đất sản xuất nông nghiệp và đăng ký dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt ứng dụng công nghệ cao theo đúng quy định của pháp luật để làm mô hình điểm cho toàn TP Hà Nội và được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ban Kiểm tra (Liên minh HTX Việt Nam) làm việc với Ban giám đốc và đại diện thành viên của HTX chăn nuôi Phúc Thọ về nội dung đơn thư phản ánh của HTX. |
Tại phần đất triển khai dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao đã có đất sản xuất trước đây của HTX chăn nuôi Phúc Thọ. Tuy nhiên, UBND huyện yêu cầu HTX phải nộp ứng trước 7,5 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng thì huyện mới giao đất.
“Trước khoản tiền vô lý này, các thành viên HTX thống nhất không ứng trước nên UBND huyện Phúc Thọ không giao đất cho HTX theo Quyết định số 2397 của UBND TP Hà Nội”, ông Khoát chia sẻ.
Các thành viên cũng thể hiện rõ sự bức xúc vì nhiều năm dự án không được triển khai, đẩy nhiều thành viên vào khó khăn, gia đình mâu thuẫn vì tham gia vào dự án của HTX nhưng chưa đem lại lợi ích gì, thậm chí nhiều năm nay phải bỏ thời gian, nhân lực, kinh phí để làm đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng và UBND TP Hà Nội.
"Giờ dự án bị thu hồi, HTX không được chăn nuôi, người lao động thất nghiệp, thành viên điêu đứng, chuồng trại bỏ không. Chúng tôi đã làm đơn kêu cứu lên các cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết. Nay, chúng tôi đề nghị Liên minh HTX Việt Nam đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thành viên”, Bà Dương Thị Hạ, Giám đốc HTX nói.
Các thành viên HTX chăn nuôi Phúc Thọ đưa đoàn khảo sát của Ban Kiểm tra ra thăm khu trang trại trước đây vốn chăn nuôi hàng trăm con bò thịt, bò sinh sản với hàng chục người lao động làm việc, giờ bỏ không và trở nên hoang tàn.
Ông Đào Đức Tuấn, Phó trưởng Ban Kiểm tra cho biết, bước đầu làm việc và qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, có dấu hiệu gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích và gây khó khăn cho HTX hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
“Có sai phạm hay không, sai phạm đến đâu, HTX bị ảnh hưởng như thế nào, Ban Kiểm tra sẽ có báo cáo trình lên lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và sắp xếp lịch để làm việc với lãnh đạo UBND xã Ngọc Tảo, lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ và các sở, ngành có liên quan để đánh giá, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của HTX”, ông Tuấn khẳng định.
HTX bức xúc
Điều đáng nói hơn là không chỉ "om" không giao đất dự án cho HTX, mà ngày 26/10/2018, UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành Quyết định số 2750/QĐ-UBND “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Thu hồi đất làm dự án, nhưng khu vực cổng ra vào của nông traị chia sẻ Shara Farm bỏ hoang hóa, cỏ mọc um tùm, che kín lối vào. |
Việc điều chỉnh này, UBND TP Hà Nội hoàn toàn không chỉ đạo và không được báo cáo. Theo đó, khu chăn nuôi tập trung xã Ngọc Tảo tại Quyết định 4156, ngày 21/9/2012 của UBND TP Hà Nội có diện tích 15ha, có vị trí tại khu Dộc Trai và được thể hiện rõ trên tờ bản đồ số 2. Tuy nhiên, UBND huyện Phúc Thọ đã tự ý điều chỉnh lên thành 31,2ha, chia thành 2 vùng.
Vùng 1 là vùng kinh tế trang trại có diện tích 20,06ha, vị trí tại các xứ Đầu Đỗ Dây, Mục Bài, Cát Lải, Mục Bài Chéo dành cho dự án SHARA FARM, một dự án chưa được UBND TP Hà Nội cho phép đầu tư, không có trong quy hoạch sử dụng đất của xã Ngọc Tảo.
Vùng 2 cũng là vùng kinh tế trang trại cà cũng được dành cho dự án SHARA FARM, có diện tích 12,18ha tại các xứ đồng Dộc Tro Dưới, Chăn Nuôi, Đài Điềm.
Một góc chụp khác của khu vực nông trại Share Farm dù khởi động nhiều năm nhưng vẫn như mới. |
Trình bày bức xúc của người dân về dự án SHARE FARM, ông Đỗ Văn Vân, thôn 5, xã Ngọc Tảo, thành viên HTX chăn nuôi Phúc Thọ bức xúc, được sự đồng ý của UBND xã Ngọc Tảo, Công ty cổ phần nông trại chia sẻ SHARE FARM đã tổ chức thuê đất của thôn 5, xứ Đồng Đỗ Dây, Nải Cát của 67 hộ dân, tổng diện tích 29.721m2, thời hạn thuê đất 10 năm, kể từ ngày 1/3/2018 đến hết ngày 29/2/2028. Mục đích thuê là đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch theo quy hoạch, đơn giá thuê là 200 kg thóc/sào/năm. Trong 3 năm đầu, giá thóc được tính bằng 8.000 đồng/kg, các năm sau, giá thóc được tính bằng giá thóc có chất lượng bán ngoài thị trường.
Diện tích đất thuê của người dân không sử dụng, nay trở thành hoang hóa, người dân không thể sản xuất. |
Tại biên bản bàn giao đất giữa SHARE FARM mà đại diện là ông Lương Văn Hùng, Tổng giám đốc và người cho thuê quy định rõ, sử dụng thửa đất theo đúng mục đích thuê; không được hủy hoại đất hoặc làm giảm sút giá trị sử dụng thửa đất…
Tuy nhiên, sau khi thuê đất, Công ty cổ phần nông trại chia sẻ SHARF FARM đã làm cho đất nông nghiệp bị hủy hoại, các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng phục vụ tưới tiêu trước đây bị phá hủy hoàn toàn, đất đai màu mỡ được người dân trồng cấy trước đây bị bỏ hoang hóa, cây cỏ mọc rậm rạp, um tùm. Và cũng chỉ sau 2 năm thuê đất và thanh toán cho người dân, Công ty cổ phần nông trại chia sẻ SHARE FARM đã tự ý phá vỡ hợp đồng, không thanh toán tiền thuê đất và tuyên bố trả lại đất cho dân. Không chỉ có vậy, UBND xã Ngọc Tảo còn cho SHARE FARM sử dụng nhà tập kết rác của thôn 1, 2, 3 đang sử dụng để làm khu chế biến thức ăn cho dự án.
Chỉ tay vào vườn cây trứng cá, cây to bằng bắp đùi, cây bằng bắp tay người lớn, cỏ mọc dậm rạp phía dưới, đất đai trở nên hoang hóa, ông Vân ngán ngẩm: “Khi họ đến làm hợp đồng thuê đất thì rất khí thế. Khi đó, đất đai của chúng tôi rất màu mỡ, sản xuất 3 vụ/năm. Nhưng chỉ sau hơn 2 năm họ thuê đất để làm dự án rồi bỏ không, khiến đất đai trở nên hoang hóa, cây cỏ mọc lên như rừng. Giời có lấy về thì chúng tôi phải cải tạo mất cả năm trời và đầu tư chi phí lên đến hàng triệu/sào may ra mới sản xuất được. Do vậy, chúng tôi đề nghị UBND huyện Phúc Thọ, UBND TP Hà Nội có biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Vân nói.
Chính quyền né tránh
Để nắm được thông tin một cách khách quan, đầy đủ, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ qua số điện thoại cá nhân nhưng ông Tuấn không bắt máy. Đến đăng ký làm việc với Văn phòng UBND huyện nhưng đại diện Văn phòng cho biết, do đang trong thời gian dịch bệnh, lãnh đạo huyện phải tăng cường đi cơ sở để triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, đối với UBND xã Ngọc Tảo, phóng viên đã nhiều lần trực tiếp đến đăng ký làm việc theo nội dung đơn thư, ông Vũ Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo yêu cầu phóng viên xuống đăng ký lịch làm việc tại văn phòng, để cán bộ văn phòng sắp xếp lịch làm việc và sẽ hẹn cụ thể.
Và sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại cá nhân, ông Dương Quốc Trung, cán bộ Văn phòng UBND xã Ngọc Tảo đã hẹn phóng viên đến làm việc. Tuy nhiên, khi đến nơi, ông Vũ Đức Tuấn lại viện lý do để thoái thác trách nhiệm: “Thẻ nhà báo chưa đủ căn cứ để làm việc, mà phải có giấy giới thiệu thì chúng tôi mới trả lời”. Phóng viên đã dẫn Luật Báo chí và quy định tác nghiệp của thẻ nhà báo, nhưng ông Tuấn nhất quyết không làm việc và bỏ ra về.
Phạm Duy