Việc làm ý nghĩa này, đã góp phần giúp các hộ gia đình, các hợp tác xã tiêu thụ được phần lớn nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, nhân lên tinh thần đoàn kết cùng nhau chia sẻ trong lúc khó khăn giữa đại dịch lần thứ 4 vốn đang làm đứt gãy nhiều chuỗi liên kết - tiêu thụ nông sản, khiến nhiều hợp tác xã và người nông dân gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Liên minh HTX Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội Facebook và Zalo, các tổ chức chính trị xã hội đã cùng nhau kết nối, kêu gọi "chung tay tiêu thụ" nông sản cho bà con nông dân. Với tinh thần tương thân tương ái, với trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã lên kế hoạch tiêu thụ nông sản giúp người dân và các hợp tác xã nông nghiệp trên toàn quốc vượt qua khó khăn của đại dịch.
Theo đó, năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, triển lãm, giới thiệu hàng hóa cho các hợp tác xã tại công viên Nam Sông hậu, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, quy mô hội chợ có 300 gian hàng của hơn 1.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thuộc 63 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp liên kết trong và ngoài nước.
Hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hàng hóa nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác có khả năng tiêu thụ cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác.
Các sản phẩm trưng bày tại hội chợ rất đa dạng về mẫu mã, chú trọng chất lượng sản phẩm theo hướng ngày càng đáp ứng yêu cầu khó tính không chỉ của thị trường nội địa mà còn được các bạn hàng quốc tế đánh giá cao. Trong khuôn khổ hội chợ, Trung tâm khoa học công nghệ và môi trường thuộc Liên minh HTX việt nam đã tổ chức hội nghị giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ và xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã.
Chung tay tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong bão "dịch" Covid-19. |
Năm 2021, giữa tâm “bão” dịch tại Bắc Giang, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho gần 20 Hợp tác xã, tổng số lượng tiêu thụ là 4.593,5 tấn vải, dưa hấu, dưa lê và bí. Cùng thời gian này, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư kết hợp với Trung tâm Phát triển thương mại và đầu tư đã liên kết với các siêu thị, sàn giao dịch điện tử, doanh nghiệp, cá nhân… hỗ trợ tiêu thụ 4.335 tấn vải, dứa và các loại dưa. Đơn vị cũng sẽ tích cực hỗ trợ các hợp tác xã trên toàn quốc liên kết với các sàn giao dịch điện tử, đơn vị bán lẻ để tiêu thụ nông sản khi gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.
Liên minh HTX Việt Nam là cầu nối giữa các HTX với tổ chức, cá nhân trong các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Tổ chức kết nối các HTX gặp gỡ, tiếp cận thị trường và các doanh nghiệp bao tiêu, nhà máy chế biến sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước. Đưa các doanh nghiệp, nhà máy chế biến có nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu khảo sát thực tế tiềm năng, lợi thế tại các tỉnh.
Những việc làm vừa qua của các đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đất nước.
Để tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ
Bài học được rút ra trong thời gian qua là, để hạn chế thiệt hại cho người sản xuất, rất cần một hệ thống bảo quản và các nhà máy chế biến tại các địa phương, khu vực, trong khi thực tế, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản ở nước ta còn hạn chế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động. Thế nhưng, khâu chế biến đang là điểm nghẽn khiến cho nông sản Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh. Hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp.
Một trong những thách thức đang tồn tại, đó là dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, khiến nhu cầu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm sút. Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa kịp đổi mới, bổ sung các sản phẩm chế biến sâu, có thời gian bảo quản lâu, giá cả phải chăng, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới ở các quốc gia có dịch.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len... đang tạo ra nhiều lợi thế về thuế quan trong xuất khẩu hàng nông sản. Đồng thời, cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khi phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật như yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng dinh dưỡng… trong sản phẩm một cách chi tiết, cụ thể và nghiêm ngặt hơn.
Chính vì vậy, các ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục theo dõi sát các diễn biến thị trường cũng như cảnh báo từ các đối tác thương mại để điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu phù hợp và hiệu quả.
Từ kinh nghiệm năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề xuất các địa phương, nhất là các địa phương có vùng nguyên liệu lớn sắp và đang cho thu hoạch có phương án kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ.
Để thúc đẩy xuất khẩu, ngay từ những tháng đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Đồng thời phổ biến, hướng dẫn các quy định, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Từ đó giúp doanh nghiệp và người sản xuất định hình được thị hiếu cũng như nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng để tạo ra những sản phẩm phù hợp.
Tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động
Trên thực tế, thời gian qua, nhất là trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân trên cả nước đã có hướng đi mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản khi dịch bệnh đang tái bùng phát trở lại. Bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, các HTX đã từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện cách làm mới để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh. Việc thay đổi này bước đầu giúp nông dân nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Liên minh HTX Việt Nam Nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế tập thể, HTX với mục tiêu tiếp tục phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, với tinh thần "Hợp tác - Đổi mới - Phát triển - Hiệu quả" và ý thức trách nhiệm cao trước thành viên, người lao động khu vực kinh tế tập thể, HTX và cán bộ, người lao động hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Liên minh HTX Việt Nam đã chỉ đạo triển khai tích cực việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất sản phẩm theo chương trình OCOP.
Cung ứng dịch vụ phục vụ thành viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên, hỗ trợ thành viên, HTX, liên hiệp HTX, THT hoạt động sản xuất ổn định, duy trì trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp.
Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu của HTX, Liên hiệp HTX và THT về vốn tín dụng, chú trọng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho HTX trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Hỗ trợ ứng dụng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, tập trung cho các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu của HTX. Mạnh dạn triển khai những mô hình mới, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm giá trị là hướng đi mới của nhiều HTX trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Có thể khẳng định, qua các đợt dịch tại Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất nông sản đã đoàn kết, sáng tạo, chủ động và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, vừa đảm bảo phòng, tránh dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng dư cung hoặc giá giảm sâu đối với một số nông sản trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua tại một số địa phương cũng là bài học kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương, từ đó tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.
Hương Thủy
Phó viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam