Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế và sản xuất nông nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho hàng triệu lao động tại các địa phương trên cả nước. |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, hiện nay các địa phương được xác định là vùng trọng điểm về lúa, gạo vẫn gặp khó khăn về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Sản xuất lúa, gạo nói riêng, nông nghiệp nói chung vẫn còn phụ thuộc vào thị trường, khí hậu nên chưa thực sự đem lại hiệu quả, lợi ích nhanh như những ngành, lĩnh vực khác.
Do đó, Luật Đất đai và Nghị định về đất lúa phải có cơ chế, chính sách để các địa phương là vùng trọng điểm về lúa, gạo có thể thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Người nông dân, thành viên HTX được hỗ trợ tập trung, tạo điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, hướng đến sản xuất lớn, bảo đảm thu nhập, đời sống ổn định.
Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Trồng trọt năm 2018, Bộ NN&PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương tham mưu xây dựng Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, cho biết Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 18 điều và các phụ lục, quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; sử dụng một phần diện tích đất trồng lúa để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa; nộp tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa.
Các chính sách hỗ trợ cần giúp tổ chức, doanh nghiệp, người trồng lúa ứng phó được với mọi rủi ro. |
Riêng về khung chính sách hỗ trợ phát triển cho đất lúa nói chung, vùng chuyên canh lúa, vùng có năng suất, chất lượng cao trong Dự thảo gồm có các lớp chính sách, cơ chế về đầu tư công, chi thường xuyên, xã hội hóa, duy tu, bảo dưỡng, vận hành….
Trước nhưng chính sách này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Nghị định cần đưa vào các quy định, cơ chế mới, giúp tổ chức, doanh nghiệp, HTX, người trồng lúa ứng phó với rủi ro về biến đổi khí hậu, hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp, thiết bị nông nghiệp; tiếp cận thị trường… nhằm bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống cho người trồng lúa trong mọi tình huống.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ hạ tầng, khoa học công nghệ, thương mại, dịch vụ, xây dựng công trình phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp… cần ưu tiên cho các vùng sản xuất quy mô lớn đối với doanh nghiệp, HTX, mô hình liên kết giữa các hộ dân theo hướng đa mục tiêu với đề án hoạt động cụ thể.
Muốn làm được điều này, cần rà soát phạm vi điều chỉnh Nghị định để sát với yêu cầu của Luật Đất đai nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ các quy định, thuật ngữ, khái niệm với các văn bản, pháp luật có liên quan.
Tại cuộc họp, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến đối với các nội dung như: Quy định việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120cm so với mặt ruộng; Điều kiện xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa quy định cá nhân có quy mô diện tích 2ha trở lên, tổ chức có quy mô diện tích 30ha trở lên được sử dụng một phần diện tích trên đó để xây dựng công trình, với tỷ lệ diện tích công trình xây dựng tối đa 0,1% tổng diện tích đất lúa được giao nhưng không vượt quá 500m2.
Ngoài ra, vấn đề về công trình chỉ được xây dựng 1 tầng, không được xây dựng tầng hầm cũng được thảo luận. Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị Bộ NN&PTNT nông thôn làm rõ và thông tin đầy đủ về việc "coi đất xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, đất chuyển sang trồng cây lâu năm là đất nông nghiệp thay vì đất lúa".
Đại biểu cũng đóng góp ý kiến về các tiêu chí xác định vùng đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế chuyển đổi; các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa…
Đóng góp ý kiến, đại diện tỉnh Quảng Bình đề nghị cần quy định rõ cơ quan nào quyết định “vùng trồng lúa năng suất cao cần bảo vệ nghiêm ngặt”. Bởi hiện trong Dự thảo nghị định tuy có tiêu chí nhưng không xác định rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định. Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa đang được khẩn trương hoàn thiện, đảm bảo đủ điều kiện để Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sớm từ 1/8. Nếu các cơ chế chính sách trong nghị định được thông suốt, không bị chồng chéo sẽ giúp người dân, HTX, doanh nghiệp trồng lúa ở các địa nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch các vùng trồng lúa năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu bền vững…
Trước đây, người trồng lúa đã được được Nhà nước có chính sách hỗ trợ để tiếp tục "giữ nghề", hạn chế chuyển đổi bởi Việt Nam là nước nông nghiệp, lúa là một trong những cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức hỗ trợ đất trồng lúa thấp, thủ tục phức tạp nên nông dân, HTX khó được hưởng thụ.
Hơn nữa, điều 182 Luật Đất đai 2024 lần đầu cho phép người dân được dùng một phần diện tích đất trồng lúa để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, dù đã làm theo hướng này song do không có quy định kiểm soát. Bởi thế, trong dự thảo Nghị định lần này, Bộ NN&PTNT đã quy định chi tiết những nội dung này trong nghị. Chi phí hỗ trợ cũng được nâng lên.
Cụ thể là mức hỗ trợ hiện nay từ 1 lên 2 triệu đồng mỗi ha mỗi năm với đất chuyên trồng lúa; từ 500.000 đồng lên một triệu đồng với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch.
Ngoài hai mức hỗ trợ trên, Bộ NN&PTNT đề xuất hỗ trợ thêm 3 triệu đồng một ha mỗi năm với vùng quy hoạch trồng lúa cần bảo vệ hoặc cần hạn chế chuyển đổi để áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Đây là điểm mới với quy định hiện hành.
Quang Am