Hiện nay, nhiều cánh đồng của các HTX quản lý không chỉ là nơi sản xuất mà còn là điểm thu hút khách du lịch trải nghiệm, vì phát triển du lịch nông nghiệp đang là một chủ trương lớn của Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Chưa đầu tư đồng bộ
Là HTX đang phát triển mô hình chợ trên cánh đồng lúa, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi (Đồng Tháp) cho biết hệ thống giao thông nội đồng có rất nhiều chức năng khi vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ hoạt động du lịch. Khi đó, đường không chỉ để thuận tiện cho hệ thống máy móc phục vụ sản xuất mà còn xem xét để khách cho thể đạp xe, đi bộ… nên thiết kế làm sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển là điều cần thiết.
Vậy nhưng, không ít HTX đang gặp khó khăn vì cơ sở hạ tầng thủy lợi, đường nội đồng chưa phát triển đồng bộ, chưa đáp ứng được tiêu chí thửa ruộng nào cũng đều có đường giao thông đến tận nơi, và thửa ruộng nào cũng tiếp xúc thuận tiện với hệ thống kênh tưới, tiêu để bơm và xả nước khi cần thiết.
Việc quy hoạch ruộng đất sẽ tạo cơ hội cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn. |
Ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trung An (Thái Bình), cho biết hiện nhiều cánh đồng ở địa phương chưa được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Nhiều vùng sản xuất còn thiếu kênh tưới tiêu. Tình trạng tưới tiêu tràn bờ đã ảnh hưởng đến việc chủ động canh tác sản xuất nông nghiệp. Do đó, cùng trên một cánh đồng nhưng do chưa được quy hoạch sản xuất nên vẫn có hộ gieo mạ, có hộ lại phải cấy tay. Cũng do chưa phát triển được các cánh đồng lớn, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa chủ động được tưới, tiêu nên vẫn xảy ra tình trạng có thửa ruộng cần thoát nước nhưng có thửa lại cần bơm thêm nước. Cũng có những thửa ruộng quá nhỏ, không đảm bảo yêu cầu cho các loại máy cơ giới hoạt động.
Tại nhiều cánh đồng cho thấy, dù có hệ thống thủy lợi, đường nội đồng dẫn vào ruộng nhưng chưa được xây dựng kiên cố. Kênh, mương chính là bờ ngăn cách với ruộng đồng cũng kiêm luôn cả đường nội đồng. Hệ thống này chủ yếu được đắp bằng đất nên gây khó khăn cho việc di chuyển máy móc vào các ruộng cũng như không đảm bảo cho tưới tiêu.
“Một bờ đất nhưng kiêm luôn nhiều chức năng khiến việc giữ nước, thoát nước gặp rất nhiều khó khăn do dễ bị bục, vỡ gây thất thoát nước và mất thời gian trong sản xuất”, ông Vũ Văn Thuần cho biết.
Kiến thiết đồng ruộng
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngay trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thủy lợi, phòng chống thiên tai là yêu cầu cần và đủ đối với các xã trong đảm bảo cơ sở hạ tầng nông thôn.
Dù kết quả thống kê về tiêu chí này rất khả quan, đó là tính đến 2023, đã có 7.950 xã trên cả nước (97,2%) đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai (tăng 1,3% so với cuối năm 2020). Nhưng điều này mới chỉ phản ánh một khía cạnh, chưa nói đủ hết về vấn đề cơ sở hạ tầng đồng ruộng tại các vùng nông thôn trên cả nước. Bởi hạ tầng đồng ruộng không chỉ riêng hệ thống thủy lợi mà còn cả hệ thống đường giao thông nội đồng, hệ thống điện, thậm chí cả hồ, đập, cả cách quy hoạch đồng ruộng khoa học, xây dựng cảnh quan…
Đối với HTX, đồng ruộng chính là không gian sản xuất nông nghiệp chính và cũng chứa đựng các tiềm năng du lịch nông nghiệp. Nhưng việc việc cải tạo, xây dựng hạ tầng đồng ruộng yêu cầu chi phí cao do ruộng đất không bằng phẳng, manh mún. Các bờ vùng, bờ thửa nhiều và hình thành từ lâu đời, trong khi nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục quy hoạch, cải tạo lại hệ thống đồng ruộng còn thiếu.
Ông Lê Hữu Vinh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Võ Giang (Hà Nam), cho biết hiện nay HTX chỉ trông chờ duy nhất vào nguồn hỗ trợ từ cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước. Vậy nhưng nguồn hỗ trợ này phần lớn cũng chỉ đủ để nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương và đầu tư cho máy bơm nước. Muốn đầu tư lớn hơn cần có nguồn từ xã hội hóa nhưng điều này không phải HTX, địa phương nào cũng làm được. Trong khi máy móc, kênh mương vẫn rất dễ bị xuống cấp do thời gian và thiên tai.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu rau quả, cho biết ở nhiều địa phương, quá trình đô thị hóa khiến một số diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị ách tắc, khó đảm bảo công tác tưới, tiêu.
Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, để cải thiện hạ tầng đồng ruộng, yếu tố quy hoạch cần được tính toán, nghiên cứu chi tiết để phù hợp với từng địa phương, từng vùng. Cụ thể là quy hoạch còn phụ thuộc rất nhiều vào đặc trưng phát triển nông nghiệp, khả năng tích tụ đất đai, đặc điểm địa hình, khí hậu… nhưng nhìn chung phải trên cơ sở phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp du lịch. Các lô, thửa ruộng cần bảo đảm đủ lớn, để máy móc hoạt động. Quy hoạch hạ tầng đồng ruộng cũng phải nằm trong quy hoạch tổng thể nông nghiệp nông thôn địa phương.
Một cơ hội mở ra hiện nay đó là Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, phát triển hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, HTX, cá nhân thực hiện tập trung đất, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Bên cạnh đó, kinh phí cho công tác đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để thực hiện tập trung đất, sản xuất nông nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm. (Điều 185, Điều 186).
Theo Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, nếu quy định này được triển khai hiệu quả, các địa phương sẽ thuận lợi trong quy hoạch hạ tầng đồng ruộng, tích tụ đất đai, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp phát triển kinh tế hàng hóa.
Ông Vũ Văn Thuần, cho biết nếu tỉnh, huyện có cơ chế chính sách đầu tư hỗ trợ nông dân, HTX kinh phí để xây dựng hạ tầng đồng ruộng theo hướng hiện đại sẽ không chỉ giúp HTX tiết kiệm chi phí đầu vào cho sản xuất, chủ động được tưới tiêu theo nhu cầu của từng loại cây trồng mà còn thúc đẩy liên kết HTX với doanh nghiệp.
Huyền Trang