Ở Bình Dương, làng sơn mài Tương Bình Hiệp ở Tp.Thủ Dầu Một vốn nổi tiếng lâu đời. Các sản phẩm tranh sơn mài và đồ thủ công mỹ nghệ (TCMN) từ sơn mài từ ngôi làng này vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đã từng xuất khẩu đi nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Phục hưng” làng nghề TCMN
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, việc xuất khẩu sơn mài của làng sơn mài Tương Bình Hiệp bị chậm lại. Nếu như năm 2001 làng nghề có đến 1.840 hộ tham gia sản xuất, với 3.860 lao động, thì đến nay chỉ còn khoảng 90 cơ.
Gần đây, trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bình Dương, làng sơn mài Tương Bình Hiệp (được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) là một trong những cái tên đầu tiên được đề cập đến. Cùng với dự án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, việc tham gia OCOP đang được kỳ vọng sẽ “phục hưng” làng TCMN vốn từng vang danh trong và ngoài nước.
Để hỗ trợ làng nghề phát triển, tỉnh Bình Dương đang triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với làng sơn mài, xây dựng nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường…
Vấn đề còn lại là những giải pháp căn cơ, đồng bộ và hiệu quả hơn. Nhất là cần xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước.
Như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Đặng Minh Hưng, thời gian tới, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ tiếp tục được quan tâm, giữ gìn và phát triển khi làng nghề này có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử.
Kề cận với Bình Dương là Tp.HCM. Trong chương trình OCOP của Tp.HCM cũng có một số làng nghề TCMN. Điển hình là làng nghề đan lát Thái Mỹ và làng nghề mành trúc Tân Thông Hội ở huyện Củ Chi. Ngoài ra, còn có làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn ở huyện Hóc Môn, làng nghề xe nhang Lê Minh Xuân ở huyện Bình Chánh.
Ở đây, cần ghi nhận sự tham gia tích cực của các Tổ hợp tác (THT), tổ ngành nghề trong những làng nghề trong chương trình OCOP của Tp.HCM. Chẳng hạn như làng nghề đan lát Thái Mỹ có 1 cơ sở đan lát, 7 THT và 195 hộ tham gia sản xuất (trong đó 32 hộ là thành viên của 7 THT).
Hoặc như làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn có 1 tổ ngành nghề, 55 hộ tham gia sản xuất (trong đó 33/55 hộ là thành viên của tổ ngành nghề). Làng nghề xe nhang Lê Minh Xuân có 2 doanh nghiệp, 4 THT, 124 thành viên tham gia sản xuất.
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đang kỳ vọng sẽ khởi sắc cùng OCOP |
“Chọn mặt gửi vàng”
Có thể thấy nhóm ngành TCMN từ các làng nghề truyền thống ở Bình Dương, Tp.HCM hay các tỉnh thành phía Nam đang có một vị trí quan trọng trong chương trình OCOP hiện nay.
Đơn cử như nhóm hàng lưu niệm, nội thất trang trí (trong đó có nhóm hàng TCMN), theo thống kê từ Bộ Công Thương, có 661 sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020.
Theo ước tính, ngành sản xuất TCMN của Việt Nam đang tạo ra việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp đất nước.
Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN của Việt Nam đạt hàng tỷ USD mỗi năm chính là động lực lớn để các làng nghề truyền thống trụ vững và phát triển, nhất là khi có thêm sự “tiếp sức” từ chương trình OCOP.
Theo các chuyên gia, nếu so sánh với lượng tiêu thụ hàng nội thất và quà tặng trên thế giới, lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường. Vì thế, hàng TCMN Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển, đặc biệt là với những sản phẩm được OCOP “chọn mặt gửi vàng”.
Xét về mặt thuận lợi, ngành TCMN của Việt Nam có nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, gần gũi với đời sống người dân miền quê như lục bình, chuối, mây, tre, nứa..., trong khi nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Đây được xem là thế mạnh không chỉ giúp ngành TCMN góp phần tạo việc làm cho một bộ phận người dân vùng nông thôn, mà còn có thể tạo ra giá trị thặng dư cao, do không phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Thế nhưng, xét về mặt thách thức, việc mở rộng thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, dù cho hàng TCMN Việt Nam đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các sản phẩm TCMN của Việt Nam được cho là có tính mỹ thuật cao, nhưng người tiêu dùng quốc tế cho rằng cần thêm sự tiện dụng đi kèm.
Hơn nữa, người tiêu dùng quốc tế cũng chưa hài lòng với hàng TCMN Việt Nam về kiểu dáng và được trang trí bằng quá nhiều màu sắc rực rỡ. Do đó, các nghệ nhân Việt cần lưu tâm, chú ý nhiều hơn.
Thanh Loan