Nhìn từ Trung Quốc có thể thấy, hệ thống thương lái, 'cò' nông sản phát triển rất rộng khắp. Một điều quan trọng là các doanh nghiệp, HTX và cả cơ quan quản lý của nước này cũng công nhận vai trò của hệ thống thương lái trong việc nắm bắt giá cả, tình hình sản xuất, hỗ trợ bao tiêu, thu gom nông sản…
Chưa xác định rõ vị thế
Trong một buổi xúc tiến tiêu thụ cà phê, bà Vương Diễm Hoa, Phụ trách cà phê của Tập đoàn Sunwah Hong Kong, cho biết thương lái có vai trò nhất định trong việc bảo đảm nguồn cà phê nguyên liệu để doanh nghiệp chế biến tại Trung Quốc và cả khi mở doanh nghiệp ở Việt Nam.
Ngay như tại Việt Nam, hệ thống thương lái ở Trung Quốc cũng đang hoạt động mạnh mẽ. Cụ thể như ở Bắc Giang, mỗi năm khi vào vụ vải, đã có hàng trăm thương lái Trung Quốc được các cơ quan quản lý giải quyết thủ tục về thị thực nhập cảnh để thực hiện thu mua vải.
Hệ thống thương lái được chính quyền tỉnh Bắc Giang đánh giá là giúp trao đổi thông tin về các quy định trong xuất nhập khẩu, từ đó đóng góp trong việc nâng cao hiệu suất thông quan và lưu thông hàng hóa trên cơ sở đảm bảo yêu cầu xuất nhập khẩu mỗi nước.
Nhưng tại Việt Nam, hệ thống thương lái vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn. Theo các chuyên gia, nông sản của Việt Nam hiện nay chưa thâm nhập sâu được vào nhiều chợ đầu mối lớn ở Trung Quốc một phần là do chưa phát triển được hệ thống thương lái. Doanh nghiệp, HTX ở Việt Nam cũng chưa liên kết chặt chẽ và rộng lớn được với các thương lái Trung Quốc nên nông sản chỉ mới vào được một số tỉnh thành nhất định của đất nước tỷ dân.
Ông Trần Thanh Lam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết chợ đầu mối rau quả Giang Nam được mệnh danh là chợ lớn nhất tỉnh Quảng Đông. Hàng chục ngàn tấn nông sản có truy xuất nguồn gốc được nhập khẩu và của Trung Quốc sản xuất được tiêu thụ mỗi ngày. Nhưng vào những tháng cuối năm, chỉ có một vài loại nông sản ở Việt Nam như măng cụt, sầu riêng, thanh long có mặt tại chợ này. Trong khi Việt Nam là nước có đa dạng nông sản, rau củ, nhiều thời điểm rơi vào tình trạng khó khăn trong tiêu thụ.
Ưu thế mua nhiều, thanh toán nhanh
Hiện tại, thương lái ở Việt Nam phát triển khá mạnh với hệ thống chân rết rải khắp nơi, nhất là những địa phương có vùng nguyên liệu rộng lớn nhằm mục đích thu mua nông sản để cung cấp cho cả các chợ đầu mối, doanh nghiệp, nhà máy, xuất khẩu.
Một điều đặc biệt là hệ thống thương lái được đánh giá có lợi thế cạnh tranh trong gom hàng hơn so với các doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản với nông dân, HTX.
Cụ thể, thương lái thương sẽ mua sát/mua mã (mua toàn bộ vườn) khi cây còn non- chưa đến độ tuổi thu hoạch. Một điểm khác đó là, người nông dân, HTX khi bán cho thương lái sẽ nhận được tiền mặt ngay (thường là từ 50%-70% giá trị cả vườn) từ khi có thỏa thuận. Và ngay khi thu hoạch hết, thương lái sẽ thanh toán luôn số tiền còn lại cho nông dân, HTX.
Thương lái vẫn có vai trò nhất định trong thu mua, tiêu thụ nông sản. |
So với doanh nghiệp khi hợp đồng liên kết với HTX- nông dân, doanh nghiệp thường chỉ mua hàng theo tiêu chuẩn, quy cách hàng loại 1 và đảm bảo các điều khoản thương mại theo hợp đồng thỏa thuận.
Ông Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc HTX rau quả Long Thuận (Tiền Giang), cho biết các doanh nghiệp, siêu thị chỉ mua hàng loại tốt nhất, được tuyển chọn với chất lượng, cảm quan tốt. Đặc biệt là các siêu thị yêu cầu có hàng liên tục nhưng khi giao hàng lại thanh toán chậm sau 7 - 15 ngày.
Một điểm nữa đó là, giá mua nông sản theo hợp đồng liên kết với siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thường chỉ chênh lệch nhỏ so với thương lái mua, mà sản lượng tiêu thụ lại giới hạn so với sản lượng canh tác của chủ vườn.
Chính do những điểm này mà các doanh nghiệp, nhà phân phối hoàn toàn không có ưu thế so với hệ thống thương lái mua hàng với giá mua kg, hoặc mua cả vườn với phương thức thanh toán nhanh bằng tiền mặt và sẵn sàng chịu các rủi ro về chăm sóc, bảo quản hàng hóa từ lúc trồng đến khi thu hoạch.
Tất nhiên, liên kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, nhà phân phối cũng sẽ mang lại những giá trị riêng cho nông dân, HTX như giúp HTX phát triển thương hiệu, khẳng định chất lượng…
Nhưng qua đó có thể thấy, vai trò của thương lái cũng không hề nhỏ trong việc giúp nông dân, HTX tìm được đầu ra ổn định. Họ chính là nhân tố quan trọng giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp một cách linh hoạt. Đặc biệt là dù áp dụng quy trình sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, siêu thị nhưng nhiều HTX vẫn còn tỷ lệ nông sản loại 2, loại 3 cần được tiêu thụ và kênh thương lái vẫn là lựa chọn của nhiều nông dân, HTX.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết hiện số lượng HTX liên kết với các siêu thị, nhà phân phối hiện đại vẫn còn khiêm tốn. Điều này một phần do các thành phần thu mua nông sản như thương lái phát triển. Bên cạnh đó là do các tiêu chuẩn liên kết hợp đồng với siêu thị có những yêu cầu rõ ràng.
Thống kê của Bộ NN&PTNT, cho thấy trong tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc tiêu thụ qua thương lái vẫn chiếm đến 49,5%. Chính vì vậy, gắn kết nông dân, HTX, thương lái, doanh nghiệp cũng là một trong những cách được nhiều chuyên gia đưa ra nhằm mở rộng cơ hội trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên quy mô lớn cho nông dân, HTX một cách hiệu quả. Vì xét trên khía cạnh thu mua số lượng lớn, thương lái sẽ giúp nông dân, HTX đến gần với doanh nghiệp, chợ đầu mối và là nhân tố không thể thiếu trong xuất khẩu.
Ngay như với một số nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có thanh long, thương lái hiện vẫn được các cơ quan quản lý đánh giá là giữ vai trò chủ đạo trong việc thu gom thanh long cho các thương nhân xuất khẩu.
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), cho biết hệ thống thương lái thu mua hiện khá đa dạng (có thể là thương lái Trung Quốc hoặc Việt Nam) được hình thành do nhu cầu của thị trường.
Trong chuỗi cung ứng thanh long xuất khẩu chính ngạch, thanh long đi qua 4 chủ thể bao gồm nông dân, HTX-thương lái- thương nhân xuất khẩu chính ngạch và thương nhân Trung Quốc. Trong đó, khoảng 3% lượng thanh long trong tổng số hơn 70% lượng thanh long mà thương lái mua của nông dân, HTX sẽ được xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc thông qua các thương nhân xuất khẩu chính ngạch và thương nhân Trung Quốc.
Rõ ràng, vai trò của thương lái là không thể chối bỏ. Nhưng nhìn nhận chung có thể thấy, việc mua bán qua hệ thống thương lái vẫn có những rủi ro, bị ép giá vì hầu hết không có hợp đồng nên nông dân, HTX cũng dễ bị đánh mất thương hiệu.
Do đó, TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để đào tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp, vị thế của hệ thống thương lái.
Hiện, thương lái Việt Nam chủ yếu quan tâm đến vấn đề giá cả, thời điểm thu mua mà chưa để ý, hỗ trợ nông dân, HTX trong việc hoàn thiện kỹ thuật sản xuất, sơ chế, đóng gói theo quy trình sản xuất. Trong khi thương lái Trung Quốc làm khá tốt điều này.
Một khi vị thế của thương lái được nâng lên, khả năng kết nối giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên, từ đó, mở cơ hội trong sản xuất cho HTX và thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ.
Huyền Trang