Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2021-2030 nhằm triển khai và thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt là triển khai, thực hiện hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Liên minh HTX Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. |
Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Liên minh HTX Việt Nam nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng như phát triển KTTT, HTX, từ đó từng bước hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Theo Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2015-2020, cả nước có 5266 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng do quy định về xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thay đổi (địa phương nào có từ 15% dân số là người dân tộc thiểu số sẽ được quy định là xã dân tộc thiểu số) thì từ cuối năm 2020 đến nay, cả nước có 3434 xã có người dân tộc thiểu số sinh sống.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, phát triển HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng vì hiện nay, xã dân tộc thiểu số đang chiếm gần một nửa số xã đặc biệt khó khăn trên toàn quốc.
Cụ thể, dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 14,2 triệu người (chiếm 14,7% dân số cả nước) nhưng nằm rải rác ở 51 tỉnh thành, chiếm 3/4 diện tích của cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi, vùng biên giới nhưng lại có nhiều tri thức bản địa, là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, 86% người dân phát triển phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy phát triển HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cơ hội để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số năng động sáng tạo, tự vươn lên giảm nghèo.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết phát triển kinh tế tập thể khu vực miền núi có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. |
“Trước đây, các chính sách của Nhà nước chủ yếu là hỗ trợ trên tinh thần cho không nhưng nay là chú trọng vào việc thay đổi nhận thức, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế theo tổ chức, mà tổ chức theo hình thức của mô hình KTTT, HTX là cơ hội để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hợp tác với nhau, từ đó phát triển những vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, giúp người dân giảm nghèo và vươn lên trong cuộc sống”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, hai năm gần đây, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam xác định phát triển HTX tập trung vào địa bàn vùng dân tộc miền núi vì đây là vùng giàu tiềm năng để phát triển các HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi, du lịch…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết xây dựng các tổ hợp tác sau đó phát triển thành các HTX sẽ giúp KTTT phát triển bền vững hơn và đời sống nhân dân được nâng cao từng bước. |
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có 12.000 HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 50% HTX cả nước, thu hút khoảng 4 triệu thành viên (chưa tính các tổ hợp tác).
Hiện, việc phát triển các chuỗi giá trị là hướng đi hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Và muốn phát triển các chuỗi giá trị, phải có tài nguyên, phải phát triển được vùng nguyên liệu, có đất đai, nguồn lao động. “Tất cả những yếu tố trên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đáp ứng được”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Đặc biệt, HTX hiện nay là thành phần kinh tế quan trọng tác động đến sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng. Dẫn chứng về việc phát triển HTX sẽ thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, tại các vùng biên giới ở Sơn La hiện nay đã có 126 HTX hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là các HTX cây ăn quả sản xuất theo quy mô lớn để thực hiện xuất khẩu, từ đó thúc đẩy kinh tế nông lâm nghiệp tại địa phương và nâng cao đời sống cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất đa dạng, nhưng trong thời gian tới, các mô hình HTX nông nghiệp, thương mại, du lịch cộng đồng sẽ rất thích hợp phát triển ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vì vùng này có những thế mạnh về nông, lâm nghiệp, văn hóa bản địa, từ đó thúc đẩy thương mại và du lịch.
Để hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, Liên minh HTX Việt Nam sẽ xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể cho toàn khóa và trước hết là năm 2022, đồng thời rà soát 3434 xã dân tộc thiểu số để phát triển các tổ hợp tác, HTX. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, ở địa bàn này, bước đi cần từ thấp đến cao, nên xây dựng các tổ hợp tác sau đó phát triển thành các HTX sẽ giúp KTTT phát triển bền vững hơn và đời sống nhân dân được nâng cao từng bước.
Huyền Trang