Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, anh Thái Văn Hùng về làm việc tại HTX Sản xuất thương mại hồ tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị). Với kiến thức học ở trường, kết hợp với thực tế làm việc tại HTX, anh Hùng đã giúp HTX xây dựng và phát triển mô hình trồng tiêu hữu cơ hàng hóa theo chuỗi giá trị nhờ liên kết thành công với doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.
Chủ yếu sử dụng lao động tại chỗ
Hay tại HTX thủy sản Hưng Phú (Sóc Trăng), trước đây cả Ban quản trị và thành viên HTX đều là người nuôi tôm tại địa phương nên việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý sổ sách, kế toán không được chú trọng và không chặt chẽ. Tuy nhiên, khi được hỗ trợ 2 cán bộ trẻ về làm việc, vấn đề quản lý sổ sách của HTX đã thuận lợi hơn, đảm bảo minh bạch, tạo lòng tin của các thành viên. Ngoài ra, cán bộ trẻ cũng giúp HTX tiếp cận với công nghệ thông tin và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản để phát triển theo hướng bền vững.
Có thể thấy, việc có trí thức trẻ về làm việc đã giúp không ít HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, những năm gần đây, nhận thấy vai trò và tiềm năng của nông nghiệp, không ít thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học đã chủ động lựa chọn mô hình HTX là nơi khởi nghiệp. Điển hình như tại HTX Sinh Thái hữu cơ Tây Nguyên (Đăk Lăk), HTX Sinh Dược (Ninh Bình), HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (Hà Giang)…
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là thu hút cán bộ quản lý trẻ và có trình độ chuyên môn làm việc trong các HTX, Nhà nước và một số địa phương đã có những chính sách thu hút trí thức trẻ về làm việc tại các HTX như Quyết định số 2261/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ cho HTX của Liên minh HTX Việt Nam… Tuy nhiên, việc HTX thu hút và giữ chân cán bộ trẻ làm việc hiện nay vẫn còn khó khăn.
Hiện, cả nước có khoảng 26.000 HTX nhưng theo Liên minh HTX Việt Nam, phần lớn các HTX đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có năng lực, trình độ cao, nhất là nguồn nhân lực trẻ đã được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX nhưng mới có 6 cán bộ trẻ về làm việc tại 6 HTX nông nghiệp, trong khi số HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, thủy sản của tỉnh là 340/450 HTX.
Là một trong những HTX hoạt động hiệu quả, nhưng theo chia sẻ của ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thương mại Dương Liễu (Hà Nội), việc thu hút trí thức trẻ về làm việc tại HTX là không hề dễ dàng. Con em của các thành viên sau khi học xong cũng chọn làm việc ở các công ty, doanh nghiệp hoặc làm trong các khu công nghiệp.
Đưa trí thức trẻ về làm việc giúp HTX phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. |
Thực tế của HTX Dương Liễu cũng là hiện trạng chung của không ít HTX hiện nay. Nguyên nhân là do khó khăn chung của mô hình HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp khi sản xuất bị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và thị trường, dịch vụ ít, vốn có hạn, trình độ năng lực của ban quản trị HTX chưa đồng đều.
Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ và trả thù lao cho cán bộ quản lý HTX chưa hợp lý, chưa đáp ứng được mức tối thiểu cho người lao động, do vậy chưa thu hút được lực lượng lao động trẻ, có trình độ về làm việc tại khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, chính sách thu hút cán bộ quản lý và khoa học kỹ thuật về làm việc tại HTX còn dàn trải nên chưa tạo được lực hấp dẫn đối với người trẻ có trình độ, chuyên môn. Cụ thể, số người được thu hút về làm cán bộ quản lý và khoa học kỹ thuật tại khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn 2002-2021 chỉ dừng ở con số 858, trong đó giai đoạn 2002-2011 chỉ có 10 người.
Thạc sĩ Nghiêm Xuân Mừng (Đại học Nội vụ Hà Nội) cho biết, việc thiếu cán bộ trẻ về làm việc tại HTX một phần do việc đầu tư còn dàn trải, thiếu hiệu quả. Vẫn còn xảy ra tình trạng trí thức trẻ khi về HTX làm việc nhưng chưa phù hợp với nhu cầu của HTX, hoặc chưa đủ cơ hội để trí thức trẻ phát huy khả năng.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cán bộ quản lý HTX hiện nay chủ yếu là nguồn lao động tại chỗ. Đa phần thuộc lứa tuổi trung niên, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.
Phát huy tài, trí
Trong bối cảnh hiện nay, để tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thì chỉ có kinh nghiệm không chưa đủ, mà người cán bộ quản lý HTX phải có trình độ chuyên môn mới xây dựng được các phương án hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ khó khăn đó, để nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ HTX, ngoài đào tạo cho đội ngũ cán bộ đương nhiệm cần có chính sách thu hút trí thức trẻ về quản lý và làm việc lâu dài tại HTX.
Vừa qua, Nhà nước đã có chương trình thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX (Quyết định 1231/QĐ-BNN-KTHT 2018). Do thí điểm nên thời gian thực hiện đưa trí thức trẻ về làm việc tại HTX chỉ giới hạn trong 36 tháng nên tạo ra áp lực cho nhiều cán bộ về vấn đề việc làm sau khi kết thúc thí điểm. Cùng với đó, HTX cũng gặp nhiều trở ngại khi phải nâng cao chất lượng hoạt động trong một thời gian ngắn.
Nhiều HTX đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nên nhu cầu về nguồn lực trẻ, có trình độ chuyên môn rất lớn. |
Mộ khó khăn lớn được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo chi trả được mức lương nếu muốn giữ chân các cán bộ tiếp tục ở lại làm việc cho HTX khi kết thúc thời gian quy định. Bởi số tiền trả lương cho trí thức trẻ về làm việc tại HTX hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách các địa phương. Trong khi đó, thời gian thực hiện Quyết định 1231/QĐ-BNN-KTHT 2018 đã kết thúc.
Hiện nay, ngày càng có nhiều HTX áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, và cũng bởi vậy mà có nhu cầu lớn hơn về nhân lực chất lượng cao. Thạc sĩ Nghiêm Xuân Mừng cho rằng Nhà nước cần có chính sách dài hạn, khả thi để thu hút trí thức trẻ về làm việc tại các HTX. Cụ thể là cần nhân rộng mô hình đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX; đồng thời tăng nguồn kinh phí hỗ trợ, ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường làm việc thuận lợi, có cơ chế, chính sách thể hiện sự quan tâm, tôn trọng để họ tự nguyện ở lại, phát huy tài trí. Đi liền với đó là thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động và tâm tư nguyện vọng của trí thức trẻ và HTX. Qua từng giai đoạn, cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh chính sách, bổ sung giải pháp kịp thời và phù hợp.
Ngoài cơ chế, chính sách thu hút, các HTX cũng cần cải tiến phương thức quản lý, tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản chất lượng cao để tăng sức hút đối với nhân lực trẻ có chất lượng về làm việc và gắn bó lâu dài.
Huyền Trang